26/04/2025 lúc 16:14 (GMT+7)
Breaking News

CCHC ở Đắk Nông: Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2024 cho thấy tỉnh Đắk Nông đã có những tiến bộ đáng kể trong công tác cải cách hành chính. Việc tăng điểm số và thứ hạng phản ánh nỗ lực của tỉnh trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ công và tăng cường sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Nhìn vào kết quả Chỉ số CCHC (PAR INDEX) tỉnh Đắk Nông và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Đắk Nông luôn xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, do đó thường xuyên bám sát các Chương trình, Kế hoạch và văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn về công tác CCHC của Chính phủ, Bộ Nội vụ và các Bộ ngành Trung ương có liên quan để kịp thời triển khai thực hiện tại địa phương đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã kịp thời phối hợp chặt chẽ để nắm bắt và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ CCHC đã đề ra trong năm.

Nguồn: daknong.gov.vn

Kết quả chỉ số cải cách hành chính 2024 của các tỉnh, thành phố được phân theo 2 nhóm. Nhóm A, đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên, gồm 13 tỉnh, thành phố. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% đến dưới 90%, gồm 50 tỉnh, thành phố. Theo đánh giá, Tỉnh Đắk Nông đứng thứ 50 của bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2024 với kết quả đạt 86,6%; tăng1,18% và tăng 1 bậc xếp hạng so với năm 2023. Với kết quả này, Đắk Nông xếp thứ 2 khu vực Tây Nguyên, chỉ sau tỉnh Kon Tum – địa phương đứng đầu khu vực với 88.27 điểm. Đây là thành quả đáng ghi nhận, cho thấy những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính của tỉnh trong thời gian qua.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, năm 2024, các địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác CCHC một cách toàn diện, hiệu quả. Kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so với năm 2023; phương pháp chỉ đạo, điều hành CCHC có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành CCHC ngày càng có những chuyển biến tích cực cả về tư duy, hành động và hiệu quả đạt được trong thực tiễn.

Các địa phương đã tăng cường rà soát, đề xuất tháo gỡ nhiều thể chế, cơ chế, chính sách, góp phần tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu KT-XH đề ra trong năm. Cùng đó, cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, với nhiều mô hình mới được triển khai thí điểm, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và Đề án 06, đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, trong năm 2024, cải cách tổ chức bộ máy đã được tiến hành khẩn trương, khoa học và đạt nhiều kết quả đột phá. Xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tiếp tục là điểm sáng của cải cách, khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện. Các ứng dụng, cơ sở dữ liệu được phát triển mạnh mẽ, dữ liệu thường xuyên được cập nhật, kết nối chia sẻ liên thông, phục vụ ngày càng hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND các cấp ở địa phương.

Thông qua đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 là dịp để các địa phương có điều kiện nghiên cứu, phân tích dữ liệu, xác định rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó, ban hành và triển khai các giải pháp, biện pháp khắc phục đối với từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể, góp phần đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong năm 2025 và tiếp theo.

Công tác tuyên truyền CCHC được thực hiện dưới nhiều hình thức. Công tác cải cách TTHC gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công được đẩy mạnh nhằm mang lại lợi ích và sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Năm 2024 cùng với việc triển khai nhân rộng sáng kiến “Ngày không viết”, “Ngày không hẹn”, các cơ quan đơn vị, địa phương cũng tích cực triển khai Chiến dịch cao điểm 60 ngày “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”, qua đó đã góp phần tăng tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn ở cả 3 cấp, tỷ lệ hồ sơ TTHC trực tuyến. Công tác kiểm tra CCHC tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, góp phần phát hiện kịp thời những tồn tại, hạn chế trong triển khai CCHC tại các cơ quan, đơn vị. Kết quả đánh giá, khảo sát sự hài lòng của lãnh đạo, quản lý (gồm: Lãnh đạo cấp Sở, UBND huyện, lãnh đạo cấp phòng thuộc sở) và Đại biểu HĐND tỉnh về công tác CCHC của tỉnh đã có sự cải thiện đáng kể (xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố; tăng 27 bậc so với năm 2023).

Nguồn: daknong.gov.vn

Tồn tại, hạn chế

Tuy nhiên, qua kết quả Chỉ số CCHC năm 2024 đã chỉ ra cụ thể những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC của tỉnh đó là:

- Sáng kiến, giải pháp hay về CCHC của tỉnh số lượng vẫn còn ít, chủ yếu tập trung tại các đơn vị đầu mối tham mưu CCHC cấp tỉnh, các sở, ngành khác hoặc cấp huyện hầu như không có sáng kiến đạt các yêu cầu của Bộ Nội vụ.

- Trong năm vẫn còn một số nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoàn thành muộn so với thời hạn quy định.

- Về cải cách thể chế: Vẫn còn tình trạng chậm xử lý các văn bản trái pháp luật do cơ quan có thẩm quyền kiến nghị.

- Về cải cách TTHC: Chưa xử lý hoàn thành 100% phản ánh, kiến nghị về quy định, TTHC đã tiếp nhận.

- Về cải cách tài chính công: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa đạt 100%; việc thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách, chưa đảm bảo 100%; tỷ lệ giảm chi trực tiếp ngân sách cho đơn vị sự nghiệp chưa đảm bảo.

- Về xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số: Tỉnh còn chậm hoàn thiện, triển khai khung Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 3.0. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình; thanh toán trực tuyến có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp...

Phạm Thủy