16/05/2025 lúc 03:48 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số – Động lực mới cho nông nghiệp và nông thôn Cần Thơ

TP Cần Thơ đang tích cực thúc đẩy mô hình hợp tác trong chuyển đổi số và sản xuất tuần hoàn nhằm hướng đến phát triển kinh tế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

TP Cần Thơ đang tích cực triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cường kết nối thị trường và phát triển kinh tế số nông nghiệp - Ảnh: TL

Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, như áp dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị và độ tin cậy của sản phẩm. Phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm. Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) thông qua các kênh thương mại điện tử.

Đến nay, thành phố đã có 199 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao, góp phần hình thành hệ sinh thái sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường rộng lớn.

Cần Thơ đã và đang phát triển đa dạng, mở rộng diện tích nuôi thủy sản - Ảnh: TL

Trong bối cảnh nông nghiệp cả nước đang tái cấu trúc mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa, TP Cần Thơ được xem là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Một trong những điểm sáng đáng chú ý là việc thành lập các hợp tác xã hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, có hợp đồng bao tiêu và sản xuất sạch. Phải kể đến là Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản HP FOODS, nơi sản xuất theo quy trình đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, đồng thời đảm bảo tiêu thụ ít nhất 30% sản lượng thông qua ký kết với doanh nghiệp. Không chỉ dừng lại ở mô hình nuôi trồng, nhiều xã tại Cần Thơ đã mở rộng vùng canh tác quy mô lớn theo định hướng thị trường. Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với vùng trồng lúa Đài Thơm 8 hơn 44ha, đã được cấp mã số vùng trồng, là minh chứng cho việc nông dân đã biết khai thác giá trị gia tăng từ chính khâu tổ chức sản xuất.

Tiêu chí số 13 không chỉ là một trong những tiêu chuẩn đánh giá xã đạt chuẩn NTM nâng cao mà còn là nền tảng thúc đẩy phát triển toàn diện nông thôn – từ thu nhập, việc làm, đến môi trường và đời sống văn hóa. Khi sản xuất được tổ chức bài bản, nông dân không chỉ nâng cao được thu nhập mà còn trở thành chủ thể thực sự trong hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại.

Thành phố Xanh Cần Thơ đang hướng đến phát triển bền vững và Net Zero - Ảnh: TL

Thực hiện Kế hoạch 169/KH-UBND ngày 10/08/2022, Cần Thơ đã triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn. Công cuộc này có ý nghĩa thiết thực, không chỉ góp phần tái sử dụng và tái chế chất thải trong sản xuất và tiêu dùng. Mà còn giúp phát triển các ngành công nghiệp tái chế, xử lý chất thải. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng.

Không chỉ vậy, địa phương cũng đã thực hiện tăng cường hợp tác công – tư, hướng đến thu hút đầu tư. Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc triển khai các giải pháp công nghệ mới. Huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư vào hạ tầng số, công nghệ xanh và các dự án phát triển bền vững./.

Trí Đức - Hoàng Châu