26/04/2025 lúc 16:27 (GMT+7)
Breaking News

Giao lưu văn hóa quốc tế nâng tầm thương hiệu Việt Nam

Việt Nam, với bề dày lịch sử và bản sắc văn hóa đặc trưng, đang ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ giao lưu văn hóa quốc tế. Thông qua chiến lược tiếp biến văn hóa linh hoạt và các hoạt động truyền thông quốc tế đa dạng, Việt Nam không chỉ bảo tồn được nét văn hóa riêng mà còn xây dựng được hình ảnh tích cực trong mắt bạn bè quốc tế
Giao lưu văn hóa quốc tế nâng tầm thương hiệu Việt Nam

Tầm quan trọng của giao lưu văn hóa trong bối cảnh quốc tế

Giao lưu văn hóa là quá trình tương tác, tiếp xúc và giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau, qua đó dẫn đến những biến đổi văn hóa nhất định. Đối với Việt Nam, giao lưu văn hóa không chỉ là cầu nối giữa đất nước và thế giới mà còn là công cụ thể hiện những giá trị cốt lõi và bản sắc văn hóa độc đáo. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện đại, giao lưu văn hóa vượt ra khỏi phạm vi đơn thuần của các hoạt động nghệ thuật hay giải trí. Nó trở thành một hình thức ngoại giao công chúng (public diplomacy), góp phần tạo dựng mối quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, các hoạt động giao lưu văn hóa ngày càng đa dạng và có tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn.

Giao lưu văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của một quốc gia, đặc biệt đối với những nước đang trên đà hội nhập như Việt Nam. Không chỉ góp phần xây dựng lòng tin và sự thấu hiểu giữa các dân tộc – nền tảng thiết yếu cho hợp tác chính trị, kinh tế và an ninh – giao lưu văn hóa còn là công cụ hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước, định hình thương hiệu quốc gia và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Từ đó, Việt Nam có thêm cơ hội thu hút đầu tư, phát triển du lịch và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm văn hóa. Đồng thời, quá trình tiếp biến văn hóa cũng khơi gợi sức sáng tạo, làm giàu thêm đời sống tinh thần và sản sinh những giá trị văn hóa mới mang tính dung hợp, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, giao lưu văn hóa ngày càng trở nên thiết yếu để xây dựng một cộng đồng thế giới đa dạng nhưng gắn kết bởi những giá trị chung về hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Vai trò của truyền thông quốc tế trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa

Không thể phủ nhận rằng truyền thông quốc tế đóng một vai trò then chốt trong việc truyền tải hình ảnh văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Các phương tiện truyền thông đa dạng như truyền hình, báo chí, phát thanh, mạng xã hội và các nền tảng số khác đã tạo ra một hệ sinh thái truyền thông phong phú, giúp Việt Nam tiếp cận công chúng quốc tế với nhiều hình thức và nội dung khác nhau.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội đã trở thành những kênh truyền thông hiệu quả, cho phép Việt Nam tiếp cận trực tiếp với công chúng quốc tế mà không cần thông qua các trung gian truyền thống. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tự định hình và kiểm soát thông điệp truyền thông của mình. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như Đại sứ quán, Lãnh sự quán cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, quảng bá hình ảnh đất nước. Họ thực hiện điều này thông qua các hoạt động như họp báo, trả lời phỏng vấn, tổ chức sự kiện theo định hướng của Bộ Ngoại giao và tuân thủ các quy định, pháp luật của nước sở tại. Những hoạt động này góp phần tạo dựng kênh thông tin chính thống và đáng tin cậy về Việt Nam. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông quốc tế uy tín tên thế giới cũng thường xuyên đưa tin và sản xuất các chương trình đặc biệt về Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với công chúng toàn cầu một cách khách quan và đa chiều.

Trong những năm qua, mặc dù Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông quốc tế, nhưng so với các nước phát triển, các chiến dịch truyền thông quốc tế của Việt Nam còn khá khiêm tốn về quy mô và tác động. Ngày 27/11/2024, Nghị quyết 162/2024/QH15 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Đến năm 2030, Việt Nam hướng tới việc có ít nhất 05 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam, nâng tầm hình ảnh và giá trị văn hóa trên trường quốc tế, và con số này được nâng lên thành 6 sự kiện vào năm 2035. Đây là bước tiến chiến lược nhằm khẳng định vị thế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Thách thức và giải pháp trong quá trình xây dựng hình ảnh quốc thông qua truyền thông

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên không gian truyền thông quốc tế, nơi nhiều quốc gia đã đầu tư mạnh mẽ và bài bản để quảng bá hình ảnh đất nước, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn trong việc tạo dựng một vị thế riêng. Khi các chiến dịch truyền thông toàn cầu ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả nhờ vào nguồn lực dồi dào và chiến lược bài bản, Việt Nam buộc phải nỗ lực hơn để tiếng nói và hình ảnh của mình được lắng nghe và ghi nhận trong cộng đồng quốc tế.

Việt Nam vẫn chưa có một chiến lược truyền thông quốc tế tổng thể, tích hợp đầy đủ các chủ thể tham gia như doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, truyền thông nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ và kiều bào yêu nước. Mặc dù đã có chiến lược rõ ràng về công tác thông tin đối ngoại dưới góc độ nhà nước, nhưng việc thiếu sự phối hợp toàn diện khiến cho hiệu quả truyền thông quốc tế bị phân mảnh, thiếu chiều sâu và sức lan tỏa. Không gian truyền thông toàn cầu hiện nay đang chịu tác động mạnh mẽ bởi các yếu tố địa chính trị, cạnh tranh nước lớn, cũng như các mối đe dọa từ an ninh truyền thống và phi truyền thống. Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại càng làm cho việc định hình hình ảnh quốc gia trở nên phức tạp, đòi hỏi Việt Nam phải có cách tiếp cận linh hoạt và bài bản hơn để giữ vững và củng cố hình ảnh của mình.

Để vượt qua những thách thức này và tận dụng cơ hội từ xu hướng toàn cầu hóa, Việt Nam cần khẩn trương xây dựng một chiến lược truyền thông quốc tế cấp quốc gia mang tính dài hạn và đồng bộ. Chiến lược này phải đặt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng tối đa các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn, chuỗi khối, IoT, mạng 5G và 6G. Trong đó, việc phát triển thương hiệu quốc gia, xây dựng thông điệp chính trị và văn hóa, cùng chiến lược tiếp cận công chúng toàn cầu qua các nền tảng số cần được coi là trụ cột. Ngành ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy vai trò nòng cốt trong triển khai chiến lược truyền thông quốc tế. Việc tối ưu hóa nguồn lực, từ tài chính đến con người, là điều kiện tiên quyết để xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm truyền thông phù hợp với đặc điểm từng khu vực, quốc gia và nhóm công chúng cụ thể. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ phụ trách công tác văn hóa – truyền thông đối ngoại, biến họ thành lực lượng hạt nhân trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia.

Bên cạnh việc hoạch định chiến lược và tổ chức thực thi, Việt Nam cũng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực truyền thông quốc tế chất lượng cao. Đây phải là những người có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm và luôn sẵn sàng học hỏi, cập nhật tri thức mới. Một đội ngũ như vậy sẽ là lực đẩy quan trọng giúp hình thành các sản phẩm truyền thông quốc tế chất lượng, mang bản sắc Việt Nam và có khả năng chinh phục công chúng toàn cầu. Việc tiếp tục phát huy chiến lược tiếp biến văn hóa linh hoạt – yếu tố từng giúp Việt Nam giữ vững bản sắc và độc lập dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử – sẽ là nền tảng để xây dựng một hình ảnh quốc gia vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc trong mắt bạn bè quốc tế./.

Dương Thị Xiêm

...