Từ những HTX trồng nhãn lồng truyền thống ở TP. Hưng Yên, cây có múi ở Khoái Châu, rau sạch ở Kim Động cho tới HTX chăn nuôi thủy sản tại Tiên Lữ, tất cả đều đang dần dịch chuyển sang cách làm bài bản hơn: có quy hoạch vùng nguyên liệu, có tiêu chuẩn sản xuất, có chiến lược thương hiệu và quan trọng nhất là có đầu ra ổn định nhờ ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ. Không còn đơn lẻ và bị động, các HTX ngày nay chủ động đàm phán, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, tham gia chuỗi cung ứng hiện đại, thậm chí xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Các thành viên HTX Nhãn lồng Nễ Châu thu hoạch nhãn để chuẩn bị đóng gói phục vụ xuất khẩu
Một ví dụ tiêu biểu là HTX Nhãn lồng Nễ Châu, nơi đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty lớn như Vinaco, An Việt, và hệ thống siêu thị Fivimart. Sản phẩm không chỉ vào siêu thị mà còn được bày bán trên chuyến bay Vietnam Airlines – một minh chứng rõ ràng cho sức bật của HTX khi biết "gắn kết để mạnh lên". Tương tự, HTX cây ăn quả Quyết Thắng cũng đã có hợp đồng tiêu thụ với nhiều hệ thống phân phối, đồng thời xây dựng vùng trồng đạt chuẩn VietGAP, tiến tới truy xuất nguồn gốc điện tử.
Không dừng lại ở khâu sản xuất và tiêu thụ, nhiều HTX tại Hưng Yên còn đầu tư vào chuyển đổi số. Một số đơn vị đã sử dụng phần mềm quản lý sản xuất, ghi chép nhật ký điện tử, định vị vùng trồng và kết nối với sàn thương mại điện tử. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 44 HTX áp dụng công nghệ cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm từ 25% đến 50%, đồng thời giảm đáng kể chi phí vận hành. Góp phần làm nên thành công của các HTX không thể thiếu vai trò của Liên minh HTX tỉnh Hưng Yên – đơn vị đã đồng hành xuyên suốt với hàng trăm HTX trong các hoạt động tư vấn, đào tạo, truyền thông, xúc tiến thương mại và tiếp cận nguồn vốn. Nhiều HTX đã được kết nối với ngân hàng, doanh nghiệp chế biến, hệ thống phân phối hiện đại và các đơn vị nghiên cứu khoa học để từng bước nâng cao giá trị sản phẩm.
Thành công của các mô hình HTX tại Hưng Yên không chỉ đến từ những con số kinh tế mà còn đến từ giá trị xã hội: việc làm ổn định cho người dân nông thôn, giữ gìn bản sắc nông nghiệp địa phương, nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo động lực cho lớp trẻ quay về lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình.

Vải Trứng là loại quả cho giá trị kinh tế cao. Tỉnh Hưng Yên có Quyết định mở rộng trồng vải trứng lên 30% diện tích trồng vải
Trong thời đại hội nhập và cạnh tranh, mỗi HTX chính là một hạt nhân phát triển – nơi “muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Và ở Hưng Yên, phong trào kinh tế tập thể đang đi rất xa – bởi họ biết cách kết nối những con người, liên kết những giá trị và mở rộng những giới hạn. Thành công của các mô hình HTX tại Hưng Yên không chỉ đến từ những con số kinh tế mà còn đến từ giá trị xã hội: việc làm ổn định cho người dân nông thôn, giữ gìn bản sắc nông nghiệp địa phương, nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo động lực cho lớp trẻ quay về lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình.
Thu Lương - Việt Hưng