Với phương châm không đánh đổi môi trường để đổi lấy kinh tế, tỉnh Lai Châu đã không ngừng cố gắng, phấn đấu để phát triển kinh tế, đồng thời cũng nỗ lực nâng cao công tác bảo vệ môi trường của địa phương.
Lai Châu phát động phong trào trồng cây xanh để bảo vệ môi trường
Trong thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn ra rất phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đời sống sống kinh doanh và sản xuất của người dân. Nhằm đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản không bị gián đoạn, đứt gãy, UBND tỉnh Lai Châu đã thực hiện triển khai một số chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân đang gặp phải khó khăn do dịch bệnh. Đồng thời, luôn đặt trọng tâm vào việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, không vì lợi ích trước mắt mà phá bỏ đi những giá trị quan trọng của địa phương.
Trước đó, tỉnh Lai Châu đã ban hành 8 chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và HTX phát triển kinh tế nội tỉnh như: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; chính sách xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng; chính sách nuôi trồng cây dược liệu; chính sách phát triển thủy lợi theo mô hình mới tiết kiệm nguồn nước và chi phí hơn; chính sách phát triển hàng hóa theo hướng tập trung; chính sách phát triển rừng bền vững.
Nhờ có những chính sách trên, nền kinh tế nông nghiệp tại địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp, HTX, bà con, nông dân đã tự khai thác và tận dụng hiệu của nguồn tài nguyên sẵn có; tạo nên các vùng chuyên canh sản xuất, thu lợi từ đất vườn, đất rừng, tạo ra nguồn thu nhập ổn định và lâu dài. Đặc biệt, khi chuyển hóa quy mô, phương thức sản xuất hàng hóa, tỉnh đã tạo ra được nhiều sản phẩm uy tín, chất lượng đạt chuẩn tiêu chuẩn cộng đồng (nhiều sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP TỪ 3 - 4 sao), gắn liền với công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển du lịch nông thôn.
Song song với công tác triển khai các chính sách hiệu quả, tỉnh Lai Châu đã tiến hành thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế thải khí cacbon ra ngoài tự nhiên. Thiết lập lộ trình lâu dài, cụ thể để đưa nền kinh tế phát triển bền vững nhưng vẫn đảm bảo giảm thiểu được tác hại đối với môi trường; tạo thêm bảng chi phí tổn hại môi trường trong đầu tư phát triển.
Trong việc sản xuất, kinh doanh cần chú ý biểu dương những doanh nghiệp, cá nhân, HTX có thành tích tốt nhưng vẫn đi đầu trong việc bảo vệ môi trường; chú trọng gắn liền công tác xã hội, thực hiện kinh doanh với phương châm “Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của người dân”.
Thêm vào đó, tỉnh cũng cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, giảm thiểu xung đột trong công tác cải cách, bảo vệ môi trường, góp phần tạo nền tảng, động lực để phát triển kinh tế theo hướng xanh hóa, lấy việc trồng rừng, bảo vệ rừng làm mục tiêu phát triển. Ngoài ra, muốn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên có sẵn, chính quyền địa phương cần ban hành các chính sách, công cụ kinh tế như thuế, phương pháp định giá,...; thực hiện nghiêm các điều luật xử lý vi phạm đối với cá nhân, tập thể vi phạm luật bảo vệ môi trường; kiểm soát lượng chất thải ra môi trường ngay từ khi bắt đầu hoạt động; tăng cường nâng cao ý thức tiết kiệm nguồn nhiên liệu tự nhiên; thu hút dự án đầu tư, ưu tiên lựa chọn những công nghệ xanh hiện đại, thân thiện với môi trường.
Ngoài những chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính quyền tỉnh Lai Châu đã tiến hành đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ cập kiến thức về bảo vệ môi trường, những hệ lụy gây ra nếu không bảo vệ tốt môi trường. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác hướng dẫn cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh gia đình, kinh doanh cá nhân nắm bắt và thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường song song với phát triển kinh tế. Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và ổn định, tỉnh Lai Châu đã và đang ngày càng biến đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Hy vọng trong giai đoạn tới, Lai Châu sẽ vươn lên, trở thành một trong những địa phương có nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc nhất trong khu vực miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung./.