Hạ tầng số: Từ viễn thông “alo” đến động lực của nền kinh tế
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong giai đoạn mới, hạ tầng số phải đóng vai trò chiến lược tương tự như hạ tầng giao thông hay năng lượng, trở thành "nền tảng của mọi nền tảng". Viễn thông không chỉ đơn thuần phục vụ liên lạc mà phải trở thành hạ tầng số quốc gia, hỗ trợ mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số.
Cụ thể, mạng 5G cần được phủ sóng sâu rộng toàn quốc trong năm 2025; tốc độ tối thiểu của mạng di động phải đạt 100 Mbps và internet cố định tối thiểu 200 Mbps. Hạ tầng này không chỉ đáp ứng yêu cầu về dung lượng và tốc độ, mà còn phải thân thiện với môi trường và bảo đảm an toàn an ninh mạng.
Song song đó, ngành bưu chính cần chuyển hóa thành hạ tầng logistics thông minh, bảo đảm dòng chảy vật chất diễn ra đồng bộ với dòng chảy dữ liệu trong nền kinh tế số.

Ảnh minh họa - TL
Chuyển đổi số phải tạo ra tăng trưởng kinh tế thực chất
Bộ trưởng nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ là số hóa thủ tục hành chính hay mua sắm phần mềm, mà phải gắn liền với cải cách quy trình, đổi mới mô hình hoạt động. Chuyển đổi số phải hướng tới mục tiêu kép: nâng cao năng suất và tạo ra tăng trưởng GDP từ 1% đến 1,5%.
Chi ngân sách nhà nước cho chuyển đổi số hiện chỉ chiếm khoảng 1%, nhưng cần kích hoạt đầu tư xã hội theo tỷ lệ gấp 3–4 lần. Mỗi đồng chi từ ngân sách cần dẫn dắt nhiều đồng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Đổi mới sáng tạo: Hạt nhân cho tăng trưởng năng suất
Đổi mới sáng tạo được xác định là con đường đưa khoa học công nghệ đi vào đời sống, thông qua quá trình ứng dụng, chuyển giao và sáng tạo công nghệ mới. Mục tiêu đặt ra là đổi mới sáng tạo phải đóng góp khoảng 3% vào tăng trưởng GDP và mỗi bộ, ngành, địa phương cần thiết lập trung tâm đổi mới sáng tạo riêng.
Bộ trưởng lưu ý, hiệu quả của nghiên cứu khoa học cần được lượng hóa bằng tác động thực tiễn. Một đồng ngân sách đầu tư cho nghiên cứu cần tạo ra ít nhất 10 đồng doanh thu khi được doanh nghiệp ứng dụng. Mối liên kết giữa viện trường – doanh nghiệp – thị trường cần được tái cấu trúc theo hướng thực chất hơn.
Sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn quốc gia: Hai trụ cột của hội nhập
Sở hữu trí tuệ được coi là tài sản chiến lược của quốc gia phát triển, chiếm tới 80% giá trị tài sản quốc gia. Do đó, cần thúc đẩy đạo đức và văn hóa tôn trọng sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội, tạo nền tảng cho sáng tạo, nghiên cứu và thương mại hóa kết quả KHCN.
Đối với công tác tiêu chuẩn – quy chuẩn, Bộ trưởng nhấn mạnh: tiêu chuẩn là định hướng phát triển, còn quy chuẩn là hàng rào kỹ thuật bảo vệ quốc gia. Cần thúc đẩy đổi mới toàn diện công tác tiêu chuẩn hóa, tăng cường hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.
Điện hạt nhân thế hệ mới: Nguồn năng lượng xanh và ổn định
Trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Việt Nam sẽ tập trung phát triển điện hạt nhân thế hệ mới – các lò phản ứng module quy mô nhỏ (SMR), đảm bảo tiêu chí xanh, an toàn và hiệu quả kinh tế. Việc làm chủ công nghệ hạt nhân sẽ đóng vai trò chiến lược trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Khối lượng lập pháp lớn: Yêu cầu đột phá trong thể chế khoa học
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, 5 đạo luật liên quan đến khoa học – công nghệ đã được thông qua, gồm: Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; và Luật Năng lượng nguyên tử.
Từ nay đến cuối năm 2025, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục chủ trì soạn thảo và trình Quốc hội thêm 4 luật quan trọng, trong đó có Luật Chuyển đổi số và ba luật sửa đổi: Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ. Tổng cộng trong năm 2025, Bộ sẽ chủ trì soạn thảo 9 luật – một khối lượng công việc đồ sộ, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ về cách làm và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ.
Tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng sống là mục tiêu tối thượng
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Bây giờ là lúc hành động – hành động nhiều hơn, làm những việc lớn hơn và hướng tới những kết quả có tác động sâu rộng đến tăng trưởng kinh tế, chất lượng sống người dân và năng lực quản trị quốc gia".
Cũng tại Hội nghị, Bộ KH&CN đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong xây dựng luật và triển khai hiệu quả chính quyền địa phương hai cấp – ghi nhận kịp thời những nỗ lực bền bỉ thúc đẩy hành lang pháp lý phục vụ khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.