VNHN – Trong nhiều năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã có những bước đi đúng đắn để đưa nền giáo dục tỉnh Thanh tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử của vùng đất giàu nghị lực, ý chí và tinh thần hiếu học.
Thanh Hóa, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều truyền thống văn hóa giàu giá trị. Nhìn lại dòng lịch sử hàng nghìn năm, người ta vẫn đau đáu, nhớ về những người anh hùng, những bậc đế vương đã sinh ra từ vùng đất giàu truyền thống hiếu học này.
Đúng như những dòng tuyệt bút của Nhà sử gia Phan Huy Chú: “Thanh Hóa mạch núi non vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông,... Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu,... Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ quý, cũng khác mọi nơi. Bởi đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”.
Và đúng như truyền thống đã có, nền giáo dục tỉnh Thanh ngày hôm nay đang phát triển vững mạnh với nhiều thành tích, thành tựu đáng kể. Và để tiếp tục giữ trọn truyền thống quá đỗi tự hào đó là sự nỗ lực không ngừng của Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa – nơi đưa ra những hướng đi mới, những con đường định hướng giúp trang sử sứ Thanh tiếp tục để lại nhiều ấn tượng cho hôm nay và mai sau.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa lấy Di chúc của Bác làm kim chỉ nam soi sáng...
Chủ tịch Hồ chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam; người thầy của Đảng, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Sinh thời, Người luôn coi trọng nhiệm vụ giáo dục, và chính Người đã đặt nền móng cho tư tưởng “giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Và cho đến khi sắp đi xa bậc vĩ nhân ấy cũng không quên để lại bản di chúc với những lời căn dặn sâu sắc, đặc biệt là việc quan tâm, chăm lo giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.
Hiểu và thấm nhuần những lời dậy, lời căn dặn của Bác, trong nhiều năm qua Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực:
Đầu tiên, phải kể đến những bước phát triển mạnh mẽ trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, nâng cao dân trí cho nhân dân, cụ thể: số người biết chữ từng bước được nâng lên, công tác phổ cập giáo dục đạt kết quả cao và được duy trì vững chắc. Nhìn lại năm 1945, khi nước nhà mới giành được độc lập, hơn 90% người dân Thanh Hóa không biết chữ; Tuy nhiên, trải qua quá trình phát triển với công lao to lớn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa thì cho đến nay (năm 2019), hơn 90% dân số (trong độ tuổi từ 15 - 60) đã biết chữ. Đặc biệt là một vài mốc son chói lọi đánh dấu sự thay đổi như sau: “Năm 2004, Thanh Hóa được công nhận đạt chuẩn phổ cập GD Tiểu học mức độ 1, năm 2006 được công nhận đạt chuẩn phổ cập GD THCS, năm 2015 hoàn thành phổ cập GD mầm non trẻ em 5 tuổi, năm 2016 được công nhận đạt chuẩn phổ cập GD Tiểu học mức độ 2, năm 2019 là tỉnh thứ 15/63 tỉnh, thành trong cả nước được công nhận đạt chuẩn phổ cập GD Tiểu học mức độ 3 (mức độ cao nhất hiện nay)”.
Bên cạnh đó, quy mô trường lớp từng bước được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Từ năm 2000, Thanh Hóa đã hoàn chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân, có đầy đủ các loại hình cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học. Năm học 2019 – 2020 giáo dục Thanh Hóa có 2069 trường học với trên 850.000 học sinh; 02 trường đại học trực thuộc tỉnh, 03 phân hiệu đại học trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, 17 trường cao đẳng và TCCN, 635 trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn.
Nhờ vậy mà chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước, giáo dục miền núi đã có chuyển biến tích cực, từng bước rút ngắn khoảng cách với miền xuôi. Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn liên tục giữ vững và duy trì trong tốp đầu cả nước về thành tích thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế và khu vực. Từ năm 1984 đến năm 2019 đoạt 47 Huy chương trong đó có 12 Huy chương Vàng, 17 Huy chương Bạc, 18 Huy chương Đồng. Riêng năm học 2018-2019, đoạt được 05 Huy chương trong đó có 3 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng. Hay điển hình hơn là những kết quả đạt được của các em học sinh trong kỳ thi THPT Quốc Gia, nhiều em đạt điểm cao từ 27 trở lên, nhiều em là thủ khoa các trường đại học; năm 2019 còn có thủ khoa Khối A cả nước.
Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng bước phát triển toàn diện về số lượng và chất lượng. Trình độ đào tạo của đội ngũ nhà giáo ngày càng được nâng lên, tỉ lệ CB, GV đạt trên chuẩn tăng mạnh. Từ 210 cán bộ, giáo viên, nhân viên khi thành lập và chưa có 01 cán bộ giáo viên nào có trình độ đại học. Hiện nay toàn ngành có trên 5 vạn cán bộ quản lý, giáo viên. Tỉ lệ GV, CBQL đạt chuẩn chiếm 99,97%, trên chuẩn 76,1% vượt chỉ tiêu so với kế hoạch (Kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa có 50% giáo viên, CBQL trên chuẩn về trình độ đào tạo).
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng khang trang, hiện đại, đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, hậu quả của cuộc chiến tranh tàn phá do Đế quốc Mỹ gây ra hết sức nặng nề. Hầu hết các trường học chủ yếu là phòng học tranh tre, nứa lá, tạm bợ; thiết bị dạy học lạc hậu. Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đến tháng 10/2019 giáo dục Thanh Hóa đã cơ bản kiên cố hóa phòng học với tỉ lệ 87,7%, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 71,08%. Công tác xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài luôn là điểm sáng của giáo dục cả nước.
Từ những thành tích trên, nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được trao tặng danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước và của Ngành. 03 đơn vị được phong tặng danh hiệu anh hùng trong thời kỳ đổi mới, 05 đơn vị được tặng Huân chương Độc lập, nhiều đơn vị được tặng Huân chương Lao động các hạng, hàng trăm lượt đơn vị, trường học trong ngành được tặng cờ thi đua Chính phủ, cờ thi đua của Bộ GD& ĐT, cờ thi đua của UBND tỉnh; 02 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 6 Nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, 131 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, nhiều nhà giáo được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Có thể thấy để đạt được những thành tựu đáng kể như vậy là nhờ hướng đi đúng đắn của Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa trong công tác chỉ đạo, quan tâm tới các đơn vị trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Điều đó phần nào thể hiện được sự trân trọng của Sở Giáo dục về những truyền thống, giá trị mà các lớp cha ông đã gây dựng trong nhiều năm qua. Từ đó tiếp tục phát huy, tạo nên giá trị, chắp cánh tương lai cho các mầm non, thế hệ trẻ tại Thanh Hóa vươn tới chân trời tri thức rộng lớn.