
Doanh nghiệp là động lực tạo ra tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Nói cách khác, một đội ngũ doanh nghiệp lớn về số lượng, mạnh về chất lượng sẽ quyết định quy mô và sức cạnh tranh hùng mạnh cho nền kinh tế. Bám sát mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển doanh nghiệp đã đề ra, góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn”, tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư là một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ; đồng thời xác định “Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển” là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội.
Theo đó, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh có 1.019 doanh nghiệp thành lập, bằng 33,97% kế hoạch và tăng 36,7% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ về thành lập mới doanh nghiệp; số vốn đăng ký của các doanh nghiệp ước đạt 6.165,5 tỉ đồng, vốn điều lệ đăng ký bình quân/01 doanh nghiệp đạt 6,1 tỉ đồng. Có 20/26 huyện, thị xã, thành phố có số doanh nghiệp thành lập mới bằng hoặc tăng so với cùng kỳ, trong đó một số địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ, như: Hậu Lộc gấp 3,4 lần, Lang Chánh gấp 2 lần, Vĩnh Lộc gấp 1,9 lần, Ngọc Lặc gấp 1,8 lần, Hoằng Hóa và Quảng Xương gấp 1,6 lần, Yên Định gấp 1,5 lần, Thường Xuân gấp 1,4 lần… Có 06/26 huyện, thị xã có số doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn so với cùng kỳ, gồm: Bá Thước giảm 33,3%, Nông Cống giảm 20,6%, Như Xuân giảm 14,3%, Nghi Sơn giảm 12,3%, Cẩm Thủy giảm 7,7%, Thọ Xuân giảm 4,5%.
Số doanh nghiệp thành lập mới có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng là 960 doanh nghiệp, chiếm 94,2%; quy mô vốn từ 10 - 50 tỉ đồng có 50 doanh nghiệp, chiếm 4,9 %; quy mô vốn trên 50 tỉ đồng có 09 doanh nghiệp, chiếm 0,9%. Nộp ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp trong quý I/2025 ước đạt 4.835,4 tỉ đồng, chiếm 55,7% tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh, bằng 46,2% dự toán. Các doanh nghiệp thành lập mới dự kiến tạo việc làm cho khoảng 7.953 lao động, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Ngoài ra, các doanh nghiệp, doanh nhân tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội; tham gia ủng hộ triển khai chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh, các chương trình chào mừng kỷ niệm ngày lễ lớn của tỉnh của đất nước.
Đồng thời cũng ghi nhận những tháng đầu năm 2025, có 304 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2024; các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều như: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 86 doanh nghiệp, chiếm 28,3%; xây dựng có 67 doanh nghiệp, chiếm 22%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 44 doanh nghiệp, chiếm 14,5%. Có 945 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 29,1% so với cùng kỳ, trong đó có 835 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, chiếm 88,4%.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Lãnh đạo tỉnh đã làm việc với một số tập đoàn, nhà đầu tư lớn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kêu gọi đầu tư vào tỉnh, như: Đoàn công tác của Đại sứ quán Liên bang Nga và các trường đại học của Liên bang Nga; Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới; Tập đoàn WHA, Tập đoàn Hoa Lợi, Tập đoàn SunGroup, Tập đoàn Idemitsu, Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Tập đoàn Kwater, Tập đoàn SK (Hàn Quốc)… Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 31 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó, có 03 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký khoảng 24,8 triệu USD và 28 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký khoảng 720,8 tỷ đồng); điều chỉnh tăng vốn cho 02 dự án FDI với tổng tăng 54,7 triệu USD.
Đặc biệt, Khu Kinh tế Nghi Sơn tiếp tục đóng vai trò là “cực tăng trưởng” kinh tế của tỉnh, với nhiều dự án quy mô lớn được triển khai và đưa vào vận hành, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn vùng. Tầm nhìn đến năm 2030, KKT Nghi Sơn sẽ là cửa ngõ kinh tế phía Nam Bắc Bộ, kết nối hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây, góp phần định hình lại bản đồ đầu tư khu vực.
Song song với đó, Thanh Hóa cũng tập trung cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa liên tục được cải thiện và đang tiến gần nhóm khá. Không chỉ hỗ trợ các nhà đầu tư lớn, tỉnh còn triển khai nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm OCOP và phát triển chuỗi giá trị địa phương.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đánh giá rất cao công tác đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhất là người đứng đầu tỉnh luôn kịp thời lắng nghe, tìm giải pháp tháo gỡ khó cho doanh nghiệp. Qua các cuộc gặp mặt, tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp hoặc qua các kênh thông tin gián tiếp, trực tiếp các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã vào cuộc, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động phát triển”.
Cũng theo ông Bùi Văn Long, Giám đốc một Công ty chuyên sản xuất Gạch tuynel tại huyện Triệu Sơn chia sẻ: “Tôi nhận thấy phát triển doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã có nhiều khởi sắc, tỉnh cùng với địa phương luôn hỗ trợ doanh nghiệp, từ khâu thủ tục đến kết nối hạ tầng, chính quyền các cấp đều vào cuộc rất tích cực. Tôi tin rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của tỉnh Thanh Hóa và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, doanh nghiệp sẽ thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, đưa Thanh Hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ”.
Ông Long cho biết thêm, “trong bối cảnh hiện nay đang có những biến động về kinh tế trong nước và thế giới, doanh nghiệp sẽ còn gặp những khó khăn, thách thức, Tôi mong muốn Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng các cấp, các ngành, các địa phương tạo điều kiện, quan tâm nhiều hơn nữa đến sự phát triển của doanh nghiệp bằng những chính sách, cơ chế cụ thể, tháo gỡ những khó khăn cho tất cả các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ, để doanh nghiệp có một sân chơi hữu ích công bằng, với mục tiêu tiến lên xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp. Ví dụ, doanh nghiệp Tôi chuyên sản xuất gạch tuynel cũng hay thiếu nguồn nguyên liệu đất để sản xuất gạch, dẫn đến nguồn nguyên liệu đất bị khan hiếm. Do vậy, Tôi rất mong Tỉnh tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn bằng việc định hướng quy hoạch vùng đất đồi làm nguyên liệu sản xuất gạch, để các doanh nghiệp cùng tham gia đấu giá công bằng, minh bạch. Với tinh thần doanh nghiệp vướng mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ; không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu”.
Hay tại huyện Hậu Lộc là địa phương luôn hoàn thành xuất sắc kế hoạch phát triển DN hàng năm, thường đạt mục tiêu sớm hơn thời hạn. Huyện không chỉ thực hiện các giải pháp như tuyên truyền, vận động và rà soát các hộ cá thể để phát triển DN mà còn tận dụng tốt vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị trong việc phát hiện và hỗ trợ các nhân tố tiềm năng, từ đó thúc đẩy việc thành lập doanh nghiệp. Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp huyện Hậu Lộc chia sẻ: “Thời gian qua, đi đôi với thu hút đầu tư, thành lập mới doanh nghiệp, Tỉnh cùng với Huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh những mặt đạt được cũng có những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Ví như, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, một số doanh nghiệp xây dựng đang đối mặt với một số khó khăn như, biến động giá cả vật liệu quá lớn; thủ tục pháp lý phức tạp; bị nợ đọng; công tác thanh kiểm tra chồng chéo…đang khiến các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh nói chung đối mặt với khó khăn. Tôi rất mong Trung ương cùng với Tỉnh và Huyện tiếp tục quan tâm, tạo điều điều kiện hơn nữa, có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, đặc biệt các nhà thầu đang mong muốn giải ngân vốn đầu tư công rút ngắn thời gian và thủ tục hơn, để doanh DN yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của Tỉnh, của đất nước”.
Có thể thấy, trong giai đoạn tới, Thanh Hóa định hướng trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ - du lịch phía Bắc miền Trung, với mục tiêu đến năm 2030 nằm trong nhóm 10 địa phương có GRDP lớn nhất cả nước. Với tầm nhìn dài hạn, chính sách linh hoạt và sự đồng hành sát sao từ chính quyền các cấp, Thanh Hóa đang khẳng định vị thế là “mảnh đất lành” cho doanh nghiệp phát triển và nhà đầu tư an tâm rót vốn./.