04/05/2025 lúc 14:23 (GMT+7)
Breaking News

Thầy giáo 8X biến mạng xã hội thành bục giảng

VNHNO- Bằng niềm đam mê Văn học của mình cùng với nhịp sống trong thời đại công nghệ số 4.0, thầy giáo trẻ sinh năm 1989 đã biến mạng xã hội thành bục giảng để truyền tải kiến thức đến đông đảo học trò yêu thích môn Văn.

VNHNO- Bằng niềm đam mê Văn học của mình cùng với nhịp sống trong thời đại công nghệ số 4.0, thầy giáo trẻ sinh năm 1989 đã biến mạng xã hội thành bục giảng để truyền tải kiến thức đến đông đảo học trò yêu thích môn Văn.

Biến môn học 'gây mê' thành môn học 'say mê'

Sở hữu fanpace Học văn- Văn học trên mạng xã hội với hơn nửa triệu thành viên, thầy giáo trẻ Trịnh Quỳnh (Trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định) không chỉ  mang đến những kiến thức bổ ích cho đông đảo học trò mà còn giúp lan tỏa nềm đam mê với môn học vốn được xem là 'dễ ru ngủ'.

Dự án bục giảng online nhen nhúm trong thầy giáo trẻ cách đây hơn 5 năm, khi mạng xã hội bắt đầu dần phổ biến. "Khi đó các học sinh trò chuyện, hỏi bài qua mạng mình nhận ra nhu cầu chia sẻ kiến thức cho các em thông qua mạng xã hội là rất lớn. Chính vì thế mình bắt tay vào thực hiện những bài giảng, những thông tin, kiến thức về môn Văn truyền tải đến học trò của mình thông qua facebook. Không ngờ phương pháp ấy nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các học sinh" thầy Quỳnh nhớ lại.

Thầy giáo trẻ 8X Trịnh Quỳnh là người biến mạng xã hội thành bục giảng với lượng thành viên hơn nửa triệu người

Tuy nhiên, nếu chỉ chuyển đổi kênh truyền tải từ bục giảng trên lớp sang bục giảng trên mạng thì dù mới lạ nhưng chưa thể níu kéo, thu hút cũng như giữ chân các em lâu dài nếu không đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn. Chính vì vậy thầy giáo sinh năm 1989 này lại tiếp tục nghiên cứu những cách truyền tải nội dung bài học theo những xu hướng mới thu hút giới trẻ. Bằng cách tận dụng tối đa những công cụ tiên tiến về công nghệ như các ứng dụng đa phương tiện, tận dung cách truyền tải thông qua hình ảnh, video, sơ đồ tư duy với nội dung bài học lồng ghép với những trào lưu theo tâm lý giới trẻ nên càng ngày bài dạy Văn học của thầy Quỳnh càng khiến nhiều học trò 'say mê'.

Không chỉ học sinh trên lớp tích cực hơn trong việc tham gia học Văn mà thông qua fanface của mình, thầy Quỳnh đã thu hút rất nhiều học sinh ở khắp nơi tham gia học tập. "Nhiều bạn chia sẻ trước đây nghĩ đến môn Văn là đã 'ngán' nhưng qua cách truyền đạt bài học cực kỳ thú vị trên mạng của thầy Quỳnh mà 'ghiền' môn Văn tự lúc nào" thầy giáo 8X khoe.

Mạng là ảo, nhưng hiệu quả là thật

Khi kể về quá trình 5 năm xây dựng mô hình bục giảng online, thầy Quỳnh nhớ lại  những ngày đầu dạy online trên mạng xã hội thầy cũng nhận được không ít những quan điểm trái chiều. Bởi nhiều người cho rằng thầy giáo trẻ đang 'vẽ đường cho hươu chạy' khi hướng học sinh lên mạng quá nhiều khiến các em xao lãng việc học. "Tuy nhiên, với sự hưởng ứng, học tập nghiêm túc thực sự của các em cũng như những kết quả đạt được đã tiếp thêm động lực cho mình rằng đây là hướng đi đúng" thầy giáo Trịnh Quỳnh cho biết.

Để thu hút học sinh ngày càng yêu thích môn Văn, thầy giáo trẻ không ngừng tìm tòi những cách truyền đạt mới

Thầy Quỳnh cho rằng việc học Văn trên lớp thì các em dù thích hay không thích thì vẫn phải học vì đó là môn học bắt buộc. Còn với việc học Văn trên mạng xã hội với thầy Quỳnh thì hoàn toàn không bắt buộc, mà vì các em thấy hay, thấy hấp dẫn và thấy sự bổ ích nên tự nguyện tiếp cận với môn Văn. Chính vì thế mà các em luôn rất nghiêm túc trong học tập và luôn tiếp thu tốt những kiến thức được học. Mạng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng là những biển thông tin bao la. Nơi đó có những thông tin chưa tốt nhưng cũng có mênh mông kiến thức bổ ích với học trò, trong đó có kiến thức Văn học, "chính vì thế làm sao để khai thác được nguồn kiến thức hữu ích ấy để truyền tải đến các em, và các em học được những kiến thức ấy thì sẽ bổ ích vô cùng" thầy giáo trẻ nói thêm.

Từ những bài giảng đơn sơ ban đầu để phục vụ một số học sinh ở trường, trang fanface của thầy giáo 8X đến nay đã có hơn nửa triệu thành viên với lượng tương tác rất lớn trong các bài giảng. Được biết, fanface này mỗi tuần có đến hơn 2 triệu lượt tiếp cận và hơn 500 tin nhắn tương tác. Đó không chỉ là niềm vui của một thầy giáo khi kiến thức của mình được đông đảo học trò khắp nơi đón nhận, mà còn là minh chứng cho hướng đi đúng của thầy giáo trẻ Trịnh Quỳnh khi cho rằng: "Mạng là ảo, nhưng hiệu quả học tập của các em luôn là thật".

"Đó là nhiệm vụ của một người thầy..."

Vốn mê văn từ nhỏ, thầy Trịnh Quỳnh từng là học sinh chuyên Văn của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, sau này thầy tốt nghiệp loại giỏi Sư phạm Ngữ Văn thuộc khoa Văn học của trường Đại học KHXH&NV Hà Nội. Chính vì niềm yêu thích môn Văn đấy đã thôi thúc thầy giáo trẻ luôn tìm tòi, đổi mới để sao niềm đam mê ấy luôn được lan tỏa. Theo thầy, học tập online là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Mạng xã hội có sức hấp dẫn đặc biệt với các bạn trẻ, chính vì thế bản thân người giáo viên phải nên tận dụng lợi ích từ mạng xã hội để truyền tải những kiến thức cũng như niềm đam mê ấy tới các học sinh.

"Có những học sinh chia sẻ trước đây thi đại học đến 4-5 lần đều trượt do điểm môn Văn không đạt. Thế nhưng qua những khóa học online trên mạng của mình mà trong năm vừa rồi các bạn ấy tự tin đỗ Đại học với điểm văn rất cao. Đó là niềm vui để người thầy có thêm động lực để tiếp tục truyền dạy" thầy Quỳnh kể.

Thầy giáo trẻ Trịnh Quỳnh cho biết vẫn đang nghiên cứu thêm những ứng dụng công nghệ số mới vào các bài giảng online trong tương lai

Thầy Quỳnh tâm sự thêm rằng đó chưa phải là niềm vui duy nhất, mà lớn hơn nữa là thông qua phương pháp giảng dạy online này, niềm đam mê với môn Văn của thầy không chỉ lan tỏa đến đông đảo học sinh, mà còn lan tỏa đến những giáo viên tâm huyết. Chính những sự lan tỏa ấy đã tạo nên những phương pháp dạy và học mới, những lớp học mới trên bục giảng online, từ đó niềm yêu thích cũng như hiệu quả từ phương pháp này sẽ được truyền tải ngày càng nhiều đến học trò yêu Văn ở khắp nơi trên cả nước.

Không chỉ dừng lại với những thành công ấy, thầy giáo trẻ Trịnh Quỳnh cho biết vẫn đang nghiên cứu thêm những ứng dụng công nghệ số mới vào các bài giảng online trong tương lai, để làm sao thu hút được càng ngày có càng nhiều học sinh không còn sợ học văn mà chuyển sang yêu thích. Một trong những phương pháp mà thầy giáo trẻ 8X này chia sẻ đó là phương pháp học văn thông qua công nghệ thực tế ảo.

Tuy chưa thể hứa hẹn thêm gì, nhưng với những điều đã và đang làm được, người thầy giáo trẻ luôn tâm huyết với nghề, với học sinh ấy vẫn khiêm tốn cười xòa, rằng: "Đó chỉ là nhiệm vụ của một người thầy...".