Góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia đứng trước thách thức bị mai một trước làn sóng du nhập của các nền văn hóa ngoại lai. Truyền thông đại chúng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thông qua việc lan tỏa hình ảnh, thông tin về phong tục, tập quán, nghệ thuật truyền thống. Các chương trình truyền hình, phim tài liệu, báo chí và nền tảng số như YouTube, TikTok có thể giới thiệu rộng rãi về những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam như áo dài, ca trù, quan họ hay các lễ hội truyền thống. Qua đó, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, có thể hiểu và trân trọng hơn giá trị văn hóa dân tộc.
Về mặt chính sách, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định rõ vai trò của truyền thông trong bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" nhấn mạnh việc tận dụng sức mạnh của truyền thông để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời chủ động hội nhập văn hóa quốc tế. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng đặt trọng tâm vào việc sử dụng truyền thông như một công cụ quảng bá, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật.
Chẳng hạn, những chương trình như "Kỳ Tài Đất Việt", "S-Vietnam" trên VTV đã quảng bá đồng bộ văn hóa địa phương, từ âm nhạc dân gian đến nghệ thuật truyền thống.
Ngoài ra, truyền thông còn góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức về bản sắc văn hóa trong các tầng lớp nhân dân. Thông qua sách, báo, phim ành, nhiều giá trị truyền thống đã được bảo tồn và chuyển giao giữa các thế hệ. Chẳng hạn, sách "Văn hóa Việt Nam: Truyền thống và biến đổi" của Nguyễn Ngọc Thành là một tài liệu tham khảo quan trọng trong việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam.
Truyền thông đại chúng không chỉ phản ánh thực trạng xã hội mà còn góp phần định hình thị hiếu, gu thẩm mỹ và tư duy văn hóa của công chúng. Những nội dung truyền thông chất lượng có thể nâng cao thẩm mỹ của người xem, giúp họ tiếp cận với nghệ thuật và văn hóa có giá trị. Ví dụ, thành công của phim Đất rừng phương Nam phiên bản điện ảnh đã góp phần khơi gợi sự quan tâm của giới trẻ đến văn hóa Nam Bộ.
"Đất rừng phương Nam" kể câu chuyện người dân chống giặc ngoại xâm với bối cảnh, âm nhạc hào hùng
Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập, sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai cũng đặt ra nhiều thách thức. Nếu không có sự chọn lọc, công chúng có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những trào lưu văn hóa lệch lạc. Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc phản biện, định hướng lại những xu hướng tiêu cực, góp phần bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc. Điển hình, báo chí và mạng xã hội đã lên tiếng mạnh mẽ trước các nội dung phản cảm trên TikTok hay những trào lưu tiêu cực ảnh hưởng đến giới trẻ.
Công cụ của giao lưu văn hóa
Nhận thức được tầm quan trọng của truyền thông trong bảo tồn và phát triển văn hóa, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập. Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp và đấu tranh với các sản phẩm độc hại, phản văn hóa. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, được phê duyệt theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg năm 2021, đề ra mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và truyền thông trong quảng bá văn hóa, khuyến khích sản xuất các sản phẩm truyền thông có giá trị cao về văn hóa dân tộc. Luật Điện ảnh 2022 và các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp sáng tạo giúp nâng cao chất lượng phim ảnh, nội dung số mang yếu tố truyền thống, góp phần giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa Việt.
Bên cạnh việc gìn giữ bản sắc, truyền thông đại chúng còn là câu nối giúp thể hiện tính đa dạng văn hóa và khởi thúc giao lưu giữa các quốc gia. Nhờ vào truyền thông, nhân dân các nước có cơ hội tìm hiểu về lậu sử, phong tục tập quán và giá trị của nhau.
Truyền hình và điện ảnh là những phương tiện truyền thông đại chúng quan trọng nhất trong việc giao lưu văn hóa. Thông qua các bộ phim, chương trình truyền hình, con người có thể tiếp cận và tìm hiểu về các phong tục, tập quán, giá trị văn hóa của các quốc gia khác. Điện ảnh Hollywood với các siêu phẩm điện ảnh đã phổ biến phong cách sống, tư tưởng và hệ giá trị của phương Tây trên toàn thế giới. Phim Hàn Quốc không chỉ giúp quảng bá văn hóa Hàn mà còn tạo nên làn sóng Hallyu, thu hút hàng triệu người hâm mộ trên khắp châu Á và toàn cầu. Anime Nhật Bản mang đến một góc nhìn độc đáo về văn hóa, lịch sử và tinh thần dân tộc Nhật, trong khi phim Trung Quốc thể hiện sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên một bản sắc riêng biệt nhưng vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Các chương trình như "Gala Nhạc Việt" hay "Liên hoan phim quốc tế Hà Nội" đã trở thành những sự kiện quảng bá hình ảnh Việt Nam và tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa quốc tế.
Sự phát triển của Facebook, Instagram, TikTok, Twitter đã tạo ra một nền tảng giao lưu văn hóa chưa từng có. Các nền tảng này cho phép mọi người từ khắp nơi trên thế giới dễ dàng chia sẻ, tiếp cận và tham gia vào các xu hướng văn hóa mới. Các trào lưu như thử thách nhảy trên TikTok, nội dung lan truyền trên Instagram hay hashtag thịnh hành trên Twitter không chỉ mang tính giải trí mà còn phản ánh sự hội nhập văn hóa giữa các quốc gia. Nhờ vào mạng xã hội, sự khác biệt về địa lý không còn là rào cản, tạo điều kiện để con người có thể hiểu biết và tiếp cận với nền văn hóa mới một cách tự nhiên và liên tục.
Một số giải pháp đề ứng phó với những thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa
Bên cạnh những tác động tích cực, nếu không có định hướng rõ ràng, những giá trị truyền thống có thể dần bị mai một dưới ảnh hưởng của quá trình "Tây hóa" hoặc "Hàn hóa". Do vậy, cần thực hiện một số biện pháp để tiếp nhận, giao thoa văn hóa môt cách văn minh, hiệu quả.
Một là, đẩy mạnh giáo dục về văn hóa dân tộc. Việt Nam cần đưa nội dung giáo dục văn hóa dân tộc vào chương trình học từ cấp phổ thông đến đại học. Các chương trình giáo dục cần chú trọng đến bản sắc văn hóa Việt Nam, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ giá trị truyền thống, từ đó hình thành tinh thần tự hào và ý thức bảo vệ văn hóa dân tộc.
Hai là, tăng cường sản xuất và quảng bá nội dung văn hóa Việt Nam trên truyền thông. Chính phủ và doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào các sản phẩm truyền thông như phim ảnh, âm nhạc, chương trình truyền hình có nội dung đậm đà bản sắc Việt Nam. Việc sử dụng các nền tảng số như YouTube, TikTok, Facebook để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế sẽ giúp nâng cao vị thế văn hóa nước nhà.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn liền với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
Ba là, xây dựng chính sách hỗ trợ và bảo tồn di sản văn hóa: Việt Nam cần tiếp tục ban hành các chính sách bảo vệ di sản văn hóa, hỗ trợ các nghệ nhân gìn giữ và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, nhã nhạc cung đình Huế. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát nội dung truyền thông để hạn chế sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai không phù hợp.
Bốn là, tăng cường giao lưu và hợp tác quốc tế: Việt Nam nên tích cực tham gia vào các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế, tổ chức các sự kiện như tuần lễ văn hóa Việt Nam tại các quốc gia khác, hợp tác với các nền tảng quốc tế để đưa văn hóa Việt ra thế giới. Việc phát triển du lịch văn hóa cũng là một cách để giới thiệu bản sắc dân tộc với bạn bè quốc tế.
Cuối cùng, phát triển nền tảng truyền thông số mang tính địa phương. Để giảm sự phụ thuộc vào các nền tảng quốc tế như YouTube, Facebook, Việt Nam có thể đầu tư phát triển các nền tảng truyền thông số trong nước, tạo ra sân chơi an toàn và kiểm soát tốt hơn nội dung văn hóa, đồng thời hỗ trợ quảng bá các sản phẩm văn hóa thuần Việt.
Nguyễn Phan Yến Nhi