Trong hành trình thơ ấy, tác giả hóa thân làm người học trò lý tưởng: vừa ngưỡng vọng, vừa tự soi rọi, vừa tha thiết lan tỏa ánh sáng đạo lý của Người đến bạn đọc hôm nay.

Tập thơ ÁNH DƯƠNG CÒN MÃI của tác giả Văn Diên
Ngay từ lời tựa, tác giả khẳng định: “Những bài thơ viết về Bác Hồ kính yêu không chỉ là sự ngợi ca… mà còn là sự chiêm nghiệm, học hỏi về tư tưởng, đạo đức và lối sống của Người.” Đó chính là tuyên ngôn nghệ thuật đầy tỉnh thức, một lời hưởng ứng không sáo mòn đối với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Hưởng ứng ấy không đến từ diễn văn hay khẩu hiệu, mà từ những cảm hứng sống động nơi thực tiễn đời thường: sống tử tế, làm công dân có trách nhiệm, làm thơ để phụng sự đời sống tinh thần dân tộc.
Một trong những thành công nổi bật của tập thơ là việc khắc họa hình tượng Bác Hồ không bằng cách thần thánh hóa mà bằng nghệ thuật nhân cách hóa, để Người hiện lên gần gũi mà vĩ đại, giản dị mà sâu sắc. Bác không phải là “vị thần tạc đá” đứng trên bục cao, mà là “người giữa đời thường” với dáng vẻ bình dị, ánh mắt nhân ái, hành động khiêm nhường nhưng chan chứa vĩ đại:
“Bộ kaki, dép lốp
Nói lên tất cả rồi.”
(Sáng mãi tên Người, tr.10)
“Người khai sáng soi đường cứu khổ
Như mặt trời thức dậy giữa nhân gian.”
(Ánh dương còn mãi, tr.41)
“Cả đời Bác, trau kiệm cần liêm chính
Hành trang còn lại, vầng sáng thái dương.”
(Ánh sáng tự thân đâu cần thánh hóa, tr.18)
So với những cây đại thụ thơ ca từng viết về Bác như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Sóng Hồng, hay Viễn Phương... vốn thiên về chất sử thi, chính luận lớn và cảm xúc dâng trào của thời đại kháng chiến, thì Văn Diên chọn cho mình một hướng đi khác: chất thơ đời thường, suy tưởng và gần gũi. Nếu Tố Hữu viết “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế / Ôm cả non sông, mọi kiếp người”, thì Văn Diên lại nhẹ nhàng nói: “Dẫu uyên bác vẫn áo vải đơn sơ”. Một sự đối thoại thế hệ trong cảm xúc, để hình ảnh Bác không chỉ vĩ đại trong sử sách, mà sống động giữa lòng dân hôm nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh hiện lên trong thơ như một hệ thống triết học sống động, không giáo điều, không hô hào, mà thấm sâu vào từng khát vọng người dân: yêu nước, nhân văn, độc lập dân tộc và tự do con người.
“Không có gì quý hơn độc lập tự do
Là chân lý thiêng liêng.”
“Gác lại riêng tư, dựng nên đại nghĩa
Từ lầm than Người vực dậy niềm tin.”
(Ánh dương còn mãi, tr.41–42)
Không tách rời lịch sử, tác giả đã kết nối tư tưởng Hồ Chí Minh với những bước ngoặt dân tộc. Hình ảnh Người là tên tuổi lịch sử, là linh hồn soi đường cho hiện tại và tương lai.
Đạo đức Hồ Chí Minh hiện lên trong thơ Văn Diên không bằng những giáo huấn to tát mà qua những lựa chọn rất đời:
“Làm người đầy tớ trung thành
Quên mình với nước, kiệm cần với ta.”
“Một đời thanh bạch sáng sao
Linh thiêng từ Bác tạc vào hồn quê.”
(Minh triết “không” trong Hồ Chí Minh, tr.35)
Văn Diên không né tránh hiện thực, tác giả đặt đạo đức Hồ Chí Minh như một chiếc gương để phê phán thời đại:
“Chạy chức chạy quyền, chạy danh chạy lợi
Chạy quanh co chạy cả lối nhân hiền.”
(Cái “chạy” hôm nay, tr.19)
Sự đối lập này khiến giá trị của Người càng sáng, và giá trị học tập theo Người càng trở nên thiết thân.
Phong cách Hồ Chí Minh hiện lên như một “ngọn đuốc soi đường” – giản dị mà uyên bác, khiêm nhường mà bền bỉ. Đó là tinh thần tự học, tự tu dưỡng, và sống trung thực giữa đời thường:
“Tự soi sửa khiếm khuyết
Tự hứa đạo làm người
Tự học làm theo Bác.”
(Nhớ ngày giỗ Bác Hồ, tr.83)
Bài học từ Bác không phải để ngợi ca, mà để làm theo. Và con đường “làm theo” ấy bắt đầu từ điều giản dị nhất: học làm người.
Điều đặc biệt là tinh thần ấy không chỉ dành cho thế hệ trẻ hay những người hoạt động cách mạng, mà còn vô cùng thiết thực với tầng lớp trí thức, cán bộ công chức, doanh nhân trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Khi xã hội đứng trước những thách thức về niềm tin, đạo đức công vụ, tinh thần phụng sự, thì tấm gương Hồ Chí Minh, qua lăng kính thi ca của Văn Diên trở thành lời nhắc nhở đầy nhân văn: hãy sống tử tế, làm việc bằng trí tuệ và lương tâm, đặt lợi ích cộng đồng lên trên danh vọng cá nhân. Những câu thơ như:
“Tự soi sửa khiếm khuyết / Tự hứa đạo làm người”
chính là lời cảnh tỉnh nhẹ nhàng mà sâu sắc cho những ai đang nắm giữ trọng trách xã hội.
ÁNH DƯƠNG CÒN MÃI là một tập thơ “viết về Bác” nhưng lan tỏa tinh thần “viết cho đời”. Với giọng điệu chính luận đan xen trữ tình, ngôn ngữ gần gũi nhưng không đơn giản, Văn Diên đã kết nối người đọc với những chuẩn mực cao quý mà con người thời đại số đang cần:
“Hồ Chí Minh, ánh dương còn mãi
Hội tụ đạo đức, tư tưởng, phong cách
Rọi sáng muôn đời không nguôi.”
(Ánh dương còn mãi, tr.43)
Tập thơ vừa là cuốn sách đọc, vừa là cuốn sách sống. Trong kỷ nguyên hội nhập, Hồ Chí Minh hiện lên như công dân toàn cầu mẫu mực, Người thầy lớn với đạo đức phổ quát và phong cách nhân văn mang tính nhân loại:
“Người như Thánh nhân ngay khi còn sống
Vĩ đại muôn đời, minh triết sâu xa.”
(Hồ Chí Minh sáng mãi niềm tin, tr.60)
“Ngày càng nhiều các nước
Nơi quảng trường, công viên…
Tượng hình Bác sáng lên.”
(Sáng mãi tên Người, tr.10)
Không vì quyền lực mà được vinh danh, không bằng vũ khí mà truyền cảm hứng, Bác Hồ là hình mẫu độc nhất của một lãnh tụ được tôn vinh bởi đạo lý, trí tuệ và lòng nhân ái.
Tập thơ ÁNH DƯƠNG CÒN MÃI mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc. Tác giả Văn Diên đã thực hiện một sứ mệnh thiêng liêng: chuyển hóa tư tưởng Hồ Chí Minh thành ánh sáng lan tỏa qua thi ca, góp phần làm cho cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trở nên sống động, cụ thể, dễ cảm thụ và thiết thực hơn với đông đảo bạn đọc.
Không hô khẩu hiệu, không lên gân chính trị, mà bằng chính chất thơ trong lòng cuộc sống, tập thơ này xứng đáng là ánh dương góp phần soi sáng đời sống tinh thần thời đại mới, nơi mà lý tưởng nhân văn, phẩm hạnh con người và ánh sáng của Bác vẫn còn mãi.
Thạc sĩ, nhà báo Chu Huy Phương