17/07/2025 lúc 18:46 (GMT+7)
Breaking News

Cụ thể hóa Nghị quyết 57 bằng 5 đạo luật lớn: Tạo đột phá thể chế cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Mới đây (Ngày 7/7), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức họp báo công bố nội dung cơ bản của 5 đạo luật trọng điểm vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Đây là những văn bản pháp lý có tính nền tảng, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, tạo hành lang pháp lý đồng bộ và hiện đại thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Các đạo luật được soạn thảo bởi Bộ KH&CN gồm:
  1. Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo;
  2. Luật Công nghiệp Công nghệ số;
  3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
  4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
  5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử.
Ảnh minh họa - TL
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định nhấn mạnh: Mặc dù được khởi thảo từ 1–2 năm trước, nhưng nội dung của các luật đều đã được xây dựng lại toàn diện theo tinh thần đổi mới sâu sắc, tiếp thu đầy đủ tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết 57-NQ/TW. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quá trình xây dựng luật không chỉ cập nhật thực tiễn quản lý, mà còn thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong tháo gỡ các "nút thắt" thể chế – vốn là rào cản lớn cho phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và công nghiệp công nghệ số trong nhiều năm qua.

Hình thành nền tảng thể chế hiện đại, định hướng phát triển dài hạn

Việc Quốc hội thông qua cùng lúc 5 đạo luật quan trọng không chỉ là bước cụ thể hóa mạnh mẽ các định hướng lớn của Nghị quyết 57, mà còn khẳng định cam kết cải cách thể chế theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực trung tâm. Các đạo luật sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số, công nghiệp số, góp phần bảo đảm quốc phòng – an ninh và nâng cao chất lượng sống người dân.Các nội dung mới thể hiện sự thay đổi trong tư duy quản lý: chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý theo kết quả đầu ra; từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu số; từ quản lý rời rạc sang tích hợp và kết nối hệ thống thông tin trong một khung pháp lý minh bạch, nhất quán, có trách nhiệm và có chế tài rõ ràng.Đặc biệt, việc luật hóa các chiến lược dài hạn, xác lập cơ chế đầu tư, sở hữu, thương mại hóa, ứng dụng kết quả nghiên cứu – phát triển (R&D) và triển khai công nghệ vào thực tiễn được xem là bước đột phá, đưa khoa học và đổi mới sáng tạo tiến sát hơn với thị trường, doanh nghiệp và đời sống xã hội.

5 đạo luật – 5 trụ cột đổi mới mạnh mẽ

1. Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (hiệu lực từ 01/10/2025):
Lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo (ĐMST) được luật hóa và đặt ngang hàng với khoa học và công nghệ (KHCN), thể hiện bước chuyển căn bản trong tư duy phát triển. ĐMST được xác định là động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh quốc gia, góp phần vào 3% tăng trưởng GDP hàng năm, trong khi đóng góp từ KHCN là 1%.Luật cũng đổi mới cơ chế quản lý, cho phép tổ chức, cá nhân sở hữu kết quả nghiên cứu và được hưởng tối thiểu 30% thu nhập từ thương mại hóa. Đây là điểm mới mang tính đột phá nhằm khơi thông dòng chảy từ phòng thí nghiệm ra thị trường, tạo động lực cho tinh thần dám nghĩ, dám làm và đầu tư dài hạn vào R&D.
2. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (hiệu lực từ 01/01/2026):
Luật định hình lại hệ thống quản lý chất lượng theo hướng hiện đại, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ khuyến khích sang ràng buộc trách nhiệm. Mô hình quản lý mới dựa trên dữ liệu số, đánh giá theo rủi ro, đồng thời thiết lập Hệ thống giám sát chất lượng quốc gia và cơ sở dữ liệu kết nối liên ngành.Đặc biệt, luật đưa ra quy định quản lý đối với hàng hóa trên nền tảng số, yêu cầu các sàn thương mại điện tử và người bán phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, xử lý khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường số.
3. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (hiệu lực từ 01/01/2026):
Với triết lý "một sản phẩm – một quy chuẩn", luật chấm dứt tình trạng chồng chéo trong quản lý, tăng hiệu lực thi hành và minh bạch tiêu chuẩn chất lượng. Lần đầu tiên, Chiến lược tiêu chuẩn quốc gia được luật hóa, đồng thời hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng.Một điểm nhấn khác là việc thừa nhận đơn phương các kết quả đánh giá phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam rút ngắn thời gian và chi phí khi tiếp cận thị trường toàn cầu.
4. Luật Công nghiệp Công nghệ số (hiệu lực từ 01/01/2026):
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có luật riêng điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp số – bao gồm công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), tài sản số… Luật đưa ra các định hướng chiến lược phát triển chip bán dẫn chuyên dụng, AI có trách nhiệm xã hội, và quy định rõ quyền sở hữu, giao dịch đối với tài sản số (bao gồm tài sản ảo và mã hóa).Những chính sách ưu đãi đặc biệt cho trung tâm dữ liệu, phòng thí nghiệm AI quốc gia, khu công nghệ số tập trung… sẽ tạo nền tảng hạ tầng cho tăng trưởng kinh tế số và chuyển đổi số mạnh mẽ.
5. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Năng lượng nguyên tử (hiệu lực từ 01/01/2026):
Luật thiết lập khung pháp lý toàn diện theo khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), xác định điện hạt nhân là chiến lược quốc gia, hướng đến an ninh năng lượng dài hạn và giảm phát thải carbon. Luật cũng thống nhất đầu mối quản lý an toàn – an ninh hạt nhân theo tiêu chuẩn quốc tế, quản lý toàn bộ vòng đời nhà máy.Đáng chú ý, luật mở rộng phạm vi ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp và nghiên cứu, góp phần vào mục tiêu làm chủ công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành năng lượng đặc thù này.
Việc thông qua đồng loạt 5 đạo luật về KH&CN, đổi mới sáng tạo, công nghệ số và năng lượng nguyên tử thể hiện sự đổi mới tư duy chiến lược trong hoạch định chính sách. Đây là bước đi quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đưa khoa học – công nghệ trở thành nền tảng bền vững cho tăng trưởng và phát triển quốc gia trong giai đoạn mới.
Phạm Thủy