Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn còn những hạn chế, bất cập. Trong đó, một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ; Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thực sự đổi mới; Chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc khơi thông nguồn lực đầu tư; Việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh; Thủ tục hành chính còn rườm rà; Tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu, thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; Chậm nghiên cứu, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới… Chính vì vậy, đổi mới tư duy trong xây dựng và thực thi pháp luật là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Ảnh minh họa - TL
Văn kiện quan trọng của Đảng trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật
Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 cùng với Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 59-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị , được gọi là “Bộ tứ trụ cột” tạo bệ phóng cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, việc ban hành Nghị quyết 66 đã khắc phục được những hạn chế, bất cập tồn tại trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua, đồng thời tạo hành lang pháp lý vững chắc để huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị quyết 66 còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp nối để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược mà trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, trong đó đột phá chiến lược về mặt thể chế được xếp ở vị trí hàng đầu.
Nghị quyết 66 - NQ/TW có 06 điểm mới là: (1) Nhấn mạnh, công tác xây dựng pháp luật phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng; (2) Khẳng định tăng cường kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hưởng lợi chính sách; (3) Đề cao việc phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham gia rộng rãi thực chất của người dân, tổ chức, doanh nghiệp cũng như các chủ thể khác trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; (4) Nhấn mạnh công tác xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, nắm bắt cơ hội và mở đường khơi thông mọi nguồn lực, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (5) Nhấn mạnh Nhà nước đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật, coi đây là đầu tư cho sự phát triển; (6) Nhấn mạnh về mối quan hệ giữa công tác xây dựng pháp luật và công tác thi hành pháp luật.
Nhờ vậy, Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là dấu mốc quan trọng khẳng định vị trí trung tâm của pháp luật trong kiến tạo phát triển, củng cố Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là kim chỉ nam và là văn kiện quan trọng của Đảng trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Một trong những nội dung cốt lõi của Nghị quyết là yêu cầu Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Tinh thần quan trọng của Nghị quyết còn thể hiện ở chỗ, phải dứt khoát nói "không" với bất cứ hạn chế, bất cập nào trong thể chế, pháp luật; không thỏa hiệp với bất kỳ yếu kém nào trong thiết kế chính sách, soạn thảo pháp luật, hay tổ chức thực thi. Hiệu quả, chất lượng của công tác thể chế phải được nâng lên một tầm cao mới, mở ra không gian, nguồn lực, lợi thế cho đất nước phát triển vượt bậc. Nghị quyết đồng thời nhấn mạnh sự đột phá thể chế phải song hành với cuộc cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia (được thể hiện trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị).
Mục tiêu Nghị quyết 66 đặt ra là đến năm 2030 Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán; tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến. Để phấn đấu đạt được mục tiêu lớn lao ấy, cần thực hiện nhiêu giải pháp, trong đó giải pháp về công tác xây dựng pháp luật và đảm bảo chất lượng của chính sách là quan trọng hàng đầu. Việc nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ và trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ công chức có vai trò hết sức quan trọng.
Nghị quyết số 66 xác định xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá”. Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh công tác pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Và, thực hiện Nghị quyết 66 chính là cuộc cách mạng tư duy về pháp luật, với mục tiêu cụ thể theo giai đoạn: 2025 gỡ điểm nghẽn, 2027 xây dựng đồng bộ, 2028 môi trường đầu tư lọt top 3 ASEAN.
Tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật từ Nghị quyết 66 được xem là bước tiến quan trọng trong cải cách lập pháp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế khi triển khai thực hiện, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và hạn chế; cụ thể là: Vẫn còn tư duy cũ, nặng về quy định chi tiết; nghĩa là vẫn còn hiện tượng "luật khung, luật ống", dẫn đến tình trạng phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn, làm chậm hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, tư duy quản lý bao cấp, hành chính vẫn còn: Thiếu tư duy xây dựng pháp luật theo hướng kiến tạo phát triển và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng đội ngũ làm pháp luật còn hạn chế: Thiếu chuyên gia giỏi về lập pháp, đặc biệt trong các lĩnh vực mới (chuyển đổi số, môi trường, trí tuệ nhân tạo…); Năng lực phân tích chính sách yếu, dẫn đến việc xây dựng các quy định pháp luật không sát thực tế hoặc khó thi hành. Thiếu cơ chế phản biện độc lập: Vai trò của các viện nghiên cứu, giới học thuật, người dân và doanh nghiệp chưa được phát huy đầy đủ. Tình trạng "lợi ích cục bộ" trong xây dựng pháp luật vẫn còn: Tình trạng "cài cắm" lợi ích trong quy định pháp luật vẫn diễn ra, gây mất niềm tin và làm giảm hiệu quả thực thi. Việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực lập pháp chưa đủ mạnh, dẫn đến việc lấy ý kiến, soạn thảo, góp ý, phản biện còn thủ công, thiếu minh bạch và kém hiệu quả. Trách nhiệm giải trình của các cơ quan chủ trì soạn thảo chưa cao, còn thiếu các tiêu chí đánh giá cụ thể.
Những giải pháp thiết thực
Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để quán triệt, tuyên truyền đồng bộ, sâu rộng, kịp thời đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân các quyết sách liên quan. Qua đó, thực hiện nhanh nhất, trách nhiệm nhất, tốt nhất nhằm giải phóng các “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ quy định pháp luật. Cùng với đó, cần có kế hoạch, tiến độ cụ thể trong việc rà soát, chuẩn hóa, đào tạo và nâng cao trình độ, tiêu chuẩn cho đội ngũ trực tiếp xây dựng thể chế. Đồng thời, nâng cao chính sách đãi ngộ đột phá cho nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ chế kinh phí đủ mạnh cho công tác này, bảo đảm tính chuyên nghiệp và chất lượng thể chế của đất nước, chấm dứt cơ bản các “điểm nghẽn” về thể chế, biến thể chế thành điểm mạnh, lợi thế so sánh của nước ta so với các nước trong khu vực và thế giới, đưa đất nước phát triển bền nhanh và vững. Mặt khác, cần có cơ chế, chính sách phù hợp; một hệ thống pháp luật phù hợp thì mọi tổ chức và cá nhân sẽ đều tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, khi đó nền kinh tế-xã hội của đất nước sẽ hoạt động ổn định và phát triển.
Từ cơ sở thực tiễn, trong Nghị quyết 66 cũng đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mang tính định hướng, bao gồm: Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật. Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế. Xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Đi vào những vấn đề cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện yêu cầu Nghị quyết đặt ra là tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả, theo các chuyên gia, cần tập trung vào các giải pháp thiết thực, bao gồm:
1.Coi trọng việc ban hành văn bản quy định chi tiết những văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương một cách kịp thời để khi văn bản luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết cũng phải được ban hành đồng thời.
2.Luôn đổi mới nội dung, phương pháp và cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, đảm bảo thực chất, tránh hình thức để pháp luật thực sự đi vào đời sống xã hội nhanh nhất.
3.Việc theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện pháp luật cần được thực hiện hiệu quả nhằm giúp cho pháp luật nhanh đi vào đời sống và cơ quan nhà nước cũng kịp thời phát hiện những điểm còn chưa phù hợp để từ đó đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật.
4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện pháp luật.
5. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện pháp luật.
6. Cần bố trí nguồn lực bảo đảm để thực thi pháp luật. Đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật, có chế độ, chính sách ưu đãi tương xứng.
Nghị quyết 66‑NQ/TW của Bộ Chính trị đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức và hành động lập pháp của Việt Nam: Từ tư duy “quản lý” chuyển sang tư duy “phát triển bằng luật”. Đây là định hướng chiến lược trong việc xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại, hướng đến nền kinh tế phát triển, sáng tạo, hội nhập toàn cầu, với tầm nhìn dài hạn của đất nước đến năm 2045./.
Ths.Đặng Xuân Cường