26/04/2025 lúc 16:06 (GMT+7)
Breaking News

Giáo viên thoả sức sáng tạo theo cách thiết kế của SGK Cánh Diều

Với cấu trúc không quá cứng nhắc, bộ sách khuyến khích giáo viên áp dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, việc triển khai một chương trình giáo dục với nhiều bộ sách giáo khoa và xã hội hóa sách giáo khoa đang trở thành xu thế nổi bật. Mô hình này không chỉ tạo ra sự đa dạng về tài liệu học tập, giúp học sinh có nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp thu của mình, mà còn khuyến khích sự cạnh tranh tích cực giữa các nhà xuất bản, từ đó nâng cao chất lượng sách.

Hướng đi đúng đắn để phát triển phẩm chất, năng lực người học

Theo đánh giá của cô Đỗ Thùy Linh - giáo viên Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội), việc triển khai một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là hướng đi đúng đắn và tất yếu trong xu thế phát triển của thời đại.

Hiện nay, giáo dục không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn hướng đến phát triển năng lực tự học, tư duy độc lập và khả năng thích ứng của học sinh. Các bộ sách giáo khoa mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, góp phần đưa giáo dục Việt Nam hòa nhập vào lộ trình hiện đại hóa, đổi mới toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo.

Về tổng thể, chương trình giáo dục phổ thông mới không thay đổi về khối lượng kiến thức cơ bản, mà thay đổi chủ yếu ở phương pháp tiếp cận, tổ chức dạy học và đánh giá học sinh.

Cô Linh cho hay, dù giáo viên trước đây đã có thời gian dài gắn bó và quen thuộc với bộ sách giáo khoa cũ, nhưng trong bức tranh tổng thể của tiến trình phát triển giáo dục quốc gia, việc thay đổi là tất yếu. Và hơn ai hết, giáo viên chính là lực lượng tiên phong cần thích nghi, chủ động thay đổi để đồng hành cùng học sinh trong hành trình mới này.

Thực tế cho thấy, khi có nhiều bộ sách cùng được triển khai, học sinh không chỉ giới hạn trong tài liệu của một bộ sách đang được giảng dạy tại trường, mà còn có thể tự tìm hiểu, so sánh, khám phá thêm kiến thức từ các bộ sách khác. Điều này không chỉ kích thích sự tò mò, ham học, mà còn góp phần hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu cho các em.

Cô Đỗ Thùy Linh - giáo viên Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, cô Linh cũng cho rằng việc triển khai một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa không chỉ mang lại sự lựa chọn linh hoạt cho giáo viên mà còn mở ra cơ hội để nâng cao chất lượng giảng dạy một cách toàn diện. Khi giáo viên có điều kiện tiếp cận và đọc kỹ cả ba bộ sách, họ có thể nhận diện và chắt lọc những điểm mạnh riêng của từng bộ, thay vì bó buộc vào một nguồn tài liệu cố định. Nhờ vậy, giáo viên hoàn toàn có thể lựa chọn những nội dung hay, cách trình bày hiệu quả từ từng bộ sách, từ đó kết hợp lại để xây dựng bài giảng phong phú, sinh động và phù hợp nhất với học sinh.

Bên cạnh lợi ích chuyên môn, việc có nhiều bộ sách giáo khoa còn góp phần thúc đẩy quá trình xã hội hóa giáo dục. Khi thị trường sách mở rộng, các nhà xuất bản buộc phải cạnh tranh lành mạnh về nội dung, hình thức, chất lượng và giá thành. Điều này giúp bộ sách đến tay học sinh không chỉ đảm bảo về kiến thức mà còn được chỉnh chu hơn về thiết kế, phù hợp hơn về chi phí, mang lại lợi ích rõ rệt cho cả người dạy và người học.

Sách thiết kế theo hướng mở, giúp giáo viên thỏa sức sáng tạo

Hiện nay, tại Trường Tiểu học Lam Vỹ (Định Hóa, Thái Nguyên) có ⅔ môn học đang triển khai dạy học theo sách giáo khoa Cánh Diều.

Cô Hoàng Xuân Quỳnh, giáo viên của trường đánh giá bộ sách Cánh Diều rất phù hợp với học sinh khi kiến thức rất dễ tiếp cận và dễ hiểu. Nội dung sách không sử dụng các từ ngữ quá phức tạp hay xa lạ với các em học sinh, giúp các em dễ dàng nắm bắt và hiểu bài học mà không cảm thấy bị áp lực hay khó khăn trong quá trình học tập.

So sánh với sách Tiếng Việt 1 trước đây, có thể thấy một sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận và xây dựng kiến thức. Trước đây, sách Tiếng Việt lớp 1 thường chứa đựng rất nhiều nội dung phức tạp, yêu cầu học sinh học viết chữ hoa ngay từ năm học đầu tiên. Điều này là một thử thách lớn đối với các em nhỏ, bởi vì việc học viết chữ hoa đòi hỏi kỹ năng vận động tay và khả năng ghi nhớ hình dáng chữ cái khá cao, dễ gây cảm giác căng thẳng và khó khăn cho người học.

Tuy nhiên, với bộ sách Cánh Diều hiện nay, phương pháp tiếp cận đã thay đổi theo hướng nhẹ nhàng và linh hoạt hơn. Sách không yêu cầu học sinh phải viết chữ hoa ngay từ đầu mà chỉ yêu cầu các em tô chữ và nhận biết các chữ hoa. Việc tô chữ giúp học sinh làm quen với hình dáng của các chữ cái, đồng thời phát triển kỹ năng cầm bút một cách tự nhiên mà không gây áp lực ngay từ khi bắt đầu.

Sách Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối. Ảnh: website NXB Đại học Sư phạm TP HCM

Bên cạnh đó, cô Quỳnh cũng dành lời khen cho sách giáo khoa Cánh Diều qua việc thiết kế sách theo hướng mở, không đặt ra những yêu cầu quá khắt khe đối với giáo viên trong quá trình giảng dạy. Điều này mang lại rất nhiều tự do và sáng tạo cho thầy cô khi thực hiện bài giảng.

Cụ thể, giáo viên không phải bị gò bó vào một khuôn mẫu hay ép buộc phải tuân theo từng chi tiết trong sách một cách cứng nhắc. Thay vào đó, thầy cô có thể linh hoạt điều chỉnh phương pháp dạy học sao cho phù hợp nhất với học sinh của mình, từ đó giúp các em dễ dàng tiếp cận và tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả hơn.

Với những phương pháp giảng dạy linh hoạt, giáo viên sẽ dễ dàng tạo ra một môi trường học tập tích cực và hiệu quả cho học sinh.

Hình ảnh minh họa trong sách Cánh Diều sinh động, gần gũi với học sinh. Ảnh: website NXB Đại học Sư phạm TP HCM

Theo chia sẻ của cô Quỳnh, mỗi bài học trong sách Tiếng Việt - bộ Cánh Diều đều có những hình ảnh minh họa gắn liền với nội dung, không chỉ làm rõ nghĩa các từ ngữ, câu chuyện mà còn kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Những hình ảnh này không chỉ mang tính chất trang trí mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc giúp học sinh hình dung và ghi nhớ kiến thức một cách tự nhiên.

Ví dụ trong bài học về vần, hình ảnh minh họa về các đồ vật quen thuộc được vẽ đơn giản, dễ hiểu, giúp các em học sinh nhận diện và làm quen với các chữ cái và âm thanh cơ bản. Các bức tranh này không chỉ giúp học sinh dễ dàng hình dung về từ ngữ mà còn tạo sự thích thú trong việc học viết.

“Ngoài việc giúp làm rõ nội dung, các hình ảnh này còn kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ. Những bức tranh sinh động, màu sắc tươi sáng không chỉ làm cho bài học trở nên thú vị mà còn tạo cảm hứng học tập cho các em”, cô Quỳnh cho hay.

Cô Hoàng Xuân Quỳnh - giáo viên Trường Tiểu học Lam Vỹ (Định Hóa, Thái Nguyên) cho biết một chương trình giáo dục với nhiều bộ sách giáo khoa mang lại sự linh hoạt và chủ động cho giáo viên trong việc lựa chọn tài liệu giảng dạy phù hợp.

Theo đó, quá trình chọn sách giáo khoa tại trường rất minh bạch và được thực hiện qua nhiều giai đoạn. Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, các thầy cô giáo sẽ thảo luận và góp ý trong tổ chuyên môn, ghi nhận những đánh giá về từng bộ sách. Sau đó, những ý kiến này sẽ được đưa vào hội đồng chọn sách của trường để xem xét kỹ lưỡng. Cuối cùng, sự lựa chọn cuối sẽ được đưa ra dựa trên sự đồng thuận chung.

Khi nghiên cứu các bộ sách giáo khoa, giáo viên cần xem xét kỹ lưỡng nội dung và cấu trúc của từng bộ sách để đảm bảo rằng nó phù hợp với năng lực và nhu cầu học tập của học sinh trong trường. Điều này đòi hỏi giáo viên không chỉ đánh giá sách từ góc độ lý thuyết mà còn phải hiểu rõ đặc điểm của học sinh mình đang dạy.

Sơn Minh

...