Có thể nói, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu là một tấm gương sáng về sự say mê học tập và nghiên cứu khoa học, làm rạng rỡ thêm biểu tượng đáng tự hào về vai trò, vị thế của các nhà khoa học nữ Việt Nam nói riêng và của phụ nữ Việt Nam nói chung.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Thị Trân Châu
Từ dòng dõi gia thế của một gia đình có truyền thống…
Được biết, cụ bà thân sinh của GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu là cụ Lê Thị Hành. Cụ Hành là con út của nhà khoa bảng Lê Đỉnh (1840-1933), quê ở làng La Kham (nay thuộc xã Điện Quang, TX Điện Bàn, Quảng Nam). Cha cụ Hành từng trải qua các chức vụ như Binh bộ Thượng Thư, Tổng đốc Hà Yên (Hà Nội, Hưng Yên) 1882 - 1884 và cũng từng đi sứ sang Tân Gia Ba (Singapore), Hương Cảng (Hồng Kông - Trung Quốc). Nhà Nho Lê Đỉnh có tư tưởng canh tân và tiến bộ, nên đều cho các con cái được học hành, bởi vậy cụ Hành ngoài việc học nữ công gia chánh còn được cha cho phép học chữ Nho cùng các anh trai. Không chỉ dừng lại ở đó, khi xu hướng Tây học phát triển, cụ Hành được cha cho phép lên Huế để học chữ Quốc ngữ dưới sự kèm cặp của hai anh trai – y sĩ, chí sĩ Lê Đình Dương (1893-1919) và bác sĩ Lê Đình Thám (1897-1969). Tuy nhiên, phận gái lại không quá ham thích việc học nên cụ đã dừng bước, lập gia đình với một giáo chức tại Huế. Gia đình cụ có 4 con, cô Phạm Thị Trân Châu (SN 1938) là con gái lớn.
Cách mạng Tháng Tám (8/1945) thành công, rồi toàn quốc kháng chiến (12/1946), cha cô Châu khi đó đang dạy học ở Trường Nữ sinh Đồng Khánh đi theo cách mạng, đã rời Huế đi dạy học ở các trường thuộc Vùng kháng chiến Liên khu 4 (Thanh Hóa, Nghệ An…). Cô Châu khi đó đang học ở Trường Nữ sinh Đồng Khánh cũng phải dừng việc học, cùng gia đình đi tản cư về quê ở Điện Bàn (Quảng Nam). Chẳng được bao lâu, quân Pháp lại đến chiếm và lập đồn bốt, cuộc chiến tranh lan rộng, nhân dân toàn quốc kháng chiến.
Vào một đêm, Điện Bàn vang dội tiếng súng, tiếng bom đạn thì sáng hôm sau giặc Pháp đến nhà ông bà nội lục soát, truy tìm cán bộ cách mạng. Vì còn nhỏ, không hiểu chuyện gì đã xảy ra nhưng cô Châu vẫn nhớ được, lúc đó thấy mẹ và các cô của mình, ai cũng nước mắt lưng tròng. "Tất cả anh chị em của mẹ tôi, không nhà nào không có liệt sĩ. Có những người ngay từ đầu kháng chiến đã là cảm tử quân, riêng nhà tôi thì các con đều còn dưới 10 tuổi nên không có ai đi bộ đội. Có lẽ vì vậy, mẹ tôi có một tình cảm đặc biệt đối với những anh bộ đội". Sau đó, vì không muốn sống một lần nữa trong vùng tạm chiến của thực dân Pháp, cụ Hành một thân một mình đưa 4 con nhỏ đi tìm về vùng kháng chiến tự do ở phía Nam. Về những thời khắc này, trong trí nhớ của cô Châu vẫn còn hiện rõ mồn một, "Hai em bé nhất, mỗi em ngồi một bên thúng để được gánh, còn chúng tôi thì lẽo đẽo chạy theo sau". Vượt hàng trăm km, sau nhiều ngày vất vả, cụ Hành và các con đã đến được vùng kháng chiến tự do thuộc Liên khu V ở xã Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Tại đây, vì không có nơi ở nên mẹ con cô Châu được một người dân cho mượn một mảnh đất trong vườn, dựng tạm căn nhà tranh vách đất, diện tích bên trong chỉ đủ kê chiếc giường. Ở căn nhà này, về sau mỗi khi bộ đội đi qua địa bàn, cụ Hành cũng như biết bao người dân khác đều đón vài ba anh bộ đội về nhà mời ăn uống. "Nhà tuy lúc đó không đủ gạo, nhưng hễ có gì ngon nhất, mẹ tôi đều mang ra đãi các anh. Nhưng chiến tranh ác liệt, có những anh một đi đã không trở lại", cô Châu hồi tưởng. Sống trong cảnh chồng công tác ở xa, cụ Hành đã không quản ngại bất cứ việc gì để nuôi 4 con nhỏ. Cụ làm các loại bánh như bánh chưng, bánh ú, bánh đậu xanh, bánh gato… đem bán. Tuy cuộc sống không đủ ăn là vậy, nhưng đối với việc học của các con, cụ có một sự quan tâm đặc biệt. Cả 4 người con của cụ, ai cũng được đi học. Trong đó, nổi bật nhất là cô Châu, tuy cô không làm nổi một câu lục bát trong giờ tập làm Văn, nhưng đối với các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là môn Toán, cô lại đạt kết quả tốt.
Thấy được sự vất vả của mẹ, ngoài việc lo chăm học, thời gian còn lại cô dành toàn bộ để giúp mẹ và chăm sóc các em nhỏ. Có những khi vừa học cô tranh thủ đan áo, phụ giúp mẹ những việc vặt. Hoặc có những lúc tranh thủ thời gian, cô đi thu mua ít hoa quả ở cách nhà vài cây số để đem bán. Khi đó gần nhà có một bà vợ ông bác sĩ tốt bụng, thương cô bé vừa hiếu học vừa ham làm, nên mỗi khi thấy cô Châu gánh hàng về đều nói: "A, về đây rồi, để bác mua hết cho!". Với thành tích học tập tốt, cô Châu là một trong 6 học sinh của một lớp 7 được chọn vào học lớp 8 của Trường cấp III duy nhất của hai tỉnh Bình Định và Phú Yên ở huyện Phù Cát. Cả Liên khu V gồm nhiều tỉnh, nhưng khi đó chỉ có hai trường cấp III. Tuy nhiên, vì trường học cách nhà quá xa, cộng thêm với việc trong nhà còn các em nhỏ, nên cụ Hành phân vân trước việc cho con gái lớn đi học tiếp: "Vì dù sao ít ra ở nhà còn có cái ăn, đi học xa biết mang gì đi ăn?". Thấy vậy, hàng xóm đã động viên cụ Hành, "Có con giỏi giang như thế này, bao nhiêu nhà mới có một người, trong khi cháu nó lại là nữ sinh duy nhất của lớp được học lên cao. Cứ cho con học đi, thiếu đến đâu chúng tôi cho mượn". Nhưng vì là một người khái tính, cụ Hành phải rất đắn đo và trước sự chân thành của mọi người, cộng thêm với sự thuyết phục của thầy cô, cô Châu đã được mẹ cho phép đi học tiếp.
Tựu trường, cô Châu mới thấy, hóa ra nhiều bạn còn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, vì có bạn chỉ mang hạt mít, hoặc khoai, sắn. Từ đây đã giúp cô hiểu thêm rằng, hoàn cảnh càng khó khăn bao nhiêu thì mình càng phải cố gắng khắc phục bấy nhiêu. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954) được ký kết, hầu hết học sinh lớp 8, lớp 9 ở Liên khu V được tập kết ra miền Bắc học tập. Ra đây, cô được học hết phổ thông ở ngôi trường danh tiếng - Trường Huỳnh Thúc Kháng ở Nghệ An. Đến tháng 9/1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, cô trở thành sinh viên khóa đầu tiên của trường.
…đến nhà khoa học đầu ngành về chuyên ngành Hóa sinh với những công trình, đề tài đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Năm 1959, tốt nghiệp ngành Sinh học với kết quả tốt, cô Châu được giữ lại ở trường làm cán bộ giảng dạy. Sau nhiều năm công tác, giảng dạy, nghiên cứu ở trường, đến năm 1964 cô được cử đi thực tập khoa học 1 năm ở trường Đại học tổng hợp Bắc Kinh. Trở về trường Đại học Tổng hợp Hà nội công tác, cho đến năm 1970, cô lại được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Balan và năm 1974 cô đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (Đại học Tổng hợp Lo'dz' Ba Lan) Nhiều năm sau Tiến sĩ giảng dạy nghiên cứu ở trường ĐHTH Hà nội, cho đến năm 1982 cô lại được cử đi Balan làm thực tập sinh cao cấp và năm 1985 đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ khoa học (Đại học Wroclaw Ba Lan) theo hướng Protein ức chế Proteinaza (PPI). Nỗ lực trên con đường nghiên cứu tại trường ĐHTH Hà nội, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu về Proteinaza, cô đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật như: Sử dụng Proteinaza tách chiết từ chồi ngọn dứa (Bromelain) làm chế phẩm Prozimabo để ứng dụng thử nghiệm trong điều trị bỏng tại Viện bỏng Quốc gia; Chế phẩm Prozima để thuỷ phân các protein thịt bò và một số loại đậu để làm bột dinh dưỡng cao cấp cho trẻ em, làm mềm thịt và sản xuất các loại nước mắm ngắn ngày...
Bằng nhiều nỗ lực và kiên trì, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu đã trở thành một trong những chuyên gia khoa học đầu ngành trong lĩnh vực Hóa sinh học với nhiều công trình nghiên cứu khoa học về Proteinaza và PPI có tiếng vang trong nước và quốc tế. Cô Châu đã làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu cơ bản một cách có hệ thống, thuộc chương trình nghiên cứu cơ bản, làm cơ sở vững chắc cho việc ứng dụng và phát triển ứng dụng ở tầm cao hơn, nên cô và các cộng sự đã đi sâu nghiên cứu hiểu kỹ về nguồn gốc, đặc tính, thiết lập quy trình thích hợp sản xuất các chế phẩm Proteinaza và PPI có độ sạch khác nhau, tuỳ theo từng mục đích nghiên cứu và lĩnh vực ứng dụng. Trước bức xúc về việc sử dụng thuốc trừ sâu hoá học, cô và cộng sự bắt tay nghiên cứu thuốc trừ sâu sinh học. Bắt đầu từ việc nghiên cứu đặc điểm của một vài loại sâu phổ biến phá hoại nghiêm trọng một số loại rau xanh, tinh sạch và nghiên cứu những đặc tính cơ bản của các proteinaza từ sâu; nghiên cứu các đặc tính của các (PPI) từ các loại hạt bầu bí và đã chọn được hạt gấc, là nguyên liệu giàu PPI nhất; thử nghiệm tác dụng của PPI từ hạt gấc đến quá trình sinh trưởng, biến thái của sâu, cũng như đến hoạt động của các Proteinaza tinh sạch từ sâu. Chế phẩm thuốc trừ sâu hoá sinh Momosertatin (Mos) và chế phẩm MM ra đời. Đó cũng là kết quả nghiên cứu của các đề tài do GS. Trân Châu chủ trì, thuộc chương trình nghiên cứu Công nghệ Sinh học cấp Nhà nước. Đến năm 2005, các chế phẩm đã được sử dụng thử nghiệm có hiệu quả trên các ruộng rau su hào, bắp cải ở Mê Linh, Hà Nội.
Tính đến nay, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu là tác giả và đồng tác giả của hàng chục đề tài nghiên cứu (cả ứng dụng và cơ bản) cấp Nhà nước, cấp Bộ... mang lại lợi ích không nhỏ cho xã hội. Cô đã có 126 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước. Cô Châu đã chủ trì các đề tài thuộc chương trình nghiên cứu cơ bản về Proteinaza và PPI, làm cơ sở cho các đề tài nghiên cứu do cô chủ trì cũng về hướng này, thuộc chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước về Công nghệ sinh học. Ví dụ như Nghiên cứu sản xuất, ứng dụng Proteinza trong chế biến thực phẩm (năm 1980); Sản xuất chế phẩm Proteinaza; Protein điều hoà hoạt động Proteinaza và ứng dụng chúng trong thực tế (52D-03-10); Nghiên cứu công nghệ sản xuất và sử dụng các PPI trong Y học và Nông nghiệp (KC-08-04); Nghiên cứu áp dụng một số kỹ thuật của công nghệ Hoá sinh hiện đại trong sản xuất các chế phẩm Hoá sinh bảo vệ thực vật (KHCN-02-08); Nghiên cứu công nghệ sản xuất Protein tái tổ hợp, Protein bất hoạt ribosom có giá trị sử dụng trong y dược và nông nghiệp (KC-04-14).
Cô Châu cũng là chủ biên, đồng tác giả 11 cuốn sách giáo khoa dùng cho nhiều trường đại học, sách chuyên khảo sâu, một số đã được tái bản nhiều lần như:”Hóa sinh học”(xuất bản năm 1992, tái bản 12 lần); “Công nghệ sinh học tập 3- Enzim và ứng dụng”; “Hóa sinh học các chất phân tử lớn trong hệ thống sống”; “Các Protein ức chế Proteinaza”(Đây là sách chuyên khảo tổng kết và hệ thống hóa các công trình nghiên cứu của cô về lĩnh vực này) v...v...Ngoài ra, cô cũng đã tham gia biên soạn các Từ điển Sinh học Nga-Việt, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Thực vật học Việt Nam.
Với những đóng góp lớn cho ngành Sinh hóa học nước nhà, năm 1988, GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu đã được trao giải thưởng Kovalevskaia (giải thưởng mang tên nhà nữ toán học người Nga lỗi lạc thế kỷ 19 Sophia Kovalevskia (1850-1891) dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc thuộc khoa học tự nhiên và toán học). Cùng với đó, cô cũng được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như: Nhà giáo ưu tú, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng III, Huân chương Lao động hạng Nhì… và nhiều bằng khen khác.