Khác với nhiều sản phẩm sinh ra từ phòng thí nghiệm, Lexi được thai nghén từ thực tế đầy day dứt: hàng triệu bệnh nhân nhập cư trên khắp thế giới đang đối mặt với rào cản ngôn ngữ trong chăm sóc y tế.
Từ nỗi trăn trở đó, hai sinh viên Trường Kỹ thuật Thiết kế Harvard - Phạm Hồng Linh và Siddharth UR - đã cùng xây dựng nên Lexi.

Phạm Hồng Linh nhận giải Vàng iF DESIGN AWARD 2025.
Ban giám khảo iF DESIGN AWARD đánh giá Lexi là “một thiết kế cứu người bằng ngôn ngữ.” Ứng dụng này sử dụng trí tuệ nhân tạo để dịch chính xác các cuộc hội thoại y khoa trong 6 ngôn ngữ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Việt Nam, Trung Quốc, Pháp và Nga ngay cả khi không có kết nối mạng.
Trong các tình huống khẩn cấp, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, Lexi có thể trở thành nhịp cầu nối giữa sinh-tử.
Trước đó, Lexi cũng đã giành Giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp Mới tại Trường Kỹ thuật Thiết kế Harvard - lần đầu tiên sau 25 năm một sinh viên người Việt giành vị trí cao nhất.
Ứng dụng tiếp tục thắng lớn tại Female Founder Circle Pitch 2025 tại Mỹ, đồng thời nhận tài trợ từ Quỹ Tác động Xã hội của Harvard Innovation Labs.
Dù liên tục được vinh danh song Phạm Hồng Linh khá khiêm nhường, cho biết: “Tôi chỉ muốn những ai đang trong tình huống hiểm nghèo không còn bất lực vì không thể cất lời, không thể hiểu nhau.”
Lexi là sản phẩm toàn cầu, nhưng cũng là một phần của giấc mơ Việt. Trong hành trình vươn tới những giá trị nhân văn phổ quát, Việt Nam - một dân tộc từng trải qua chiến tranh, mất mát, đói nghèo - đang khẳng định vị thế bằng tri thức, sáng tạo và lòng nhân ái.
Giải Vàng iF không chỉ là một cúp vàng danh giá. Đó là sự ghi nhận cho những thiết kế thực sự lắng nghe - không nhằm gây choáng ngợp, mà để chữa lành.
Lexi không vẽ nên một tương lai viễn tưởng, mà trả lời cho một câu hỏi hiện hữu: làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau chỉ vì khác biệt ngôn ngữ? Từ trái tim Việt, Lexi đang dần mở ra những cánh cửa kết nối mới và ngày càng nhiều bệnh viện ở New York, Paris, Tokyo... sử dụng Lexi như một công cụ hỗ trợ y tế hiệu quả.