Câu chuyện về chặng đường sự nghiệp của ông khiến tôi nhớ đến câu nói “Mỗi bước đi là khẳng định mình”. Thay vì lựa chọn con đường đi bằng phẳng, dễ dàng, ông đã không ngần ngại, dành trọn tâm huyết của mình bước trên con đường Y thuật rất cao quý, tự hào nhưng cũng đầy thử thách, chông gai.
Quả đúng như những gì đồng nghiệp và các thế hệ học trò nói về PGS.TS.BSCKII.BSNT Lê Trung Thọ, khi ông dành cả cuộc đời gắn bó với ngành Y, với sự nghiệp đào tạo, chỉ đơn giản vì một suy nghĩ “Luôn trăn trở với nỗi đau của người bệnh và còn sức khỏe sẽ còn cống hiến” nên ông vẫn tiếp tục làm việc. Chúng tôi có duyên gặp ông vào một chiều tháng 5 để viết một câu chuyện nghề cao quý ấy!

Nghề bén duyên với người
PGS.TS.BSCKII.BSNT Lê Trung Thọ luôn nêu cao Y đức và Y thuật trong công tác khám, chữa bệnh và giảng dạy cho các thế hệ học trò của mình. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống hiếu học quê hương huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ngay từ khi học cấp 3, ông đã yêu thích màu áo blouse. Để rồi ông quyết tâm thi đỗ học trường Đại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp Bác sỹ đa khoa, ông tiếp tục thi đỗ khóa học Bác sĩ Nội trú (BSNT) khóa 7 (1980-1983), theo học chuyên ngành đầu tiên, đặc thù mà ngày xưa ít người theo học “Giải phẫu bệnh”. Tốt nghiệp, ông được giữ lại làm Giảng viên Bộ môn Giải phẫu bệnh, Trường Đại học Y Hà Nội và thực hành chuyên môn ở một số bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, sau đó ông chuyển về công tác tại khoa Giải phẫu bệnh (nay là Trung tâm Giải phẫu bệnh – Sinh học phân tử), Bệnh viện Phổi Trung ương.
Năm 1983, ông cùng với Giáo sư Nguyễn Vượng viết cuốn sách “Chẩn đoán Tế bào học một số bệnh thường gặp” được đông đảo đồng nghiệp biết đến. Sau đó ông còn được cử đi học nâng cao chuyên ngành Giải phẫu bệnh, Tế bào học tại nhiều bệnh viện lớn cũng như tham dự nhiều hội nghị khoa học chuyên sâu ở nước ngoài. Đầu thập niên 2000 ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Y khoa, Trường ĐH Y Hà Nội và năm 2013 ông vinh dự được Hội dồng Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh Phó giáo sư ngành Y học.
PGS.TS.BS Lê Trung Thọ hội tụ đủ các yếu tố Tâm, Tài, Đức. Ông là một giảng viên cao cấp, một người Thầy mẫu mực hết lòng vì các thế học trò, một bác sĩ hết lòng vì sức khoẻ người bệnh, một nhà khoa học chân chính, trung thực, khiêm nhường. Bên cạnh công tác chuyên môn, chuyên gia về Giải phẫu bệnh – tế bào học, Bệnh viện Phổi Trung ương. Hiện ông còn nhiệt tình tham gia nhiều cương vị công tác: Giảng viên cao cấp Bộ môn Giải phẫu bệnh, Trường Đại học Y Hà Nội; Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Giải phẫu bệnh Tế bào bệnh học Việt Nam,… Ông có hơn 200 bài báo khoa học, trong đó nhiều bài đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Cùng với đó ông nhiệt tình hướng dẫn nhiều học viên cao học, BSCKII, nghiên cứu sinh hoàn thành luận văn, luận án tiến sĩ….
Những dấu ấn khó quên trong ký ức
Rất nhiều báo chí, truyền thông, truyền hình viết về ông, ai cũng muốn được ông chia sẻ nhiều hơn những câu chuyện chuyên ngành Giải phẫu bệnh, tế bào học ông theo học và nghiên cứu. Ông là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực xây dựng phân môn Tế bào học ở Việt Nam để lại nhiều dấu ấn với nghề, được nhiều người trong ngành trân quý, khi nhắc đến PGS.TS.BSCKII.BSNT Lê Trung Thọ - Giám đốc Trung tâm Giải phẫu bệnh – Sinh học phân tử, Bệnh viện Phổi Trung ương.

Ông thân tình tâm sự: “…Khoa Giải Phẫu Bệnh được thành lập ngay từ những ngày đầu Bệnh viện thành lập năm 1957. Gần 70 năm qua, sự phát triển của khoa luôn gắn liền với sự phát triển của bệnh viện. Từ ban đầu chỉ có một số cán bộ được đào tạo về chuyên khoa giải phẫu bệnh, với cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đơn sơ, đến nay được Ban Lãnh đạo bệnh viện quan tâm, khoa (nay là Trung tâm Giải phẫu bệnh – Sinh học phân tử) đã có đội ngũ cán bộ chuyên sâu hùng hậu, cùng với cơ sở vật chất, trang thiết bị khá hiện đại ngang tầm các trung tâm giải phẫu bệnh trong nước.
Được sự quan tâm của Giám Đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trung tâm Giải phẫu bệnh – Sinh học phân tử đã được trang bị hệ thống máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ cho quá trình chẩn đoán, xét nghiệm được nhanh chóng và chính xác bao gồm: Hệ thống phẫu tích bệnh phẩm tích hợp camera, máy tính cùng phần mềm xử lý, lưu trữ hình ảnh; Máy cắt lạnh; Máy xử lý mô nhanh; Máy xử lý mẫu thường quy; Máy đúc bệnh phẩm trong khối paraffin; Máy cắt tiêu bản vi thể; Máy nhuộm hóa mô miễn dịch; Kính hiển vi 5 đầu có gắn camera chụp ảnh; Máy Máy Realtime PCR đơn gen; Máy Real Time PCR đa gen; Máy nhuộm lam tự động; máy ly tâm thể tích lớn và máy ly tâm thường; Tủ mát bảo quản hóa chất, sinh phẩm;… để PGS.TS.BS Lê Trung Thọ và đồng nghiệp của Trung tâm thường quy thực hiện tốt nhiệm vụ của mình: Thời gian trả kết quả nhanh nhất so với các khoa giải phẫu bệnh trên cả nước, giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi, gián tiếp giúp giảm tải bệnh viện, như: Xét nghiệm sinh thiết tức thì: trả kết quả sau 10-15 phút; Xét nghiệm mô bệnh học sinh thiết nhỏ trả kết quả trong 24 giờ, kể cả ngày nghỉ; Xét nghiệm tế bào học chọc hút kim nhỏ trả sau 2 giờ; Các xét nghiệm còn lại trả kết quả chậm nhất sau 72 giờ.
Cùng với đó Trung tâm đã áp dụng những kỹ thuật tiên tiến hiện đại hàng đầu trên thế giới trong chuyên môn: Xét nghiệm tế bào học: xét nghiệm tế bào học các dịch, chải rửa phế quản, áp lam hay kỹ thuật nhúng dịch Thinprep, Thinprep Non Gyn; Xét nghiệm tế bào học chọc hút kim nhỏ- FNA từ các tổn thương nông như tuyến giáp, vú, hạch, tuyến nước bọt, da mô mềm…; Xét nghiệm khối tế bào các dịch khoang cơ thể; Xét nghiệm mô bệnh học trước và sau phẫu thuật, xác định bản chất của tổn thương và nguyên nhân gây bệnh; Xét nghiệm tức thì trong phẫu thuật: giúp chẩn đoán tức thì ngay trong mổ, giúp các nhà ngoại khoa đưa ra quyết định điều trị tối ưu cho người bệnh; Xét nghiệm hóa mô, hóa mô miễn dịch miễn dịch, hóa miễn dịch tế bào chẩn đoán bệnh, được chỉ định trong một số trường hợp giúp hỗ trợ chẩn đoán và tiên lượng bệnh; Xét nghiệm đột biến đơn gen, xét nghiệm đột biến đa gen, được chỉ định trong ung thư phổi không tế bào nhỏ, tối ưu hóa trong điều trị để kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân mắc ung thư phổi.
Ông chia sẻ thêm: Trong những năm gần đây, do bệnh ung thư ngày càng phát triển, tạo gánh nặng rất lớn về y tế và xã hội, người ta coi chẩn đoán giải phẫu bệnh cùng với chẩn đoán hình ảnh và nội soi làm thành một kiềng ba chân trong chẩn đoán bệnh, trong đó, chẩn đoán giải phẫu bệnh được coi có độ chính xác cấp III. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán ung thư mà hiện nay, vai trò của chẩn đoán Giải phẫu bệnh còn được coi là bắt buộc trước khi điều trị (điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch), đánh giá kết quả điều trị (đánh giá thải ghép sau ghép tạng). Nếu coi ngành Y như một cây cổ thụ thì giải phẫu bệnh là một phần của bộ rễ, bộ rễ có chắc chắn, vững mạnh thì cây mới tươi tốt, xum xuê được, nên chuyên ngành Giải phẫu bệnh là rất cần…. Trung tâm Giải phẫu bệnh – Sinh học phân tử luôn là địa chỉ đáng tin cậy cho các bác sĩ lâm sàng và người bệnh.

Niềm vui chung cho Bệnh viện Phổi Trung ương, tháng 08/2023, Khoa Giải phẫu bệnh đã vinh dự nhận chứng chỉ Quốc tế ISO 15189:2012 do Văn phòng công nhận chất lượng (BoA) – Bộ Khoa học và Công nghệ trao cho khoa Giải Phẫu bệnh. Đây là đơn vị thứ 3 trong cả nước và là phòng xét nghiệm công lập đầu tiên tại miền Bắc đạt chứng chỉ ISO 15189 cho lĩnh vực Giải phẫu bệnh với mã số VILAS MED 176.
TTƯT, TS.BSCC. Đinh Văn Lượng – Giám đốc Bệnh viện chia vui với chúng tôi: “Sau những nỗ lực không ngừng hoàn thiện về cơ sở vật chất và năng lực chuyên môn, bằng nhiều tâm huyết, sự nỗ lực không mệt mỏi của PGS.TS Lê Trung Thọ và toàn thể khoa Giải phẫu bệnh, đồng thời được sự ủng hộ, tạo mọi điều kiện của Đảng Ủy, Giám đốc Bệnh viện, các phòng ban chức năng, cùng với sự giúp đỡ của đơn vị tư vấn, là tiền đề giúp khoa Giải phẫu bệnh đáp ứng đủ các điều kiện về trang thiết bị, kỹ năng cũng như các quy trình quản lý để đạt được các tiêu chí chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 15189:2012. Khoa Giải Phẫu bệnh (nay Trung tâm Giải phẫu bệnh – Sinh học phân tử ) - Bệnh viện Phổi Trung ương tự hào trở thành đơn vị công lập về giải phẫu đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn ISO 15189:2012”.
Tiêu chuẩn ISO 15189:2012 là bộ tiêu chuẩn quốc tế quy định các yêu cầu về năng lực và chất lượng đối với các phòng xét nghiệm nói chung và phòng xét nghiệm y học nói riêng trong đó có giải phẫu bệnh và tế bào bệnh học, được xây dựng dựa trên hai tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025 và tiêu chuẩn ISO 9001 – đây là tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu đang được các phòng xét nghiệm nói chung và phòng xét nghiệm y học nói riêng cũng như phòng Giải phẫu bệnh & Tế bào bệnh học trên thế giới áp dụng. Khoa Giải Phẫu Bệnh – Bệnh viện Phổi Trung ương liên tục cập nhật các phương pháp xét nghiệm mới, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại tiên tiến ngang tầm khu vực và quốc tế vào quy trình Giải phẫu bệnh - tế bào học tại Bệnh viện, giúp chẩn đoán chính xác hầu hết các bệnh lý quan trọng, kể cả những bệnh hiếm và khó. Sở hữu hệ thống máy móc xét nghiệm và trang thiết bị hiện đại bậc nhất trong chuyên ngành giải phẫu bệnh - tế bào học hiện có trên thế giới, cùng các phần mềm phân tích kết quả tiên tiến. Hiện nay, Phòng Sinh học phân tử của Trung tâm Giải phẫu bệnh – Sinh học phân tử có thể nói đọc nhật nước ta, được thiết kế, xây dựng theo chuẩn của các nước phát triển trên thế giới. Việc đạt Tiêu chuẩn ISO 15189:2012 sẽ góp phần mang lại sự tin tưởng cho người bệnh và khách hàng; khẳng định thương hiệu, uy tín của Bệnh viện Phổi Trung uơng trên toàn quốc. PGS. Thọ thân tình chia sẻ.
Hơn 40 năm làm việc, PGS.TS.BS Lê Trung Thọ có thời gian biểu gần như dành trọn cho công việc chuyên môn, cho người bệnh và đọc sách viết bài thâu đêm. Người thầy thuốc mẫu mực, tận tâm và đáng kính ấy còn rất nhiều tâm huyết muốn gửi gắm đến các thế hệ đồng nghiệp, các học trò với một mong muốn đóng góp cho sự phát triển của chuyên ngành Giải phẫu bệnh – Tế bào học nước nhà ngang tầm thế giới.
Và những năm tháng gắn bó với ngành Y, PGS.TS.BS Lê Trung Thọ thấu hiểu hơn ai hết những vất vả, gian nan của một nghề cao quý - nghề chữa bệnh cứu người. Đối diện hàng ngày, hàng giờ với yêu cầu cấp bách chữa bệnh cứu người, không ít trường hợp bệnh nhân nặng, nguy cấp, nhưng nhờ bản lĩnh nghề nghiệp, sự quyết đoán và đặc biệt là lòng yêu thương con người nơi ông và đồng nghiệp, đã giúp các bác sĩ lâm sàng chẩn đoán đúng bệnh, xử lý kịp thời trong sự “vỡ òa” hạnh phúc của người bệnh và gia đình họ. Rất nhiều lá thư, dòng tin nhắn cảm ơn được gửi đến ông, ông lấy đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của nghề.
PGS.TS.BS Lê Trung Thọ luôn nêu cao y đức với tinh thần “Lương y phải như từ mẫu” để làm việc, giúp đỡ bệnh nhân bằng tấm lòng y đức của mình. Xuất phát từ cách nhìn nhận và những quan điểm đúng đắn ấy nên ông đã chiếm được những tình cảm đặc biệt từ người bệnh, được người bệnh tin tưởng trao gửi sức khỏe và cả tính mạng của mình.
Ánh nắng chiều hè le lói xuống từng khoảng sân Bệnh viện Phổi Trung ương, hình ảnh PGS.TS.BSCKII.BSNT Lê Trung Thọ với chiếc áo blouse trắng giản dị, yêu nghề, hết lòng với công việc là hình ảnh đẹp của một thế hệ nhà giáo, bác sĩ kỳ cựu, như “đôi cánh chim bay không biết mỏi” ông vẫn cần mẫn đóng góp công sức của mình vào sự phát triển Bệnh viện và chuyên ngành mà ông gắn bó cả cuộc đời.