Không chỉ là một nhà khoa học xuất sắc với những nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, PGS.TS. Nguyễn Minh Tân còn là người tiên phong trong việc đưa công nghệ vào giải quyết những thách thức của nông nghiệp Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Minh Tân - Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên ( Đại học Bách Khoa Hà Nội )
Không giới hạn bản thân bởi những định kiến về giới, nữ Phó Giáo sư truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, khẳng định rằng đam mê và năng lực mới là chìa khóa để thành công trong khoa học. PGS. TS. Nguyễn Minh Tân, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên (Đại học Bách Khoa Hà Nội) là một trong 2 nhà khoa học nữ được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia 2024 vừa qua. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, PGS. Tân để lại ấn tượng cho người đối diện bởi nụ cười rạng rỡ, phong thái cởi mở. Trong căn phòng làm việc nhỏ tại một tòa nhà của Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi những tập tài liệu nghiên cứu được sắp xếp gọn gàng, PGS.TS. Tân chia sẻ về hành trình nghiên cứu khoa học đầy nhiệt huyết của mình.Không như những gì chúng tôi hình dung về một nhà khoa học, chị mang đến cảm giác đầy năng động và linh hoạt, toát ra từ từng cử chỉ, từng câu chuyện. "Không nghiên cứu những gì mình có, mà nghiên cứu những gì xã hội cần". Đó là quan điểm mà PGS.TS. Nguyễn Minh Tân theo đuổi suốt hành trình nghiên cứu của mình. Đối với chị, khoa học không chỉ là những bài báo đăng trên tạp chí mà quan trọng hơn, phải có tính ứng dụng cao, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và cộng đồng. Nhìn lại chặng đường đã qua, PGS.TS. Nguyễn Minh Tân luôn kiên trì với định hướng nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm và dành nhiều tâm huyết, trăn trở với bài toán tìm lối ra cho nông sản Việt.
PGS.TS Nguyễn Minh Tân chia sẻ, một vấn đề nổi cộm trong nông nghiệp hiện nay là nước ta có rất nhiều loại trái cây nhiệt đới chất lượng cao, nhưng năm nào nông sản cũng phải "giải cứu", do sản xuất manh mún, công nghệ sau thu hoạch lạc hậu, chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô. Việc kêu gọi người dân chung tay "giải cứu" chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài và mang tính căn cơ là nâng hàm lượng công nghệ của nông sản. Từ thực tế trên, PGS.TS Nguyễn Minh Tân, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên (ĐH Bách khoa Hà Nội), Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp (COSTAS) và các đồng nghiệp đã hợp tác với nhóm nghiên cứu của Giáo sư Samhaber, Viện Quá trình thiết bị (ĐH Johannes Kepler Linz, CH Áo) nghiên cứu, phát triển thành công công nghệ và thiết bị cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ thấp và áp suất thường (công nghệ JEVA). Với sự ra đời công nghệ cô đặc nước quả nhiệt đới tích hợp các quá trình màng – JEVA, PGS.TS. Nguyễn Minh Tân được biết đến như một nhà khoa học giải cứu nông sản bền vững bằng công nghệ xanh trong thời điểm dịch Covid – 19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp.
Được biết, Công nghệ JEVA có một số lợi thế ưu việt so với các công nghệ cùng loại trên thị trường hiện nay. Ưu thế đầu tiên phải kể đến đó là, cùng với nguyên tắc tách nước từ dịch quả ép, nhưng công nghệ JEVA lại giữ được hương vị, màu sắc và các hoạt chất sinh học có lợi trong sản phẩm chế biến nhiều nhất so với các công nghệ cùng mục đích trên thế giới hiện nay. Đây là kết quả nghiên cứu chị và nhóm cộng sự chứng minh trong phòng thí nghiệm và đã công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế. “Nông sản hay thuốc đông y, sau khi chiết tách đều phải cô lại. Và theo phương pháp của tôi thì các hoạt chất gần như không bị mất”, PGS.TS Nguyễn Minh Tân chia sẻ.Ưu thế thứ hai của JEVA chính là việc cải tiến được nhược điểm to, cồng kềnh, không dễ di chuyển của các công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi hiện nay. Theo PGS Nguyễn Minh Tân, từ trước đến nay ở cả Việt Nam và trên thế giới, công nghệ này đều được đặt ở một nhà máy thật lớn và gần như việc di chuyển là không thể. Nhưng bây giờ, với nguyên lý mới của PGS Nguyễn Minh Tân, chiếc máy này được tạo ra chỉ nhỏ bằng một chiếc tủ lạnh, kèm theo bánh xe để di chuyển. Công nghệ JEVA với tên đầy đủ là công nghệ cô đặc nước quả nhiệt đới tích hợp các quá trình màng (Juice EVAporation Technology) và thiết bị cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ và áp suất thường có điểm cốt lõi là đưa ra cách kết hợp tối ưu giữa các quá trình màng MF, NF, RO và MD, kết hợp với hệ thống bay hơi bề mặt lạnh, cho phép chế biến nước quả tại điều kiện nhiệt độ thường, áp suất khí quyển nên sẽ tạo ra được sản phẩm có chất lượng tốt, giữ được hương vị tự nhiên của nước quả trong khi vẫn đạt được lượng chất khô rất cao (trên 70°Brix). Ưu điểm nữa của công nghệ JEVA là có thể cô đặc nước quả thông qua phương pháp tách nước từ dịch quả thực hiện tại nhiệt độ thấp (dưới 42°C) nên giữ được các vitamin, chất khoáng và hương vị tự nhiên của nguyên liệu đạt chất lượng xuất khẩu vào các thị trường khó tính châu Âu, Mỹ, Nhật,… Sản phẩm nước quả cô đặc được sản xuất từ công nghệ JEVA có nồng độ chất khô cao (khoảng 70°Brix) nên giảm thể tích vận chuyển, có thể bảo quản ở nhiệt độ thường trong thời gian dài mà không cần dùng bất cứ chất bảo quản nào.Đồng thời, hệ thống thiết bị có thể vận hành với nhiều qui trình khác nhau để chế biến nhiều loại nước quả khác nhau, vì vậy tăng được hiệu quả sản xuất, không lệ thuộc vào mùa vụ, có thể vận hành hệ thống quanh năm.Ví dụ, với các sản phẩm có tính chất nguyên liệu khác nhau, như nước ép chanh dây thường có nồng độ chất tan nằm trong khoảng 12-17°Brix và tương đối đục do có chứa nhiều xơ từ ruột quả, trong khi nước nước ép vải có độ trong cao hơn và thường có nồng độ chất tan nằm trong khoảng 14-16°Brix, việc dùng công nghệ cô đặc nhiệt sẽ đòi hỏi các dây chuyền thiết bị cô đặc với kích thước khác nhau. Tuy nhiên, nếu dùng công nghệ JEVA sẽ cho phép xử lý linh hoạt các nguồn nguyên liệu đầu vào trên cùng một hệ thống thiết bị. Nhóm nghiên cứu cũng đã tích hợp được các thiết bị vào container, tăng tính linh động về mặt địa lý của hệ thống thiết bị. Hệ thống thiết bị có thể được vận chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau để làm việc. Các công ty chế biến hoa quả quy mô nhỏ có thể thuê thiết bị thuộc sở hữu của công ty khác trong thời gian nhất định để sản xuất theo mùa vụ mà không nhất thiết phải đầu tư mua cả hệ thống thiết bị nếu không có nhu cầu vận hành trong thời gian dài.

PGS.TS. Nguyễn Minh Tân và các đồng nghiệp, học trò trong một chuyến đi thực tế .
Đáng chú ý là công nghệ JEVA không sử dụng hóa chất và có tiêu thụ năng lượng thấp hơn trên 80% so với quá trình cô đặc nhiệt thông thường. Khi vận hành, hệ thống thiết bị chỉ thải ra một lượng nhỏ nước có lẫn đường hoa quả trong nước quả. Lượng nước thải này có thể được pha loãng để đưa vào cùng xử lý với nước thải sinh hoạt tại cơ sở sản xuất hoặc được dẫn vào bể phốt của cơ sở chế biến. Như vậy, việc vận hành hệ thống thiết bị không gây ra các tác động bất lợi cho môi trường.Vì vậy, công nghệ JEVA đặc biệt thích hợp để được triển khai áp dụng tại các cơ sở chế biến rau quả tại Việt Nam với qui mô nhỏ, góp phần hình thành kênh tiêu thụ ổn định cho người nông dân ngay cả ở những vùng nguyên liệu thiếu tập trung và thường xuyên biến động.Hiện tại, trên thị trường quốc tế chưa có hệ thống thiết bị cùng loại, do đặc điểm ngành công nghiệp chế biến của các nước rất khác biệt, vậy nên công nghệ và hệ thống thiết bị JEVA còn có tiềm năng phát triển tốt tại các nước xuất khẩu sản phẩm cô đặc như Thái Lan, Malaysia, Srilanca, Ấn Độ…Với những giá trị khoa học và ưu điểm của công nghệ đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết hiện nay, Dự án “hỗ trợ thương mại hóa công nghệ của Hội Nữ trí thức Việt Nam” của Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp do Bộ KH&CN phê duyệt tại Quyết định số 1670/QĐ-BKHCN ngày 18/6/2018 đã lựa chọn công nghệ cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt – JEVA của PGS.TS. Nguyễn Minh Tân để hỗ trợ thương mại hóa. Dự án đã hỗ trợ công nghệ của PGS.TS. Nguyễn Minh Tân tham gia Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của phụ nữ do tổ chức WIPO, Cục sở hữu trí tuệ Hàn Quốc tài trợ và Hội Phụ nữ sáng chế Hàn Quốc là đơn vị tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 6 năm 2019. Tại đây, công nghệ cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt - JEVA của PGS.TS. Nguyễn Minh Tân đoạt Huy chương Bạc. Hiện nay, PGS Nguyễn Minh Tân đang hỗ trợ công nghệ cho một số công ty tại tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Đồng Nai,… trong việc phát triển sản phẩm chất lượng cao và xây dựng quy trình và hệ thống sản xuất chế biến cam, vải, nhãn, mật ong, bưởi, đu đủ, chuối ứng dụng công nghệ JEVA. Tiếp đó là tại tỉnh Bắc Kạn, chị cũng đang phối hợp với một công ty để xây dựng hệ thống chế biến quýt và mơ và vải. Tháng 10 năm 2020, PGS. Nguyễn Minh Tân đoạt giải Best Innovation Award thuộc cơ cấu giải thưởng The Hitachi Global Foundation Asia Innovation Award do Quỹ Toàn cầu Hitachi (The Hitachi Golobal Foundation) với giải pháp ứng dụng công nghệ JEVA chế biến nông sản Việt Nam.
Bên cạnh công nghệ JEVA, PGS Nguyễn Minh Tân đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học khác liên quan đến ngành Quá trình Thiết bị Công nghệ Hoá học của chị. Một trong số đó phải kể đến là công nghệ xử lý nước thải của ngành dệt nhuộm bằng công nghệ Nano. Công nghệ này được chị và các đồng nghiệp tại CHLB Đức phát triển trong khuôn khổ một đề tài hợp tác nghiên cứu khoa học Việt - Đức theo Nghị định thư. Theo đó, công nghệ đã được thí điểm tại Thành phố Đà Nẵng và đã cho kết quả khoa học rất tốt. Nhưng sau đó, công nghệ lại chưa được không được ứng dụng ở Việt Nam. Một công ty của Đức sau đó đã dựa vào kết quả nghiên cứu đó và sản xuất ra một dòng sản phẩm hiện đang được ứng dụng thành công ở các thị trường Châu Âu, Hàn, Nhật và đặc biệt là Trung Quốc.
Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, PGS.TS.Tân đã có cơ hội đi khắp mọi miền Tổ quốc và làm việc trên nhiều loại trái cây khác nhau như chanh dây, thanh long, cam, bưởi và dừa; tư vấn cho các nhà sản xuất và cung cấp cho họ các mẫu để khách hàng của họ thử nghiệm. Chị đã sử dụng tất cả phản hồi và dữ liệu đã thu thập để cải thiện hệ thống của mình. Hiện quy trình được giám sát và kiểm soát bằng giao thức IP và được tối ưu hóa bằng trí tuệ nhân tạo. Chia sẻ về công trình đang ấp ủ, nữ Phó giáo sư cho biết, chị đang phát triển công nghệ chế biến sâu quả thanh long nhằm tối ưu hóa giá trị sản phẩm, hạn chế phát thải CO₂ và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Những dự án này không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản mà còn mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, chị cũng đang hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm để ứng dụng các giải pháp tiên tiến vào sản xuất. Mục tiêu của chị không chỉ dừng lại ở việc phát triển các công nghệ mới mà còn là tạo ra một hệ sinh thái khoa học – doanh nghiệp bền vững, trong đó các nghiên cứu được chuyển giao thành công và mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.
Khi được hỏi về những khó khăn của nhà khoa học nữ, PGS.TS. Nguyễn Minh Tân cho biết chị không thích câu hỏi đó và luôn tin rằng giới tính không phải là rào cản trong nghiên cứu. "Không vì là phụ nữ mà tự đặt ra giới hạn cho bản thân. Không có thách thức nào với một người phụ nữ, quan trọng là mình có muốn làm và dám làm hay không", nữ Phó Giáo sư khẳng định. Trong một lĩnh vực vốn có nhiều định kiến về vai trò của phụ nữ và bị xem là thiên về nam giới, PGS.TS không ngừng chứng minh rằng năng lực và đam mê mới là yếu tố quyết định thành công.
Trong hành trình khoa học của mình, PGS.TS.Tân chia sẻ rằng đã may mắn được gặp gỡ những người thầy, người đồng nghiệp tận tâm, những người đã truyền cảm hứng trong công việc nghiên cứu. Một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất là Giáo sư Samhaber (Áo) - người thầy hướng dẫn nghiên cứu sau tiến sĩ của chị đồng thời cũng là đồng nghiệp thực hiện các dự án triển khai công nghệ JEVA tại Việt Nam. Giáo sư Samhaber đã luôn khuyến khích chị suy nghĩ theo hướng ứng dụng thực tiễn và không ngại đặt ra những câu hỏi lớn. Đến lượt mình, PGS.TS. Nguyễn Minh Tân cũng mong muốn trở thành người truyền lửa cho thế hệ trẻ. Là giảng viên Khoa Kỹ thuật Hoá học, Trường Hoá và Khoa học Sự sống, Đại học Bách Khoa Hà Nội, PGS.TS.Tân tham gia đứng lớp giảng dạy, định hướng sinh viên của mình, khuyến khích họ mạnh dạn theo đuổi đam mê và truyền cảm hứng về một tinh thần khoa học không ngại thử thách.

PGS.TS. Nguyễn Minh Tân vinh dự được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia năm 2024.
Đối với chị, nhiệm vụ của một nhà khoa học không chỉ là tạo ra tri thức mới mà còn là lan tỏa tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội và ý chí vươn lên. Những đóng góp xuất sắc của chị đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng danh giá như: Giải Đổi mới Sáng tạo tốt nhất năm 2020 (Best Innovation Award 2020); Giải Đồng năm 2024 và Giải Bạc năm 2019 tại Triển lãm và Diễn đàn Quốc tế về Sáng chế của Phụ nữ (KIWIE 2024)… Với tầm nhìn rộng mở, tư duy sáng tạo và tinh thần bền bỉ, PGS.TS.Nguyễn Minh Tân không chỉ góp phần phát triển khoa học công nghệ nước nhà mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ. Hành trình của chị là minh chứng rõ nét rằng, khoa học không có giới hạn – chỉ có những người sẵn sàng vượt qua giới hạn của chính mình.
Thời gian có thể lấy đi tuổi xuân, nhưng thời gian không bao giờ có thể xua đi nhiệt huyết cống hiến, đam mê khoa học trong con người PGS.TS Nguyễn Minh Tân. “Nhà khoa học dành trọn cống hiến cho cộng đồng”, cõ lẽ khi ai tiếp xúc, trò chuyện và lắng nghe những tâm huyết mà chị làm được cho cộng đồng, cho đất nước cũng phải thốt lên câu nói đó. Trải qua bao vất vả, gian nan và thử thách nhưng khi chị đã bước đi trên con đường ấy, mỗi hành trình đều chứa đựng một nghị lực và ý chí mạnh mẽ. Có thể nói, PGS.TS Nguyễn Minh Tân chính là tấm gương sáng cho các nhà khoa học kế cận học tập và noi theo.