Tọa đàm “Phát triển du lịch Ninh Bình trong không gian mới” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và đại diện cộng đồng địa phương.
Tận dụng lợi thế – Định vị thương hiệu
Trước khi sáp nhập, 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình (cũ) có nhiều lợi thế về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch. Trong đó, Hà Nam là điểm đến mới nổi, đã có thương hiệu trên bản đồ du lịch. Nam Định có tiềm năng du lịch lớn cả về văn hóa, sinh thái và biển, nhưng mức độ phát triển còn khiêm tốn, chưa có điểm đến du lịch hấp dẫn khách quốc tế. Ninh Bình (cũ) là điểm đến có thương hiệu mạnh trên bản đồ du lịch trong nước và khu vực, được du khách và nhiều chuyên trang du lịch quốc tế đánh giá cao.
Theo ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình: “Việc hợp nhất ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định không chỉ là thay đổi địa giới hành chính mà còn mở ra một không gian phát triển rộng lớn, là cơ hội để tái định vị du lịch Ninh Bình trên quy mô và tầm vóc mới. Ninh Bình đang hội tụ đầy đủ yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, có năng lực cạnh tranh quốc tế, hướng đến vị thế là trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái - tôn giáo hàng đầu khu vực Đông Nam Á.”
Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Du lịch mong muốn phát triển du lịch Ninh Bình thành ngành kinh tế mũi nhọn có năng lực cạnh tranh quốc tế, trở thành trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái - tôn giáo hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Tỉnh Ninh Bình mới có diện tích tự nhiên 3.942,62 km²; quy mô dân số là 4.412.264 người. Ninh Bình sau sáp nhập trở thành một vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa, sinh thái, tâm linh và biển. Nơi đây sở hữu những lợi thế nổi bật về tài nguyên du lịch, kết nối hạ tầng, cùng bề dày lịch sử - văn hóa đặc sắc. Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đầu tiên của Việt Nam tiếp tục giữ vai trò là trung tâm thu hút khách du lịch. Vùng đất “Ninh Bình mới” có gần 5.000 di tích, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 265 di tích cấp quốc gia, 784 di tích cấp tỉnh. Khu vực còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể quý giá với 33 di sản cấp quốc gia và 1 di sản phi vật thể đại diện nhân loại. Hệ thống lưu trú được mở rộng với hơn 1.500 cơ sở và gần 20.000 phòng nghỉ; các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven núi, ven hồ, homestay, farmstay không ngừng được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách trong nước và quốc tế.
Không gian mới cho du lịch Ninh Bình hôm nay không chỉ là mở rộng địa giới hay sản phẩm, mà là một tầm nhìn chiến lược đa chiều. Đó là không gian của chuyển đổi số trong quản lý và quảng bá du lịch; không gian kết nối vùng – liên kết chuỗi giá trị giữa du lịch với nông nghiệp, làng nghề, công nghiệp văn hóa; không gian phát triển du lịch xanh – du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn tài nguyên và phát huy bản sắc.
Đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn cấp quốc gia và quốc tế
Trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã chủ động xây dựng và triển khai các đề án, quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Mục tiêu của Đề án phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Bình mới trở thành trung tâm du lịch tổng hợp, phát triển theo chiều sâu, có trọng điểm, dựa trên nền tảng tài nguyên đặc sắc về di sản, văn hóa, tôn giáo, sinh thái và nông thôn đặc trưng vùng đồng bằng châu thổ. Tạo bước đột phá về phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn và sức cạnh tranh bền vững.
Phấn đấu đến đến năm 2030, Ninh Bình trở thành một trung tâm du lịch lớn, quan trọng cấp quốc gia và quốc tế, là cực tăng trưởng du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng, đồng thời giữ vai trò là cầu nối chiến lược thúc đẩy liên kết phát triển du lịch của quốc gia. Đến năm 2045, trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, là hạt nhân dẫn dắt phát triển du lịch xanh – thông minh – văn minh của vùng Bắc Bộ và cả nước; là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản – phát huy giá trị văn hóa – ứng dụng công nghệ hiện đại và phát triển kinh tế du lịch bền vững. Đặc biệt, du lịch cùng với ngành công nghiệp văn hóa là cụm ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng vai trò dẫn dắt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sinh kế bền vững và lan tỏa giá trị văn hóa - xã hội.
Ninh Bình trở thành cực tăng trưởng du lịch hàng đầu miền Bắc và cả nước thời gian tới.
Đề án xác định 4 trục giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển gồm: Trục di sản văn hóa – tôn giáo – lịch sử, với các điểm nhấn như cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính. Trục di sản thiên nhiên – sinh thái – bảo tồn, tập trung tại khu danh thắng Tràng An, rừng Cúc Phương, Vân Long. Trục du lịch nông thôn – cộng đồng – ven biển, khai thác các làng nghề, vùng ven biển Kim Sơn. Trục du lịch sáng tạo – văn hóa đương đại – công nghệ cao, phát triển các trung tâm trải nghiệm, công nghệ du lịch số…
Ngoài ra, Ninh Bình đặt mục tiêu duy trì và nâng cao thương hiệu du lịch Ninh Bình gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ninh Bình trở thành biểu tượng kết hợp bảo tồn - phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại và phát triển kinh tế du lịch bền vững. Du lịch cùng với ngành công nghiệp văn hóa là cụm ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đến năm 2030, tỉnh sẽ đón khoảng 25 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 - 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu 25.700 tỷ đồng, đóng góp >10% GRDP, tạo 100.000 việc làm.
Để hiện thực hóa được các mục tiêu trên, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển du lịch cùng với công nghiệp văn hóa trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; Quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch và thị trường khách du lịch; Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và định vị thương hiệu du lịch; Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số phát triển du lịch…
Trên nền tảng của những thành tựu đã đạt được, cùng định hướng đúng đắn, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, du lịch Ninh Bình đang khẳng định quyết tâm vươn mình mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc gia, điểm đến “xanh – thông minh – an toàn – hấp dẫn” của khu vực và thế giới.