Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa đã tạo điều kiện cho các địa phương, nhà trường và giáo viên được linh hoạt trong việc chọn lựa bộ sách phù hợp với điều kiện thực tiễn và đối tượng học sinh.
Trong đó, bộ sách Cánh Diều được đánh giá cao bởi tinh thần đổi mới, nội dung gắn liền với thực tiễn và thiết kế sinh động, khơi dậy sự hứng thú, sáng tạo và tinh thần chủ động trong học tập của học sinh.
Thay đổi sách giáo khoa phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại
Trao đổi với phóng viên, thầy Hoàng Văn Lý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lam Vỹ (Định Hóa, Thái Nguyên) nhấn mạnh rằng việc thay đổi sách giáo khoa theo hướng đa dạng hóa lựa chọn là một bước tiến tích cực và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Theo thầy Lý, chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi phương pháp dạy học phải đổi mới, lấy người học làm trung tâm và chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của học sinh. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa để lựa chọn giúp nhà trường linh hoạt hơn trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với điều kiện học tập thực tiễn địa phương.
Sau một thời gian thực hiện, phần lớn giáo viên của trường đều đánh giá bộ sách Cánh Diều rất phù hợp với đối tượng học sinh của Trường Tiểu học Lam Vỹ. Bởi, khi thầy và trò tiếp xúc với sách này, hiệu quả dạy học tại trường được cải thiện rõ rệt. Học sinh dễ tiếp cận kiến thức, giáo viên dễ truyền đạt, dễ tham khảo để truyền tải nội dung đến các em.
Bên cạnh đó, sách Cánh Diều còn đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới với nội dung gợi mở, phương pháp thiết kế hoạt động học rõ ràng, giúp giáo viên dễ dàng tổ chức các hoạt động khám phá, trải nghiệm và thảo luận nhóm. Điều này giúp học sinh chủ động chiếm lĩnh kiến thức, phát triển kỹ năng tư duy và sáng tạo.

SGK Cánh Diều đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục. Ảnh: website NXB Đại học Sư phạm TP HCM
Đồng tình với quan điểm trên, cô Phan Thị Thúy - giáo viên Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk) cũng cho rằng, sách giáo khoa theo chương trình mới mang lại nhiều thuận lợi rõ rệt cho cả người dạy và người học.
Cô Thúy cho biết, nhìn chung cả ba bộ sách đều đảm bảo được khung chương trình, nội dung cơ bản theo yêu cầu của Bộ. Tuy nhiên, bộ Cánh Diều nổi bật hơn nhờ có nhiều ưu điểm về cả nội dung lẫn hình thức thể hiện.
Cụ thể, nội dung trong sách Cánh Diều được trình bày rõ ràng, có đề mục cụ thể, logic, giúp giáo viên dễ dàng xác định trọng tâm bài học. Hình thức của sách được thiết kế đẹp mắt, trình bày phong phú, màu sắc hài hòa và cuốn hút học sinh.
Đặc biệt, cách triển khai nội dung thường bắt đầu từ vấn đề thực tiễn, gần gũi với cuộc sống rồi mới đi sâu vào kiến thức chuyên môn nên giúp học sinh dễ hiểu và dễ ghi nhớ hơn.
Khi cấu trúc bài học được xây dựng theo hướng gợi mở đã góp phần khuyến khích học sinh tư duy, thảo luận và khám phá kiến thức thay vì tiếp nhận một cách thụ động. Điều đó không chỉ khiến các giờ học trở nên sinh động hơn mà còn tạo điều kiện cho học sinh phát triển kỹ năng tự học và hợp tác.

Cô Phan Thị Thúy - giáo viên Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk). Ảnh: website nhà trường
Sách Cánh Diều đáp ứng tốt các yêu cầu theo Chương trình giáo dục mới
Bộ sách Cánh diều được xuất bản bởi Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các tác giả là những chuyên gia giáo dục hàng đầu biên soạn. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, điểm nổi bật của sách Cánh Diều là cách tiếp cận gần gũi với học sinh, chú trọng kết nối giữa kiến thức và đời sống thực tiễn, giúp các em thấy được ý nghĩa của việc học trong cuộc sống hàng ngày.
Thầy Hoàng Văn Lý cho biết, tại Trường Tiểu học Lam Vỹ, bộ sách Cánh diều không chỉ được lòng giáo viên mà còn nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh nhờ khả năng tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Cụ thể, nội dung sách được trình bày sinh động, dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi tiểu học. Sách còn khuyến khích học sinh chủ động khám phá, phát biểu ý kiến, làm việc nhóm và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề. Nhờ vậy, học sinh dễ dàng tiếp cận kiến thức, không cảm thấy nặng nề hay bị quá tải.
Đặc biệt là sự hệ thống hóa kiến thức rất phù hợp và khoa học. Nội dung trong sách được sắp xếp theo trình tự hợp lý, bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới, giúp học sinh tiếp cận kiến thức theo tiến trình logic, từ dễ đến khó, từ cụ thể đến khái quát.
“Chính sự kết hợp giữa nội dung được hệ thống hóa chặt chẽ và thiết kế thân thiện, gần gũi đã làm nên nét đặc trưng và hiệu quả của bộ sách Cánh Diều, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học”, thầy Lý bày tỏ.

Nội dung sách Cánh Diều được trình bày sinh động, dễ hiểu. Ảnh: website NXB Đại học Sư phạm TP HCM
Trong khi đó theo chia sẻ của cô Thúy, lý do bộ Cánh Diều được giáo viên tại Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (tỉnh Đắk Lắk) lựa chọn cho môn Lịch sử là vì cách viết của sách dễ hiểu hơn và phù hợp với đặc điểm học sinh tại khu vực Tây Nguyên.
Theo đó, cô Thúy nhận xét kiến thức ở 2 bộ sách còn lại có phần hàn lâm hơn, với cách thức truyền tải kiến thức có thể khiến học sinh cảm thấy khó tiếp cận, nhất là với những học sinh chưa vững kiến thức nền tảng.
Ngược lại, sách Cánh Diều lại có phương pháp thiết kế bài học linh hoạt và dễ tiếp cận, giúp học sinh nắm bắt kiến thức một cách tự nhiên và dễ dàng. Cách trình bày trong bộ sách này không hề cao siêu hay khó hiểu mà nhẹ nhàng, gần gũi, làm cho học sinh cảm thấy thoải mái khi học lịch sử.
Ngoài yếu tố dễ hiểu, sách mang đến một phương pháp giảng dạy linh hoạt, đổi mới hơn so với hai bộ sách còn lại, nhấn mạnh sự tham gia chủ động của học sinh vào quá trình học.
Thay vì chỉ đơn giản truyền thụ kiến thức, sách Cánh Diều thiết kế các bài học theo hướng gợi mở, khuyến khích học sinh thảo luận, phân tích và tìm kiếm kiến thức một cách chủ động. Những hoạt động học tập tích cực này giúp học sinh không chỉ ghi nhớ mà còn hiểu sâu, vận dụng tốt kiến thức vào thực tiễn.

Sách Lịch sử 10 bộ Cánh Diều. Ảnh: website NXB Đại học Sư phạm TP HCM
Một điểm đặc biệt đáng chú ý của bộ sách Cánh Diều là việc lồng ghép lịch sử địa phương vào một số bài học, giúp học sinh cảm nhận được mối liên hệ chặt chẽ giữa kiến thức lịch sử chung và thực tiễn đời sống ngay tại quê hương của mình. Thay vì chỉ học các sự kiện lịch sử toàn cầu hay quốc gia, học sinh có cơ hội khám phá những câu chuyện, nhân vật lịch sử, sự kiện có liên quan trực tiếp đến địa phương nơi các em sinh sống, từ đó làm phong phú thêm sự hiểu biết của mình về quá khứ và hiện tại.
Tại Trường Tiểu học Lam Vỹ (Định Hóa, Thái Nguyên) và Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk), việc lựa chọn bộ sách giáo khoa được nhà trường thực hiện một cách dân chủ, minh bạch, khách quan và đúng quy trình.
Khi nhận được chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lựa chọn sách giáo khoa, các tổ chuyên môn trong trường đã được tạo điều kiện để nghiên cứu kỹ lưỡng từng bộ sách. Mỗi giáo viên sẽ đọc, đánh giá, so sánh giữa các bộ sách, đặc biệt là những điểm liên quan trực tiếp đến việc tổ chức dạy học theo đặc thù bộ môn và trình độ học sinh.
Từ những ý kiến đóng góp này, tổ chuyên môn tổng hợp và đề xuất lên Ban giám hiệu. Cuối cùng, Hội đồng nhà trường sẽ họp và đưa ra quyết định lựa chọn bộ sách giáo khoa chính thức cho năm học, đảm bảo sự đồng thuận và phù hợp cao nhất.
Sau một thời gian tiếp xúc, sử dụng bộ Cánh Diều, giáo viên đều đánh giá cao những thay đổi tích cực trong hoạt động dạy và học mà bộ sách mang lại.
Sơn Minh