
Từ ngày 1-7-2025, ba Sở Y tế gồm TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức sáp nhập - Ảnh: TL
Sau khi sáp nhập với 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu, thành phố mang tên Bác chính thức trở thành đô thị y tế lớn nhất cả nước, với dân số tăng từ 10 lên 14 triệu người, diện tích mở rộng gấp 3 lần, đạt 6.700 km². Năng lực ngành y tế TP.HCM được đánh giá là có nhiều điểm tích cực lẫn thách thức đáng chú ý.
Việc sáp nhập không chỉ là tinh gọn bộ máy hành chính, giảm số lượng đầu mối quản lý, tránh chồng chéo giữa các đơn vị; mà còn tăng cường hiệu quả chỉ đạo, điều hành tập trung. Giúp tối ưu hóa nguồn nhân lực khi nhân sự được phân bổ lại hợp lý, phù hợp với nhu cầu và năng lực từng cá nhân. Giảm tình trạng trùng lặp vị trí công việc giữa các đơn vị cũ.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm (ngày 9/7), lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng đã liệt kê những con số khổng lồ của Ngành y tế TP.HCM sau sáp nhập. Với quy mô và năng lực hệ thống y tế TP.HCM (mới) gồm 164 bệnh viện (14 thuộc Bộ Y tế, 60 công lập, 90 ngoài công lập); 49.792 giường bệnh, tăng gần 9.000 giường sau sáp nhập; 42 triệu lượt khám sẽ tăng lên 51 triệu lượt/năm; 3,8 triệu lượt điều trị nội trú/năm, chiếm 23% cả nước. Y tế cơ sở và hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh gồm 10.627 phòng khám tư, trong đó 417 phòng khám đa khoa; 15.611 nhà thuốc, cơ sở dược; 38 Trung tâm Y tế (22 TPHCM, 9 Bình Dương, 7 BR-VT); 168 Trạm y tế, 298 điểm y tế - nhưng mới chỉ 164 trạm đạt chuẩn diện tích.
Áp lực sẽ đi kèm với mở rộng, hiện một số bệnh viện lớn đang được gấp rút xây dựng, như BVĐK Bình Dương là 1.500 giường, 16ha, hoàn thành cuối 2025; BV An Bình (giai đoạn 2) và BVĐK Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sắp đưa vào hoạt động. Thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục quy hoạch thêm các trạm y tế đạt chuẩn theo hướng trở thành “bệnh viện mini”, diện tích tối thiểu 500m².

Việc hợp nhất không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để ngành y tế TP phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN - Ảnh: TL
Địa phương cũng đang hướng tới hệ thống quản lý tập trung, hiện đại, với 13 trung tâm không giường bệnh từ ba địa phương sẽ hợp nhất thành 5 trung tâm lớn, gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Pháp y; Trung tâm Y khoa; Trung tâm Cấp cứu 115; Trung tâm Kiểm định xét nghiệm. Mạng lưới an sinh xã hội mở rộng gồm 110 trung tâm bảo trợ xã hội; 15 công lập; 95 ngoài công lập.
Bên cạnh những con số khổng lồ, thì việc sáp nhập cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Đó là việc nhiều nhân viên y tế tuyến phường/xã xin nghỉ việc do áp lực tăng và chế độ chưa phù hợp; tình trạng thiếu bác sĩ, điều dưỡng ở cấp cơ sở vẫn còn phổ biến. Tăng khối lượng công việc do gộp nhiều chức năng, nhân viên y tế phải đảm nhiệm nhiều đầu việc hơn, dẫn đến quá tải; chất lượng phục vụ có nguy cơ giảm nếu không có chính sách hỗ trợ hợp lý. Khó khăn trong chuyển đổi mô hình hoạt động khi một số đơn vị gặp khó khăn trong điều phối nội bộ, thay đổi quy trình làm việc, hoặc chưa đồng bộ về cơ sở vật chất, công nghệ thông tin.
TP.HCM hiện không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là trung tâm y tế khổng lồ, chiếm hơn 30% khám ngoại trú và 23% điều trị nội trú toàn quốc. Tuy nhiên, đi kèm đó là bài toán lớn về hạ tầng, giường bệnh, và y tế cơ sở - đòi hỏi phải có đổi mới mô hình hoạt động, ứng dụng công nghệ, và cải thiện chính sách nhân sự để đảm bảo vận hành hiệu quả.

Bệnh viên Nhân dân Gia Định - Một địa chỉ uy tín trong chăm sóc sức khỏe của Thành phố. Ảnh: TL
Theo đó, lãnh đạo TP.HCM cũng xác định nhiệm vụ, chính là cần từng bước cải thiện năng lực sau sáp nhập như tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở; trong đó nâng chế độ đãi ngộ, bổ sung nhân sự, cải thiện cơ sở vật chất; đào tạo lại và bồi dưỡng nghiệp vụ liên ngành như đảm bảo nhân viên có đủ năng lực thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, với hệ thống hóa dữ liệu y tế, giảm gánh nặng thủ công, tăng năng suất. Đi kèm với đề cao việc đánh giá tác động của sáp nhập theo quý/năm để điều chỉnh kịp thời./.