27/04/2025 lúc 13:24 (GMT+7)
Breaking News

Truyền thông quốc tế thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - EU

Truyền thông quốc tế đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Thông qua việc lan tỏa hình ảnh, chính sách và tiềm năng phát triển của Việt Nam, truyền thông giúp tăng cường hiểu biết, tạo niềm tin và mở ra nhiều cơ hội kết nối kinh tế giữa hai bên.
Truyền thông quốc tế thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - EU

Quan hệ kinh tế Việt Nam – EU trong thương mại song phương

Những năm vừa qua, bất chấp nhiều khó khăn, thách thức từ đại dịch hay bất ổn địa chính trị, xung đột thương mại trên trường quốc tế, EU vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và vị thế đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Có được những thành tựu to lớn này không thể không nhắc tới cột mốc thực thi Hiệp định thương mại tự do EVFTA từ gần 5 năm trước. Sau 4 năm thực thi Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU liên tục tăng, từ 48,9 tỷ USD năm trước khi Hiệp định có hiệu lực lên 63,7 tỷ USD vào năm thứ 4 Hiệp định có hiệu lực, với mức tăng trưởng bình quân 7%/năm. Đồng thời, xuất khẩu sang thị trường EU tăng bình quân 8,7%/năm, nhập khẩu từ thị trường EU tăng bình quân 2,8%/năm. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam đang là quốc gia có thị phần lớn nhất trong các nước khối ASEAN xuất khẩu vào EU. Riêng trong tháng 7 năm ngoái, Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU ước tính đạt 20,1 tỉ USD. Những số liệu trên cho thấy trong mối quan hệ thương mại với EU, Việt Nam đang hưởng lợi rất lớn nhờ việc tiếp cận được một thị trường có tiềm năng tiêu dùng lớn và có những yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu cao.

Việc hàng hóa xuất khẩu chủ lực Việt Nam tiếp cận được thị trường Châu Âu cũng mở ra cho đất nước nhiều cánh cửa mới để tiếp cận được với những thị trường cũng đặt ra những tiêu chuẩn tương đồng với Châu Âu. Đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe khắt khe của thị trường Châu Âu về các mặt nguồn gốc, chất lượng, mức độ thân thiện với môi trường của từng sản phẩm cũng là động lực để Việt Nam thay đổi bộ mặt của nền kinh tế trong nước theo hướng hiện đại hóa, nhất là đối với ngành nông nghiệp còn tương đối chậm chạp trong đổi mới của đất nước.

Quan hệ kinh tế Việt Nam - EU trong thu hút đầu tư

Nhiều hơn cả những lợi ích thương mại, EVFTA đã và đang góp phần củng cố vị thế của Việt Nam với vai trò là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư của các nước Châu Âu. Đến nay, EVFTA đã góp phần đưa EU lên vị trí thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 28 tỷ Euro vào 2.450 dự án. Đáng chú ý, Việt Nam đã chiếm lĩnh được niềm tin của doanh nghiệp EU vào nền kinh tế và thu hút được hơn 800 triệu Euro đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh xu thế FDI toàn cầu suy giảm. Hết nửa đầu năm 2024, Hà Lan là quốc gia có số vốn đầu tư lớn nhất trong số các quốc gia thuộc EU vào Việt Nam với 14,56 tỷ USD cho 441 dự án.

Như vậy với những ghi nhận tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực thương mại và thu hút đầu tư từ khu vực Châu Âu vượt bậc kể từ khi EVFTA có hiệu lực, chúng ta vẫn phải nhìn nhận rằng tiềm năng phát triển kinh tế mà Việt Nam có thể khai thác được từ EU là còn rất lớn. Nhất là khi tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn thấp, mới chỉ chiếm trên 2% quy mô dung lượng thị trường của EU. Ở khía cạnh thu hút đầu tư, số lượng dự án được EU đầu tư vào Việt Nam có tăng mạnh nhưng quy mô trung bình của các dự án có vốn đầu tư từ EU lại thấp hơn so với bình quân chung. Những chính sách đổi mới kinh tế theo hướng hiện đại hóa, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Châu Âu, cùng với các chính sách thúc đẩy đầu tư ngày càng thuận lợi, cởi mở, minh bạch của chính phủ Việt Nam, truyền thông quốc tế trở thành công cụ quan trọng trong việc tuyên truyền, trở thành một cầu nối thông tin giữa các cộng đồng, gia tăng niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và công chúng Châu Âu nhằm sử dụng tốt nhất các nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng từ mối quan hệ kinh tế với EU.

Công tác truyền thông quốc tế thúc đẩy đầu tư

Trong mối quan hệ thương mại song phương của Việt Nam với EU, công tác truyền thông quốc tế đang đóng một vai trò là công cụ thông tin hai chiều: Một chiều tiếp nhận các thông tin từ thị trường Châu Âu, hiểu người tiêu dùng Châu Âu, hiểu về doanh nghiệp Châu Âu và các chính sách, cam kết của khu vực để thực hiện thay đổi mặt bằng chung của kinh tế quốc gia theo hướng phù hợp các tiêu chuẩn Châu Âu; Một chiều thực hiện công tác công tác thông tin những thay đổi trong chính sách tới phía doanh nghiệp khu vực EU. Tiếp cận thị trường Châu Âu vừa là cơ hội, vừa là thách thức, phần nhiều đến từ các tiêu chuẩn khắt khe của khu vực. Vào cuối năm 2018 Việt Nam đã từng nhận thẻ vàng từ Uỷ ban Châu Âu đối với xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vì vi phạm quy định chống đánh bắt trái phép theo tiêu chuẩn khu vực EU. Một điều mà Việt Nam học được từ sự việc trên đó là thói quen tiêu dùng của người dân các nước khối EU thường quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, chính vì vậy mà để một sản phẩm xuất khẩu được vào thị trường EU cũng cần phải đáp ứng yêu cầu đó. Một sản phẩm thủy sản có thể có chất lượng rất cao nhưng nếu bị đánh bắt không đúng cách cũng sẽ lọt vào danh sách cấm của hàng hóa nhập khẩu lưu hành trong khu vực Châu Âu. Trong những năm qua ngành khai thác thủy hải sản Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng để cải thiện việc khai thác sao cho bền vững và bảo vệ môi trường hơn, tuy nhiên những nỗ lực đáng được ghi nhận đó vẫn chưa đủ để EU gỡ thẻ vàng cho các mặt hàng thủy sản có nguồn gốc từ Việt Nam. Trong thách thức đó Việt Nam cũng đã tìm được nhiều điểm sáng trong việc cải thiện ngành khai thác thủy hải sản nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời gian trở lại đây.

Truyền thông quốc tế không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh và tiềm năng phát triển của Việt Nam, mà còn là kênh cung cấp thông tin quan trọng về xu hướng tiêu dùng, chính sách và quy chuẩn của các thị trường xuất khẩu lớn tại EU. Nhờ đó, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng có thể chủ động điều chỉnh chiến lược, cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường đối tác, từ đó thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương phát triển bền vững.. Công tác truyền thông quốc tế thực hiện vai trò cầu nối thông tin ở chiều còn lại khi truyền tải những thông tinh, hình ảnh phía Việt Nam về công tác thực hiện cải thiện ngành đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững hơn, góp phần thay đổi cái nhìn tiêu cực của Uỷ ban Châu Âu và người tiêu dùng trong khu vực về các mặt hàng thủy sản có nguồn gốc từ Việt Nam. Việt Nam đã định hình được rằng EU là đối tác đi đầu với những cam kết và hành động mạnh mẽ trong chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với năng lượng sạch, bền vững, bảo vệ môi trường. Từ đó, công cụ truyền thông quốc tế cũng thúc đẩy một hình ảnh Việt Nam chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất, tiêu dùng bền vững, thương mại bền vững, đáp ứng các chính sách xanh của EU.

Ở khía cạnh thúc đẩy vốn đầu tư từ EU, các công cụ truyền thông quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thúc đẩy các nguồn FDI không chỉ ở thị trường Châu Âu mà trên toàn thế giới. Qua các buổi họp báo, tọa đàm quốc tế hay các nền tảng số liên quốc gia, doanh nghiệp từ khu vực EU có thể tìm thấy thông tin về các chính sách thúc đẩy đầu tư của Việt Nam như khuyến mãi về thuế cho đầu tư FDI, thuận tiện trong thủ tục hành chính, minh bạch trong chính sách đầu tư, cơ sở hạ tầng đáp ứng, nguồn nhân lực ổn định, năng động trong công tác xúc tiến đầu tư và nhiều yếu tố thu hút FDI khác thuộc thế mạnh của Việt Nam. Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, truyền thông quốc tế thông qua các sự kiện, diễn đàn quốc tế và cần phải huy động một lực lượng truyền thông lớn hơn, truyền tải có hiệu quả những thế mạnh thúc đẩy đầu tư của mình, song song với đó là những cam kết đáp ứng các tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh của EU, thể hiện rõ mong muốn thay đổi để hợp tác lâu dài, đôi bên cùng có lợi.

Ngoài ra, nhắc đến thị trường Châu Âu chúng ta cũng cần phải quan tâm tới khía cạnh truyền thông thông qua các nền tảng số, một điều mà chúng ta cần phải cố gắng rất nhiều để bắt kịp với những tiến bộ trong chuyển đổi số ở khu vực Châu Âu hay ở nhiều quốc gia phát triển khác. Số hóa công tác tuyên truyền, thúc đẩy giao thương với EU thông qua các diễn đàn mạng, xây dựng các nền tảng trực tuyến, thúc đẩy các cầu nối tương tác, các cuộc hội thoại giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước một cách nhanh chóng thuận tiện, nhanh chóng hơn. Từ việc giải quyết được nhanh chóng hơn các thắc mắc đơn giản như ai ở đâu, làm gì, cần gì, thông qua các nền tảng số như vậy, công tác tuyên truyền cũng đã trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn rất nhiều.

Trương Việt Thành

...