18/07/2025 lúc 21:22 (GMT+7)
Breaking News

Từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm soát thị trường tại Thanh Hóa: Ngăn chặn buôn lậu và gian lận thương mại

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tích cực, chủ động trong điều hành, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên, phối hợp tốt giữa các lực lượng trên địa bàn trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh.
Tuyên truyền hộ kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Từ đầu năm đến nay, công tác tổ chức chỉ đạo và triển khai hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thực hiện đảm bảo thường xuyên, kịp thời. Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm ATTP trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện ở rất nhiều phân khúc của thị trường, nhiều địa bàn nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để. Hiệu quả trong công tác đấu tranh chưa cao và còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, kinh doanh bán hàng trực tuyến, gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế, thực phẩm bẩn, thuốc giả,...

Đội Quản lý thị trường số 2 tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về thương mại điện tử tại phường Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Theo Ban Chỉ đạo 389, công tác chống buôn lậu, đấu tranh với các vi phạm pháp luật trong sản xuất, vận chuyển và kinh doanh hàng cấm được triển khai thực hiện quyết liệt từng bước đạt được những kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng của tỉnh đã xử lý 300 vụ vi phạm (trong đó: Chuyển khởi tố hình sự 194 vụ; xử lý vi phạm hành chính 106 vụ, phạt tiền 638 triệu đồng); hàng hóa vi phạm gồm 12,977 gram heroin, 14.287 viên và 97,858 gram ma túy tổng hợp, 307,63kg pháo nổ, 5.435 m³ gỗ, 61 cá thể động vật hoang dã, 10.520 bao thuốc lá, 7.747 linh kiện điện thoại, 83 máy hút thuốc lá điện tử...

Công tác chống gian lận thương mại tiếp tục được tăng cường, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, qua đó đã phát hiện, xử lý 1.245 vụ, phạt tiền vi phạm 36,297 tỉ đồng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hành chính 161 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, phạt tiền 951 triệu đồng; xử lý 51 vụ vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, phạt tiền 407 triệu đồng; xử lý 388 vụ vi phạm về quản lý thuế, phạt tiền 33,961 tỉ đồng, truy thu thuế 117,887 tỉ đồng...

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Thanh Hoá triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng. (ảnh CA Thanh Hoá)

Đặc biệt, thời gian qua lực lượng Công an Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh, triệt xóa nhiều đường dây sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại. Điển hình như: Triệt phá thành công đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn, bắt giữ 14 đối tượng, thu giữ hàng nghìn sản phẩm thuốc các loại cùng các máy móc, thiết bị, trong đó đã xác định có 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả là gần 10 tấn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng.

Triệt phá đường dây sản xuất gia công các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả các thực phẩm giảm cân, thực phẩm bổ não, thực phẩm làm đẹp dành cho phụ nữ, thực phẩm bổ mắt dành cho trẻ em, sữa uống dành cho người già, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày…, thu giữ hơn 4.000 thùng hàng là thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng với hơn 100 mã hàng, hơn 60.000 sản phẩm và hàng nghìn vỏ bao bì giả. Tổng số tiền hàng hóa ước tính hơn 10 tỷ đồng.

Triệt phá thành công đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả là 20.000 hộp viên hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm giả, với giá trị tương đương khoảng 50 tỷ đồng; Bắt nhóm đối tượng sản xuất bán ra thị trường hàng nghìn lọ thực phẩm chức năng giảm đau xương khớp nhãn hiệu “Khớp Tây Bắc, Cao Tây Bắc” giả, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng; Triệt phá cơ sở sản xuất, buôn bán số lượng lớn mỹ phẩm giả gồm 24 loại mỹ phẩm khác nhau như: kem tẩy trang, kem dưỡng da, serum trị mụn, kem làm trăng da…

Khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với đối tượng Nguyễn Khánh Tùng, sinh năm 1973 thường trú tại phường Cửa Nam, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An về tội “Buôn lậu”. Đây là đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu lớn các hàng hóa là giầy, dép, thắt lưng, ví, túi có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng.

Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống hàng giả của Công an tỉnh Thanh Hóa đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thương hiệu của doanh nghiệp chân chính. Thông qua công tác điều tra, xử lý các vụ án hàng giả, lực lượng Công an đã góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Vơi vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa, cho biết: “Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị. Trong đó, cùng với các ngành chức năng của tỉnh, lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của các Bộ, Ngành, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình từ sớm, từ xa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp nhận diện hàng giả, hàng kém chất lượng, từ đó tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh”.

Có thể thấy, việc triển khai có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng, bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

Hải Nam