15/05/2025 lúc 18:05 (GMT+7)
Breaking News

Văn hóa hy sinh và truyền cảm hứng của những cán bộ ‘dám nghĩ’ vì tinh gọn bộ máy

Trong công cuộc đổi mới đất nước, tinh gọn bộ máy là một nhiệm vụ mang tính cấp bách, chiến lược. Đó không chỉ là bài toán về hiệu quả quản lý, mà còn là thước đo cho lòng dũng cảm, ý chí cống hiến và sự hy sinh lợi ích cá nhân vì sự phát triển chung của đất nước. Đã có nhiều, rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện xin nghỉ hưu sớm hoặc nghỉ chờ hưu để góp phần vào công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã để lại trong lòng xã hội những cảm xúc đặc biệt, đáng trân trọng.
Văn hóa hy sinh và truyền cảm hứng của những cán bộ ‘dám nghĩ’ vì tinh gọn bộ máy

Dám từ bỏ để tạo cơ hội

Thực tiễn minh chứng, qua gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đạt những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Việt Nam từ nền kinh tế kém phát triển, có thu nhập thấp, đến nay đã trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Từ năm 1986 đến 2020, thu nhập bình quân đầu người tăng 17 lần; năm 2024, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.622,54USD. Những số liệu trên đã minh chứng rõ ràng, công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với xu thế đổi mới và hội nhập quốc tế, cũng như thực tiễn Việt Nam; phù hợp với đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, tạo được sự ủng hộ, đồng tình, nhất trí cao của nhân dân.

Thời gian qua từ trung ương tới địa phương, ở các cấp, các ngành đều đã và đang triển khai quết liệt, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Kết luận số 121-KL/TW, ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả); Kết luận số 126-KL/TW, ngày 14/02/2025, Kết luận số 127-KL/TW, ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; để việc sáp nhập đơn vị hành chính theo mô hình địa phương 2 cấp bảo đảm đúng mục tiêu tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả gắn với tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Để cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm thắng lợi, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi.

Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước ta, với mục đích rõ ràng, hoàn toàn không có chuyện “làm cho có”, “chỉ là hình thức” hay “tranh giành quyền lực” như các thế lực thù địch xuyên tạc, rêu rao.

Theo luật và quy định hiện hành, những cán bộ đảng viên thuộc diện sắp xếp hoàn toàn có thể ở lại công tác thêm vài tháng, thậm chí vài năm. Họ có quyền nhận lương, phụ cấp và các chế độ chính đáng mà mình đã cống hiến suốt một thời gian dài. Thế nhưng, họ chọn cách "dám nghỉ" – một quyết định không hề dễ dàng, bởi nó không chỉ liên quan đến quyền lợi cá nhân mà còn là sự từ bỏ thói quen, công việc đã gắn bó.

Hành động ấy thể hiện một tinh thần trách nhiệm cao, một ý thức sâu sắc về vai trò cá nhân trong việc hỗ trợ cải cách bộ máy. Họ hiểu rằng, việc ra đi đúng thời điểm không chỉ giúp giảm tải gánh nặng cho ngân sách, mà còn mở ra cơ hội cho những nhân sự trẻ tuổi, có tư duy đổi mới và năng lực sáng tạo.

Văn hóa hy sinh và truyền cảm hứng

Từ nhận thức tới hành động, việc làm, bằng sự nêu gương, tiên phong đầy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu trong quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy đã lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động những công chức, viên chức xung quanh và càng thể hiện rõ tinh thần “chỉ bàn làm không bàn lùi”. Đây là nguồn sức mạnh quan trọng trong triển khai sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Sự hy sinh này không chỉ đơn thuần là từ bỏ quyền lợi vật chất, mà còn là việc rời xa một môi trường làm việc quen thuộc, nơi họ từng dành nhiều năm tâm huyết và đã cống hiến. Đằng sau quyết định "dám nghỉ" là một tinh thần cống hiến thầm lặng, vì lợi ích chung của tập thể và quốc gia.

Những cán bộ này đã chọn cách đóng góp cho đất nước bằng một con đường khác – không phải ở lại làm việc, mà là nhường chỗ, tạo không gian cho sự vận hành mới của bộ máy. Điều này phản ánh một văn hóa hy sinh và một tầm nhìn xa, đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân.

Những cán bộ “dám nghỉ” đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về lòng yêu nước và trách nhiệm xã hội. Họ là những tấm gương sáng về sự hy sinh, dám từ bỏ để đổi mới, sẵn sàng đặt lợi ích cộng đồng lên trên những toan tính cá nhân.

Quyết định của họ còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: họ không chỉ góp phần giúp bộ máy tinh gọn hơn, mà còn đặt nền móng cho một văn hóa chính trị mới – văn hóa phục vụ, hy sinh, và trách nhiệm.

Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sự hy sinh thầm lặng của những cán bộ "dám nghỉ" là một minh chứng sinh động cho lòng dũng cảm và ý chí cống hiến vì đất nước. Họ là những “người hùng thầm lặng,” không chỉ góp phần thay đổi cấu trúc bộ máy mà còn truyền cảm hứng và khơi dậy ý thức trách nhiệm trong mỗi người dân Việt Nam.

Hành động của họ là lời nhắc nhở rằng, trong bất kỳ cuộc cách mạng nào, sự thay đổi không chỉ nằm ở cơ chế hay chính sách, mà còn bắt đầu từ sự thay đổi trong tư duy và hành động của từng cá nhân. Và chính những hy sinh thầm lặng như vậy đã và đang làm nên sức mạnh để Việt Nam tiến bước vững chắc trong kỷ nguyên mới.

Tháng 4/2025

TRẦN MIÊU

...