17/07/2025 lúc 19:08 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam đạt thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ: Dấu mốc quan trọng

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tối 02/7 theo giờ Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước.

Ảnh minh họa - TL

Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp của quan hệ song phương. Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump hoan nghênh việc hai đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.

Trong cuộc điện đàm, tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết dành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Mỹ. Ông khẳng định Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump cũng đã trao đổi một số phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong những năm tới. Hai nhà Lãnh đạo đã thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt, đột phá như khoa học, công nghệ cao.

Không lâu sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam – Hoa Kỳ, các hãng truyền thông lớn như Reuters, Financial Times, Bloomberg, Nikkei…. đồng loạt cập nhật thông tin Mỹ và Việt Nam đạt được thỏa thuận thương mại mới, coi đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ thương mại quốc tế, với những tác động đáng kể đến cả hai nền kinh tế cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, tờ Financial Times nhấn mạnh, Việt Nam là “một trong số ít quốc gia vừa đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ”, phản ánh vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu, trong bối cảnh nhiều đối tác thương mại của Mỹ đang chạy đua để đạt được thỏa thuận.

Theo thoả thuận đạt được, hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ sẽ chịu mức thuế quan 20%. Việt Nam cũng cho phép các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam, với mức thuế bằng 0%. Việt Nam đồng ý rằng các mặt hàng có nguồn gốc từ nước khác nhưng được chuyển sang Việt Nam để xuất khẩu tiếp sang Mỹ – một hình thức gọi là chuyển tải thương mại (transshipping) – sẽ bị đánh thuế 40%.

Theo thoả thuận đạt được, tuy mức thuế của hàng hoá Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ đã giảm nhiều so với mức thuế phía Hoa Kỳ dự định ban đầu (46%), nhưng thực tế đó vẫn đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam. Mức thuế 20% đối với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ sẽ ảnh hưởng đáng kể tới các ngành như dệt may, da giày, điện tử, vốn là những lĩnh vực chủ lực trong cơ cấu xuất khẩu. Đồng thời các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng linh kiện từ Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với chi phí gia tăng do yêu cầu minh bạch chuỗi cung ứng và xuất xứ sản phẩm.

Tuy nhiên, việc giữ vững thị trường Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay, được xem là ưu tiên chiến lược. Với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 137 tỷ USD trong năm 2024 và Việt Nam đang là quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ (chỉ sau Trung Quốc và Mexico), nếu rủi ro mất thị trường Mỹ có thể sẽ kéo theo những hệ lụy sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế.

Một số chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá rằng, đây mới chỉ là thỏa thuận khung, chưa có ràng buộc pháp lý cụ thể. Các nội dung then chốt như việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, mở rộng hợp tác công nghệ, cũng như thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Đứng giữa một lựa chọn mang tính chiến lược: Việt Nam nhượng bộ có tính toán để bảo toàn thị trường, đồng thời tận dụng thỏa thuận này như một đòn bẩy tái cơ cấu chuỗi cung ứng và nâng cao tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây cũng là vấn đề rất quan trọng cần nhìn nhận thấu đáo để có những giải pháp phù hợp hơn nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế./.

VNHN