Theo CBS News, Nhà Trắng cũng đang cân nhắc áp dụng mức thuế đồng loạt từ 15% đến 20% đối với phần lớn các đối tác thương mại toàn cầu. Dự kiến, Liên minh châu Âu (EU) và Canada sẽ nhận được thư chính thức về mức thuế này vào ngày 11/7.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng, Washington, D.C - Ảnh: THX/TTXVN
Trước đó, Tổng thống Trump đã gửi thư thông báo đến lãnh đạo 14 quốc gia, trong đó nêu rõ các mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ:
25%: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan, Tunisia
30%: Nam Phi, Bosnia & Herzegovina
32%: Indonesia
35%: Bangladesh, Serbia
36%: Campuchia, Thái Lan
40%: Lào, Myanmar
Các văn bản đồng thời lưu ý, nếu các quốc gia này có các đề xuất điều chỉnh phù hợp, chính sách thuế có thể được xem xét gia hạn hoặc điều chỉnh.
Tiếp theo đó, ngày 9/7, Mỹ tiếp tục thông báo thuế quan đối với 8 quốc gia khác gồm: Brazil, Sri Lanka, Algeria, Iraq, Libya, Moldova, Brunei và Philippines, với mức thuế từ 20% đến 50%.
Mỹ ưu tiên thuế quan thấp hơn cho châu Á
Trong bối cảnh chính sách thuế mới đang gây quan ngại toàn cầu, chính quyền Mỹ phát tín hiệu "mềm mỏng" hơn với khu vực châu Á. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á, cho biết: “Tôi tin rằng khi tiến trình đàm phán hoàn tất, nhiều quốc gia Đông Nam Á sẽ đạt được mức thuế quan thuận lợi hơn so với các khu vực khác trên thế giới.”
Ông Rubio nhấn mạnh các cuộc đàm phán thuế quan với Nhật Bản sẽ tiếp tục vào tuần tới, đồng thời khẳng định ASEAN là khu vực được Mỹ ưu tiên thiết lập mối quan hệ thương mại ổn định và bền vững.
EU và các đối tác thương mại tìm cách thích ứng
Thông báo thuế quan của Mỹ đã tạo ra phản ứng dây chuyền trên toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra quan ngại sâu sắc, đồng thời bắt đầu hành động nhằm đa dạng hóa các đối tác thương mại, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, hiện khoảng 80% kim ngạch thương mại của EU đến từ các quốc gia ngoài Mỹ, và việc mở rộng hợp tác với các khu vực khác là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Pháp – Italy lần thứ 7, bà Ursula nhấn mạnh: “EU sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ để duy trì mức thuế quan ở mức thấp nhất, đồng thời tìm kiếm sự ổn định cho doanh nghiệp trong khối.”
Các nền kinh tế lớn tại châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản cũng khẳng định lại cam kết với hệ thống thương mại đa phương, nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự thương mại công bằng và ổn định trong bối cảnh địa chính trị biến động.