
Sân bay Rạch Giá là dự phòng cho sân bay Phú Quốc trong các sự kiện quốc tế như Tuần lễ cấp cao APEC 2027 - Ảnh: TL
Sân bay Rạch Giá là sân bay nội địa cấp 3C, hiện do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý. Sân bay khai thác chính tuyến bay Rạch Giá – TP.HCM, bằng máy bay ATR 72 hoặc tương đương. Đường băng dài 1.500m, chưa đủ điều kiện tiếp nhận các loại máy bay thân rộng, tầm trung. Công suất hiện tại khoảng 200.000 lượt khách/năm, nhưng tiềm năng khai thác cao hơn nhiều.
Mục tiêu mở rộng và nâng cấp đường băng đạt tiêu chuẩn tiếp nhận máy bay Airbus A320, A321; mở rộng nhà ga hành khách, bãi đỗ, hạ tầng phụ trợ và đường lăn; đảm bảo phục vụ 500.000 - 1.000.000 lượt khách/năm trong giai đoạn 2030–2045; kết nối đồng bộ với tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và các cảng biển trọng điểm của Kiên Giang.

Sân bay Rạch Giá là động lực phát triển kinh tế – xã hội – du lịch khu vực ĐBSCL và ven biển Tây Nam - Ảnh: TL
Dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - du lịch vùng ven biển Rạch Giá, U Minh Thượng và đảo Hòn Tre. Tăng năng lực phòng thủ – an ninh biên giới biển, hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn và phòng chống thiên tai. Giảm tải cho sân bay Phú Quốc và tạo kết nối đa trung tâm giao thông hàng không ở miền Tây. Dự án còn có ý nghĩa quan trọng khi sân bay Rạch Giá là cảng dự bị cho sân bay Phú Quốc, phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2027. Tỉnh đề xuất Thủ tướng giao ACV làm chủ đầu tư, hoàn thành dự án trong quý II/2027.
Địa phương đang lập quy hoạch chi tiết thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, với mục tiêu nâng cấp sân bay đạt chuẩn cấp 4C, hướng tới 4E và sân bay quân sự cấp II, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng.
Sân bay Rạch Giá được xây từ năm 1979, nâng cấp năm 2007 với công suất 200.000 khách/năm. Tuy nhiên, lượng khách đã giảm mạnh trong 3 năm gần đây, chỉ còn hơn 9.500 khách vào năm 2024. Theo quy hoạch hàng không quốc gia, sân bay này sẽ đạt 500.000 khách vào năm 2030 và 1 triệu khách vào năm 2050./.