Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương phải được đánh giá, kiểm định một cách chính xác, khoa học, đảm bảo kiến thức, kỹ năng và thái độ ứng với từng vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước.

Ảnh minh họa - TL
1. Vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[1]; “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém"[2]. “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[3]. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ phải theo phương châm: Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[4]. Như vậy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải thiết thực, toàn diện, nghĩa là phải nắm chắc mục đích, yêu cầu để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phải luôn gắn lý luận với thực tiễn.
Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ và năng lực làm việc cho cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý nói riêng là công việc thường xuyên diễn ra trong suốt cuộc đời của người công chức kể từ khi bước vào nền công vụ cho đến khi họ rời khỏi nền công vụ. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định đến sự thành công của công cuộc cải cách hành chính nhà nước nói chung; cải cách chế độ công vụ, công chức nói riêng.
Quán triệt và thực hiện nghiêm Quy định số 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức năm 2019 và Luật Viên chức năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Một trong những nội dung quan trọng được quy định Ngày 18/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về đẩy mạnh bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, đào tạo, bồi dưỡng phải dựa vào các nguyên tắc: căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn quy hoạch với bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh; đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với công tác sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị.
Từ những vấn đề đặt ra cho thấy sự cần thiết phải nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương.
2. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ và hội nhập quốc tế trong thời gian tới cần bám sát các căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý cũng như yêu cầu thực tiễn về năng lực của cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, đó là: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với công cuộc cải cách hành chính, cải cách công vụ; kết hợp hài hòa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý với đào tạo, bồi dưỡng công chức khác tránh trùng lặp về nội dung chương trình, kiến thức; đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào tiêu chuẩn, chức danh lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm gắn với đặc thù ngành nghề, lĩnh vực và địa phương cũng như việc hoàn thiện chính sách quản lý công chức theo vị trí công tác hiện nay. Từ yêu cầu nêu trên, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Trước hét, đổi mới quy trình xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính nhà nước. Xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng chính là bước đầu tiên trong quy trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Nếu bước xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng chính xác thì những bước tiếp theo của quá trình đào tạo, bồi dưỡng như: xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá đào tạo, bồi dưỡng cũng sẽ chính xác, đáp ứng được mục tiêu đề ra. Để đánh giá chính xác khoảng trống về kiến thức, kỹ năng cần đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý thì bước xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cần triển khai mấy nội dung: Một: Thiết kế, đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý; Hai: Tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; Ba: Tổng hợp, phân tích số liệu, thông tin thu thập được so sánh với khung năng lực của vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý để xác định khoảng trống năng lực cần phải bổ sung cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý thông qua đào tạo, bồi dưỡng; Bốn: Phê duyệt nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để có căn cứ lập kế hoạch, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng.
Hai là, đổi mới quy trình xây dựng và thực hiện chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý. Để đảm bảo phù hợp với yêu cầu, đáp ứng được mục tiêu của đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, việc xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cần được tiến hành theo trình tự sau: 1. Khảo sát, lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà quản lý về đánh giá thực trạng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản mô tả công việc, phân nhóm lãnh đạo, quản lý có sự tương đồng về nội dung công việc; 2. Phân tích vị trí chức danh lãnh đạo, quản lý để xác định đúng các nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn vị trí chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý. Từ đó xác định nhu cầu kiến thức, kỹ năng cần đào tạo, bồi dưỡng là tiền đề thiết yếu cho việc xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý; 3) Tiến hành xác định nội dung, kiến thức cần bồi dưỡng cho các nhóm chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương. Việc xác định chính xác và đầy đủ các nội dung sẽ giúp cho việc đào tạo, bồi dưỡng đạt được hiệu quả theo khung năng lực, đáp ứng được yêu cầu của vị trí chức danh lãnh đạo, quản lý.
Ba là, đổi mới hoạt động đánh giá đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý. Việc đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý nhằm trả lời các câu hỏi: cán bộ, công chức đã đạt được mục tiêu của đào tạo, bồi dưỡng gắn với chức danh, chức vụ hay chưa; cán bộ, công chức được trang bị đúng, trang bị đủ những kiến thức, kỹ năng cần thiết và thái độ làm việc tương ứng với vị trí lãnh đạo, quản lý không; năng lực, hiệu quả thực thi công vụ có thay đổi so với trước khi được đào tạo, bồi dưỡng không... Hoạt động đánh giá hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cần phải được đánh giá một cách định lượng, đo lường được sự thay đổi của cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ nhận thức, tư duy đến hiệu quả thực thi nhiệm vụ của lãnh đạo, quản lý.
Bốn là, xây dựng đội ngũ giảng viên cho chương trình đào tạo, bồi dưỡng chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý. Đào tạo, bồi dưỡng chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên không chỉ vững vàng về lý luận, thành thạo về kỹ năng mà còn phải có kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực giảng dạy. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để nâng cao chất lượng giảng viên giảng dạy chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý.
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đối với các cơ sở đào tạo để đảm bảo thực hiện có hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý theo yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng liên tục và thường xuyên đội ngũ giảng viên, thực hiện tốt chính sách thu hút các chuyên gia đầu ngành, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng của đội ngũ giảng viên giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý.
Năm là, đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý. Mỗi chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý có mục tiêu khác nhau. Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đòi hỏi phải có phương pháp khác nhau đối với mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Cần tăng cường nội dung thực hành, thảo luận và xử lý tình huống thực tiễn nhằm nâng cao tư duy chiến lược, kỹ năng xử lý tình huống, quản trị sự thay đổi,... cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Như vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cần phải được nghiên cứu đổi mới từ khâu xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đến xây dựng nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy,... Đặc biệt, cần xây dựng được các tiêu chí đánh giá hiệu quả của đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý một cách khách quan và xác định rõ hơn mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương./.
Ths NGUYỄN VĂN LÀNH
Khoa xây dựng Đảng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP. Hà Nội
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.309.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5. Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.313.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5. Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.309.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn Tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.95.