27/04/2025 lúc 02:56 (GMT+7)
Breaking News

GS.TS.NGND Trần Nghi: Trân quý một hành trình đáng tự hào

GS.TS.NGND. Trần Nghi - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo, ĐHQG Hà Nội; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Địa môi trường và Thích ứng biến đổi khí hậu là một nhà khoa học nhiệt thành, nhà giáo uyên bác, đáng kính.

Suốt chặng đường dài sự nghiệp, ông là người đã góp phần quan trọng định hình con đường phát triển ngành Khoa học Địa chất thời gian qua, là tác giả của nhiều công trình khoa học tiêu biểu đóng góp cho ngành Khoa học Trái Đất nói chung và Địa chất nước nhà nói riêng.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trần Nghi

GS.TS.NGND Trần Nghi sinh ra trong một gia đình với nhiều thế hệ giàu truyền thống hiếu học, với ông nội từng là tú tài chữ nho, làm Lý trưởng làng Minh Lệ, bố là một vị quan cửu phẩm trong triều đình Huế.Những năm cải cách ruộng đất, gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn. Ở vùng quê nghèo, tuổi thơ của Trần Nghi là những ngày thiếu đói, bữa ăn khoai sắn nhiều hơn cơm. Thuở học phổ thông ở quê, hằng ngày, cứ sau mỗi buổi học là ông lại đi làm cho hợp tác xã để có công điểm cho gia đình. Trong 3 năm học cấp 2 vì xã chưa có trường nên ông phải đi bộ chân đất theo con đường sắt lát đá lên học cấp 2 xã Quảng Sơn, cách nhà 4 cây số. Nhà neo người, mẹ ốm nặng, chị cả đi lấy chồng 2 anh trai đi bộ đội, nên tuy mới 12 tuổi nhưng ông đã là một lao động chính trong gia đình, phải làm tất cả mọi công việc để giúp đỡ cha mẹ. Như vào rừng lấy củi về chợ bán kiếm tiềm, chèo đò ngang, cày bừa, cấy giắm và gặt hái mỗi năm 2 vụ. Ông nổi tiếng là con ngoan trò giỏi. Do hàng ngày phải đi học buổi sáng nên ông không đi làm cùng hợp tác xã được. Nhà ông phải nhận khoán ruộng, buổi chiều về ông làm một mình để lấy công điểm giúp gia đình. Nhờ Trời phú cho có một trí nhớ siêu phàm nên ông thường thuộc bài ngay trên lớp; buổi tối ông chỉ cần xem lại một lần là đã nắm vững kiến thức. Ông học giỏi cả các môn tự nhiên và xã hội. Cả 4 năm học cấp 1 và 3 năm học cấp 2 ông đều đạt học sinh giỏi của trường. Những năm học cấp 3 (Trung học phổ thông ngày nay) của ông là thời gian Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc nước ta, trong đó tỉnh Quảng Bình bị máy bay Mỹ ném bom rất ác liệt. Ông phải học trong những lớp học dã chiến (nửa chìm nửa nổi) để tránh thương vong khi có máy bay oanh tạc, buổi tối học bài dưới hầm bằng đèn dầu và phải lấy chăn che cửa hầm không cho ánh sáng lọt ra ngoài. Hoàn cảnh học tập vất vả và nguy hiểm như vậy nhưng năm lớp 8 và lớp 9 ông đều đạt học sinh giỏi duy nhất của lớp.

Đặc biệt, năm học lớp 10, Trần Nghi được nhà trường chọn vào cả ban chuyên toán và ban chuyên văn. Vào đợt thi học sinh giỏi cấp tỉnh, do lịch thi văn và thi toán trùng nhau số thành viên thi văn lại ít hơn nên nhà trường chỉ định ông thi môn văn. Kết quả ông đã đạt giải Nhất môn văn tỉnh Quảng Bình và tiếp tục được chọn thi học sinh giỏi văn Miền Bắc. Ấn tượng nhất đối với ông là cuối năm học lớp 10, ông được tặng thưởng danh hiệu phần thưởng Bác Hồ, phần thưởng cao quý nhất giành cho học sinh cuối cấp đạt 100% điểm 5 (tức điểm 10 bây giờ) cả 10 môn học. Bí quyết học giỏi toàn diện của ông là chịu khó, say mê học tập, thuộc bài ngay trên lớp học. Cậu học trò không có thái độ học lệch mà nắm chắc kiến thức của tất cả các môn học. Đồng thời mỗi một môn học ông đều tìm ra một phương pháp tư duy phù hợp với tính đặc thù của môn học đó.

Sau khi hoãn học khoa vật lý Trường ĐH Bắc Đại (Trung Quốc), ông được phân vào học Khoa Địa Lý-Địa Chất, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa 1966 - 1970. Tốt nghiệp vào loại ưu ông được Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Chiển - nhà địa chất đầu tiên và thầy địa chất đầu tiên của Việt Nam - giữ lại làm cán bộ giảng dạy cùng nhóm chuyên môn với Thầy. Con đường khoa học rộng mở với ông từ đó.

Vào năm 1977, Trần Nghi được cử dự khóa thi nghiên cứu sinh đi làm luận án tiến sĩ nước ngoài và ông đã đỗ thủ khoa về lĩnh vực Khoa học Trái Đất. Ông xúc động kể lại, năm đó dự thi cả nước là 1.500 người cho tất cả các lĩnh vực khoa học, nhưng chỉ đỗ có 200 người. Các thí sinh thi trượt chủ yếu là môn toán. Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã coi môn toán là thước đo về trí tuệ là yếu tố cần để trở thành một nhà khoa học Tự nhiên giỏi. Riêng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có 45 CBGD được tuyển chọn dự thi nhưng cũng chỉ đỗ được 5 người trong đó có ông. Đề tài nghiên cứu sinh của ông là địa chất dầu khí nên ông được phân công sang nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Tổng hợp Bucaret, Rumani và ông đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ năm 1982. Năm 1996, ông được phong hàm Giáo sư, trở thành một trong ba Giáo sư trẻ nhất của ngành Khoa học Trái đất ở Việt Nam. GS.Trần Nghi vinh dự được Nhà nước phong là Nhà giáo Nhân dân, danh hiệu cao quý nhất của một nhà giáo bậc đại học ở Việt Nam. Ông cũng là NGND trẻ nhất trong ba NGND của Trường ĐHKHTN được bầu chọn năm 2006.

Tại Việt Nam, có thể nói GS.TS Trần Nghi luôn được xem là nhà giáo, nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực địa chất và khoa học Trái Đất. Ông đã và đang đảm đương nhiều cương vị quan trọng như: Phó chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam phụ trách Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Hội Trầm tích Việt Nam; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Địa môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu thuộc Liên hiệp các Hội KH & KT Việt Nam; nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội; nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo, ĐHQG Hà Nội…

Vừa tham gia giảng dạy, ông vẫn không ngừng trau dồi, học hỏi nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn. Ông được cử tham gia kỳ thi tuyển NCS đi nước ngoài toàn quốc năm 1977. Sau khi đỗ thủ khoa ngành Khoa học Trái Đất, ông được cử sang NCS tại trường ĐH Tổng hợp Bucaret, Rumani. Đến năm 1982, ông đã bảo vệ xuất sắc luận án TS về Địa chất dầu khí tại ĐH Tổng hợp Bucaret. Về nước, GS.TS Trần Nghi tiếp tục công tác tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Nơi đây, ông đã đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau như : Phó Chủ nhiệm khoa Địa lý - Địa chất trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1984 - 1992), Chủ nhiệm khoa Địa chất trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội (1996 - 2003); Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội (2003 - 2008). Dù ở bất cứ cương vị, vai trò nào từng đảm nhiệm, GS. Nghi vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được ban lãnh đạo giao phó, được đồng nghiệp kính phục, học trò tin yêu. Năm 2009, ông thành lậpTrung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo trực thuộc ĐHQG Hà Nội và ông được bổ nhiệm làm GĐ Trung tâm (2011–2015). Khi ấy, GS.TS Trần Nghi được Bộ KH &CN cử làm Chủ nhiệm chương trình “ NCKH và CN phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển (KC- 09/11 - 15). Năm 2016 ông đứng ra thành lập Viện Nghiên cứu Địa Môi trường và Thích ứng biến đổi khí hậu trực thuộc Liên hiệp các Hội KH & KT Việt Nam. Ông giữ chức Viện trưởng và điều hành các hoạt động của Viện từ 2016 đến nay.

Điều đặc biệt đối với GS-TS Trần Nghi là ông vẫn luôn đam mê cháy bỏng làm tốt việc nghiên cứu khoa học cả khi gắn với kiêm nhiệm nhiều công tác quản lý. Là nhà khoa học luôn tràn đầy năng lượng, tính đến nay GS.TS Trần Nghi đã viết và xuất bản 24 cuốn sách chuyên khảo và giáo trình.Các giáo trình đã và đang phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực Khoa họcTrái Đất ở các trường đại học trong nước, đặc biệt là đào tạo sau đại học.

Các sách chuyên khảo là tích hợp những kết quả nghiên cứu mới và những đổi mới sáng tạo quan trọng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao phục vụ cập nhật cho công tác nghiên cứu, điều tra tìm kiếm dầu khí và khoáng sản rắn trong Đệ Tứ của Việt Nam. Trong số đó có thể trích dẫn 13 cuốn sách giáo trình và chuyên khảo tiêu biểu dài trên 5000 trang do GS viết một mình hoặc chủ biên, bao gồm: Trầm tích học, Địa chất biển, Phân tích lát mỏng thạch học dưới kính hiển vi phân cực; Cơ sở khoa học Trái Đất; Trái Đất và Kho báu của nhân loại; Di sản Thiên nhiên thế giới - Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Trầm tích luận trong Địa chất biển và Dầu khí; Địa chất Pliocen - Đệ Tứ vùng biển Việt Nam và kế cận; Kiến tạo các bể trầm tích Kainozoi vùng nước sâu thềm lục địa Việt Nam; Những thành tựu nổi bật của chương trình nghiên cứu biển giai đoạn 2011-2015; Bách khoa thư Địa chất Việt Nam; Địa chất trầm tích Việt Nam và Atlas Trầm tích Việt Nam.

Đến tuổi nghỉ hưu GS-TS Trần Nghi vẫn tiếp tục chủ nhiệm 1 đề tài cấp nhà nước về “Biến động các địa hệ trong Holocen khu vực từ cửa Ba Lạt đến Cửa Đáy”. Đề tài đã được VTV2 xây dựng thành một bộ phim 2 tập hết sức hấp dẫn có tiêu đề “ Nơi con Sông Hồng đổ về Biển Đông” có ý nghĩa tuyên truyền và phổ biến khoa học thiết thực. Cũng sau thời gian nghỉ hưu GS Trần Nghi đã dịch và xuất bản bằng Tiếng Anh 2 cuốn sách chuyên khảo do GS viết :”Địa chất Trầm tích Việt Nam” và “Atlas Trầm tích Việt Nam” tổng số 1500 trang. Mục đích GS-TS Trần Nghi muốn post lên mạng để thế giới tham khảo và chia sẻ một trường phái và quan điểm mới của tác giả về địa chất trầm tích Việt Nam.

Một trong những cuốn sách tiêu biểu do GS.TS.NGND Trần Nghi làm chủ biên - Atlas Trầm tích Việt Nam.

Quan tâm đội ngũ khoa học kế cận, GS-TS Trần Nghi đã dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng một ngân hàng đề tài của luận án tiến sỹ từ các kết quả nghiên cứu khoa học đề tài và dự án cấp nhà nước. Đến nay, ông đã và đang hướng dẫn 37 nghiên cứu sinh, trong đó đã bảo vệ thành công luận án TS là 37 nghiên cứu sinh; hướng dẫn thành công 40 thạc sĩ. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã đánh giá GS-TS Trần Nghi là người đạt kỷ lục hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh nhất trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và tất cả nghiên cứu sinh do GS Trần Nghi hướng dẫn đều bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ của mình đứng hạn. Ngoài những nghiên cứu sinh mà mình hướng dẫn GS Trần Nghi còn giúp rất nhiều nghiên cứu sinh do các thầy khác ở Trường Đại học Mỏ Địa chất, Trường Đại học Khoa học Huế và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-ĐHQGHN hướng dẫn vượt qua những khó khăn để hoàn thành luận án.

Không những thế, GS-TS Trần Nghi còn được coi là người nắm giữ kỷ lục trong việc đứng ra thành lập các bộ môn, khoa, viện, trung tâm, như: Bộ môn Trầm tích và Địa chất biển (1985); là một trong những người sáng lập ra 4 khoa thuộc Khoa học Trái Đất gồm: Khoa Địa chất; Khoa Địa lý; Khoa Khí tượng, Thuỷ văn và Hải dương học và Khoa Môi trường (1996); thành lập bộ môn Địa kỹ thuật và Địa chất Môi trường (1997); xây dựng bảo tàng địa chất từ con số 0 và phát minh ra mô hình quả cầu Địa chất - Kiến tạo độc đáo nhất thế giới: vỏ ngoài bằng gỗ mít tạc nổi 12 mảng kiến tạo, khung xương bằng gỗ lim, đường kính 2m, nghiêng 23o5, tốc độ quay 1 vòng/phút từ Tây sang Đông; thành lập bộ môn Địa Vật lý ứng dụng (1998); thành lập bộ môn Địa chất Dầu khí (2001); chủ trương mở mã ngành “Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên”; mở khoá 1 “Chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng Địa chất cùng với ngành Toán và Vật lý”; thành lập “Trung tâm nghiên cứu Biển Đảo” trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; thành lập Viện “Nghiên cứu Địa Môi trường và Thích ứng Biến đổi khí hậu” trực thuộc Liên hiệp Các hội KH & KT Việt Nam.

Với những đóng góp đáng tự hào suốt chiều dài sự nghiệp công tác, GS.TS.NGND Trần Nghi đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban ngành trao tặng nhiều danh hiệu cao quý:Danh hiệu CSTĐ toàn quốc, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, danh hiệu NGƯT, NGND, Bằng khen của Bộ GD & ĐT, UBND tỉnh Quảng Bình, Danh hiệu Trí thức tiêu biểu và bằng khen của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam 2019 và bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ (2025) về thành tích đóng góp cho dự án “Quy hoạch không gian biển Việt Nam”.

Tiến Đức