26/04/2025 lúc 21:46 (GMT+7)
Breaking News

GS.TS.NGƯT Nguyễn Đức Thuận: Dấu ấn người khai mở ngành Kỹ thuật y sinh

GS.TS.NGƯT Nguyễn Đức Thuận – chuyên gia Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, là một nhà giáo tâm huyết, nhà khoa học gương mẫu, đáng kính đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Kỹ thuật y sinh (Biomedical Engineering) ở Việt Nam.

Từ khát vọng cống hiến, niềm say mê khoa học và những phẩm chất chuyên môn nổi bật, GS.TS Nguyễn Đức Thuận đã dành trọn cuộc đời sự nghiệp của mình để xây dựng ngành Kỹ thuật Y sinh tại Việt Nam góp phần hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển nhiều lĩnh vực trọng tâm như y tế, giáo dục, khoa học…

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đức Thuận. Ảnh: Trường Quốc tế, ĐHQG Hà Nội.

GS.TS.NGƯT Nguyễn Đức Thuận sinh ra và trưởng thành từ quê hương Hà Nam - miền đất với bề dày lịch sử, truyền thống văn võ của cả nước. Ngay từ nhỏ với niềm say mê học tập cùng ý chí phấn đấu không ngừng, năm 1966 khi tốt nghiệp phổ thông, ông học dự bị ĐH tiếng Nga tại Trường ĐH Tổng hợp - Ucraine. Sau khi tốt nghiệp ĐH Năng lượng Moskva năm 1973 và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Trường ĐH Quốc gia Saint-Peterburg, LB Nga năm 1986, GS. Thuận trở về nước và công tác tại Khoa Điện tử-Tin học (nay là Trường Điện- Điện tử), ĐH Bách khoa Hà Nội.

Đi qua những năm tháng phấn đấu với nỗ lực bền bỉ, tinh thần cầu tiến, GS.TS. Nguyễn Đức Thuận không ngừng trau dồi, tích lũy vốn tri thức quý báu, đặt nền tảng cho sự nghiệp sau này. Từ vai trò một giảng viên của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đến nay, ông đã trải qua nhiều vị trí trong công tác chuyên môn như Phó chủ nhiệm Khoa Điện tử - Tin học, Giám đốc Chương trình Đào tạo và Nghiên cứu Kỹ thuật Y sinh, Giám đốc Trung tâm Điện tử Y sinh; Trưởng Bộ môn Công nghệ Điện tử & Kỹ thuật Y sinh,Trưởng Ban điều hành chương trình nghiên cứu “Ứng dụng Kỹ thuật điện tử và tin học phục vụ ngành y tế”, Điều phối viên chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế HUST-Wisconsin (Hoa kỳ), Phó chủ tịch Hội đồng khoa học liên ngành Toán- Công nghệ thông tin - Điện - Điện tử Viễn thông ĐH Bách Khoa Hà Nội, Ủy viên Ban chỉ đạo đề án quốc gia “Nghiên cứu chế tạo và sản xuất trang thiết bị Y tế giai đoạn 2005 - 2010” “Phát triển chính sách quốc gia về trang thiết bị Y tế giai đoạn 2010-2020”, Ủy viên Ban chấp hành hội Thiết bị Y tế, Phó Trưởng ban Thanh tra giáo dục ĐH, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ ĐH Bách khoa Hà Nội và giai đoạn 2007-2013 được Bộ GD & ĐT điều lên làm Giám đốc Ban quản lý dự án Giáo dục Đại Học - Bộ GD & ĐT quản lý đầu tư và phát triển Đào tạo –nghiên cưú cho 22 trường Đại học hàng đầu trong cả nước trong đó gồm các Trường ĐH Quốc gia, ĐH vùng, Đại học trọng điểm cùng 5 Trường Đại học vùng sâu vùng xa. Với các công việc đảm nhiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý ông đã có những đóng góp đáng được ghi nhận trong phương pháp, tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển toàn diện của nhà trường, cũng như Bộ GD & ĐT. Dù là ở bất cứ cương vị nào, nhà quản lý tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và nhà giáo gương mẫu ấy vẫn luôn hoàn thành xuất sắc công việc và nhiệm vụ của mình.

Bên cạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, ông còn tích cực xây dựng các chương trình nghiên cứu, thành lập và chỉ đạo các nhóm nghiên cứu để nghiên cứu chế tạo các thiết bị Y sinh. Các thiết bị tiêu biểu đã được đưa vào thử nghiệm và ứng dụng thành công tại nhiều bệnh viện, như: Thiết bị điều trị mắt dùng dòng Galvanic kết hợp thuốc phân ly, Thiết bị điều trị viêm cơ khớp dùng dòng xung đa mode, Thiết bị luyện mắt cho trẻ em khiếm thị, Thiết bị ghi điện tim sử dụng máy tính, Thiết bị mô phỏng CT-Scanner, Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý thông tin bệnh nhân bệnh viện, Máy theo dõi bệnh nhân tại giường, Hệ thống theo dõi bệnh nhân không dây, Thiết bị đo cung lượng tim liên tục bằng phương pháp tim đồ trở kháng ngực, Thiết bị điều trị đa năng kết hợp dùng xung điện, thấu nhiệt, ánh sáng… Tất cả các thiết bị này đã được ứng dụng tại nhiều bệnh viện: BV Mắt Trung ương, BV Bạch Mai, BV E Hà Nội, BV Việt Đức, BV Đa khoa Vĩnh Phúc, BV Ninh Bình, BV Đồng Hới Quảng Bình, BV Hà Nam…và nhiều đơn vị khác.

Năm 1999, ông là người đầu tiên ở Việt Nam sáng lập ngành Kỹ thuật y sinh, đây là một ngành có tích chất liên ngành cao, đặc biệt trong thế kỷ 21, nơi nền kinh tế tri thức dựa trên nền tảng của các lĩnh vực công nghệ của CMCN4.0. Kỹ thuật y sinh mang tính liên ngành sử dụng những kiến thức và kỹ thuật tiên tiến nhất của nhiều lĩnh vực như Điện, Điện tử, Viễn thông, Công nghệ thông tin, Y học, Sinh học, Cơ học, Vật lý, Hóa học v.v. để đưa vào ứng dụng trong việc phát triển các thiết bị, các công nghệ cao phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh cho con người. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và nỗ lực không ngừng nghỉ, GS. Nguyễn Đức Thuận đã xây dựng chương trình đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vức Kỹ thuật y sinh trong suốt hơn 25 năm qua và đã những đóng góp thiết thực vào công tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho các bệnh viện, các cơ sở y tế từ tuyến Trung ương đến tuyến địa phương, các công ty sản xuất và cung cấp trang thiết bị y tế, các đơn vị nghiên cứu về lĩnh vực này. Nhìn lại chặng đường đã qua, với rất nhiều những năm tháng gắn bó, cống hiến hết mình cho sự nghiệp Giáo dục nước nhà nói chung và cho ngành Kỹ thuật Y sinh nói riêng, có thể nói GS.TS. Nguyễn Đức Thuận đã đưa lĩnh vực Kỹ thuật Y sinh Việt Nam lên một tầm cao mới. Ông đã xuất bản 6 cuốn sách về chuyên môn và 5 giáo trình chuyên ngành đồng thời đã tham gia nghiên cứu, công bố hơn 100 công trình khoa học quốc tế và trong nước, trực tiếp hướng dẫn thành công hàng trăm Kỹ sư, Thạc sĩ,Tiến sĩ.

GS.TS.NGƯT Nguyễn Đức Thuận nhận định, ngành Kỹ thuật Y sinh có rất nhiều triển vọng và cơ hội đối với các bạn trẻ đam mê khoa học

Hiện nay, GS.TS. Nguyễn Đức Thuận đang cùng cán bộ giảng viên, Khoa Các khoa học ứng Dụng và Trung tâm Y sinh sức khoẻ Cộng đồng, Trường Quốc tế, xây dựng và phát triển chương trình Thạc sĩ Công nghệ kỹ thuật y sinh đầu tiên ở ĐHQGHN. Theo GS.TS Nguyễn Đức Thuận, Kỹ thuật y sinh là một lĩnh vực khoa học rộng lớn. Đây là một khoa học liên ngành giao thoa giữa các ngành như Điện, Điện tử, Tự động hóa, công nghệ thông tin, Y học, Sinh học, Dược học, Vật liệu, Vật lý, Toán học, Kinh tế… Qua sự nghiên cứu này giúp chúng ta có thể đánh giá định tính và định lương những thay đổi các trạng thái, chức năng, cấu trúc trong cơ thể, cũng như tạo ra những công nghệ, vật liệu, dược liệu mới giúp chẩn đoán, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe cho con người. Như vậy, nói một cách ngắn gọn: kỹ thuật y sinh là một ngành khoa học lấy kỹ thuật làm phương tiện, sinh học là cơ chế, còn y học là mục đích. GS. Thuận chia sẻ, các nhà khoa học lớn trên thế giới nhận định, trong thế kỷ 21 “kỹ thuật y sinh được xem là bệ phóng cho các ngành kỹ thuật khác xâm nhập sâu hơn vào các ứng dụng y sinh”. Và trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, Kỹ thuật y sinh được coi là 1 trong 3 lĩnh vực quan trọng có thể tạo ra những bước đột phá lớn trong cuộc sống tương lai của con người bên cạnh trí tuệ nhân tạo và năng lượng. Sản phẩm đầu tiên liên quan đến kỹ thuật y sinh được Galileo phát minh ra là nhiệt kế từ năm 1592. Thuốc Penicilin được tạo ra năm 1928. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong lĩnh vực Y sinh thực tế bùng nổ mới từ những thập niên 1970 – 1980 về đây. Năm 1970 phát minh ra thiết bị chụp cắt lớp điện toán (CT) và cộng hưởng từ (MRI) năm 1974. Năm 1983 tạo ra Robot phẫu thuật đầu tiên, 1997 đặt nội soi động mạch vành. Đặc biệt, năm 2001, chế tạo viên thuốc dạng Robot siêu nhỏ đi khắp đường tiêu hóa và truyền tín hiệu ra ngoài. Năm 2006, chế tạo bằng in 3D các bộ phận cơ thể người bằng mực in sinh học như tai, thận, da, xương. Năm 2016, trái tim đầu tiên trên thế giới được tạo ra bằng in 3D. Đặc biệt trong vài ba thập niên gần đây đã phát triển những nghiên cứu sinh học ở mức độ phân tử để tạo ra các công nghệ chẩn đoán phân tử đưa ra triển vọng của y học cá thể hóa. Hay với sự phát triển của các công nghệ y sinh hiện đại đã tạo ra các loại thuốc rất đặc hiệu để điều trị hay phòng ngừa các loại bệnh nguy hiểm như gần đây nhất là vaccine COVID-19 mRNA mà 2 nhà phát minh đã nhận giải thưởng Nobel năm 2023. Tuy vậy, việc đào tạo ngành Kỹ thuật y sinh thực chất còn rất non trẻ. Trên thế giới ngành mới bắt đầu xuất hiện tại Mỹ và châu Âu vào những năm 1960. Tuy nhiên, nó mới được phát triển mạnh từ năm 1980 trở lại đây tại các trường đại học lớn trên thế giới. Tại Việt Nam, Đại học Bách khoa là đơn vị đầu tiên triển khai đào tạo vào năm 1999. Đến thời điểm hiện tại, đã có 13 trường đại học và cao đẳng mở ngành này. Và đến năm 2024, Trường Quốc tế đã chính thức triển khai đào tạo thạc sĩ ngành Công nghệ Kỹ thuật y sinh, đây là bước ngoặt lớn trong lĩnh vực này ở Việt Nam nói chung, và khu vực miền Bắc nói riêng. Trong vai trò người sáng lập ra ngành Kỹ thuật y sinh, nhận định về cơ hội việc làm của ngành này tại Việt Nam, GS. Nguyễn Đức Thuận cho biết: “Từ những ngày đầu tiên mở ngành Kỹ thuật y sinh năm 1999, đồng hành với chúng tôi luôn có Bộ Y tế, nơi đón nhận sinh viên tốt nghiệp ra trường vì nhu cầu về chuyên môn này tại ngành Y tế là rất cao. Ngoài ra, trong xã hội cũng cần các dịch vụ liên quan đến thiết bị, vật tư và công nghệ Y sinh. Như vậy, có thể khẳng định cơ hội việc làm của ngành Kỹ thuật y sinh vô cùng rộng mở. Các bệnh viện công hoặc tư, các công ty trong nước và nước ngoài có nhu cầu và mong muốn tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Nhiều sinh viên ra trường hiện đã tự thành lập công ty về thiết bị, vật tư và phần mềm trong y tế và rất thành công.” Gần đây, khi Trường Quốc tế (ĐHQG Hà Nội) triển khai đào tạo ngành Thạc sĩ Công nghệ kỹ thuật y sinh, với vai trò là một thành viên tham gia xây dựng chương trình đào tạo ngành này, GS.TS Nguyễn Đức Thuận nhận định Thạc sĩ ngành Công nghệ kỹ thuật y sinh sẽ có nhiều triển vọng. Vì bản chất của ngành Kỹ thuật y sinh là giao thoa của rất nhiều ngành, nên học viên có thể từ nhiều chuyên môn khác nhau theo học và sau phần đầu đào tạo chung, phần chuyên môn mang tính nghề nghiệp chuyên sâu sẽ là lựa chọn các hướng mà mình yêu thích hoặc có thế mạnh, như học viên từ các ngành Y học, Sinh học, Dược học, Kỹ thuật, Công nghệ thông tin, Vật liệu y sinh, kể cả như Du lịch – Y tế… Trường Quốc tế hiện có các nhóm nghiên cứu mạnh, các chuyên gia/nhà khoa học uy tín, đang triển khai rất nhiều nghiên cứu và công bố khoa học trong lĩnh vực Kỹ thuật y sinh. Bên cạnh đó, Trường cũng tăng cường hợp tác với các bệnh viện, công ty trong nước nên rất thuận lợi cho việc đào tạo gắn với thực tế để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như các cơ hội việc làm cho học viên. Ngoài ra, các chuyên gia có trình độ cao trong và ngoài nước tham gia tư vấn, hợp tác trong quá trình đào tạo sẽ là thế mạnh của chương trình thạc sĩ này. Với các nhà nghiên cứu trẻ muốn theo đuổi con đường nghiên cứu trong ngành Kỹ thuật y sinh cũng như các học viên muốn chọn học ngành này, GS.TS Nguyễn Đức Thuận đưa ra lời khuyên: Các bạn trẻ khi theo học ngành Kỹ thuật Y sinh cần có đam mê và kiên trì, tất sẽ thành công. Theo ông, các học viên học chương trình thạc sĩ Công nghệ kỹ thuật y sinh sẽ có nhiều thuận lợi mà nhiều nơi không có: sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của cán bộ, giảng viên để hỗ trợ tối đa cho đối tượng là các sinh viên, học viên. Với các ứng viên của chương trình thạc sĩ Công nghệ Kỹ thuật y sinh, GS.TS Nguyễn Đức Thuận nhắn nhủ: “Hãy mạnh dạn, vững tin bước đến với ngành khoa học này, các bạn sẽ gặt hái thành công và trái ngọt. Tương lai rộng mở đang chờ đón các bạn ! ”

Ghi nhận những đóng góp đáng tự hào suốt chặng đường sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học vẻ vang hơn 4 thập kỷ đã qua của GS.TS.NGƯT Nguyễn Đức Thuận, Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ban ngành đã trao tặng ông nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Được Vinh danh và tặng Kỷ niệm chương Nhà khoa học, Nhà Quản lý có Tâm, có Tầm và có Tài…

Tiến Đức