26/04/2025 lúc 16:31 (GMT+7)
Breaking News

Hàn Quốc - Văn hóa tạo nên “sức mạnh mềm” quốc gia

"Sức mạnh mềm" không chỉ là một khái niệm trừu tượng, mà đã được Hàn Quốc hiện thực hóa một cách ngoạn mục, biến văn hóa thành một công cụ quyền lực, chinh phục trái tim hàng triệu người trên thế giới. Từ những bản nhạc K-pop sôi động, phim truyền hình K-drama lãng mạn, đến ẩm thực Hàn Quốc hấp dẫn, văn hóa Hàn Quốc đã tạo nên một "làn sóng Hallyu" mạnh mẽ, tạo nên một "sức mạnh mềm" đáng kinh ngạc.
Hàn Quốc - Văn hóa tạo nên “sức mạnh mềm” quốc gia

Chiến lược bài bản và dài hạn

Hàn Quốc đã tập trung vào việc phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực giải trí, với mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng ra thị trường quốc tế. Ngay từ thập niên 50, quốc gia này đã xây dựng và thực thi một loạt các kế hoạch và chính sách văn hóa nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành, coi văn hóa là một ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển quốc gia. Nhiều cơ quan, tổ chức và viện nghiên cứu về Hàn Quốc học đã được thành lập, bao gồm Cơ quan Văn hóa Sáng tạo Hàn Quốc và Hội Ủy viên Nhãn hiệu Quốc gia. Qua các giai đoạn phát triển, Hàn Quốc luôn kiên định mục tiêu đưa văn hóa Hàn Quốc ra thị trường quốc tế, khẳng định vị thế "cường quốc" trong ngành công nghiệp giải trí. Với quyết tâm mạnh mẽ và chiến lược bài bản, bước sang thế kỷ XXI, các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc, từ điện ảnh, truyền hình, âm nhạc đến nghệ thuật, đã lan tỏa sâu rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. "Làn sóng Hàn Quốc" (Hallyu), đặc biệt qua âm nhạc đại chúng (K-pop) và phim truyền hình, nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn hóa đại chúng, chinh phục trái tim khán giả khắp châu Á. Chính phủ chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, đảm bảo điều kiện vật chất tối ưu cho các địa điểm biểu diễn nghệ thuật; thành lập nhiều quỹ hỗ trợ tài chính và áp dụng các chính sách miễn thuế thuế đối với một số sản phẩm văn hóa đặc thù.

Sự trỗi dậy của làn sóng văn hóa - nghệ thuật Hàn Quốc trên phạm vi toàn cầu là kết quả của một chiến lược bài bản, được đầu tư kỹ lưỡng và có tầm nhìn dài hạn, khởi nguồn từ những bộ phim truyền hình Hàn Quốc được yêu thích trong quá khứ và tiếp tục được duy trì đến hiện tại. Hàng trăm tỷ won đã được đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển âm nhạc và các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Không chỉ vậy, hàng nghìn sinh viên tài năng đã được tuyển chọn kỹ lưỡng để đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài về các lĩnh vực thiết kế thời trang, đạo diễn, diễn xuất, sản xuất phim truyền hình, du lịch, ẩm thực.

Các điểm đến hàng đầu của sinh viên Hàn Quốc thường là những kinh đô thời trang danh tiếng như Paris hay Milan, các phim trường nổi tiếng thế giới như Hollywood… Sau thời gian học tập bài bản ở nước ngoài trở về, những sinh viên ưu tú này đã được chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi về tài chính và đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp để bắt đầu triển khai các dự án nghệ thuật, các sản phẩm văn hóa mới. Điều đặc biệt là tất cả những dự án này đều được xây dựng dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống Hàn Quốc, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Văn hóa Hàn Quốc lan toả thế giới

Các bộ phim tình cảm lãng mạn Hàn Quốc đã bắt đầu chinh phục khán giả ở các quốc gia châu Á từ cuối những năm 90 đã tạo nên một cơn sốt lớn thu hút đông đảo khán gỉả theo dõi. Hiện tại, có những tác phẩm tiêu biểu như "Ký sinh trùng" (Parasite) đã làm nên lịch sử tại giải Oscar nhờ cốt truyện độc đáo, khai thác sâu sắc về sự phân tầng xã hội, sự khác biệt giai cấp và khát vọng thay đổi số phận trong xã hội hiện đại, hay như phim Squid Game" (Trò chơi con mực) đã tạo nên tiếng vang lớn, không chỉ nhờ vào yếu tố hình ảnh ấn tượng, màu sắc độc đáo và kỹ xảo tinh xảo, mà còn bởi sự trần trụi trong cách khai thác đề tài. Không chỉ có phim truyền hình Hàn Quốc (K-dramas), một phần quan trọng của Hallyu là nhạc pop Hàn Quốc (K-pop) cũng bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng. Nếu K-dramas mở đường trong việc chinh phục trái tim và tình cảm của người hâm mộ trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á, thì K-pop lại chọn một hướng đi mới, kết hợp nhạc dance với nhiều thể loại âm nhạc đa dạng như R&B, hip hop, rock, jazz, disco và cả những yếu tố âm nhạc truyền thống Hàn Quốc.

Làng nhạc K-pop nổi tiếng từ lâu với nhiều sản phẩm âm nhạc ấn tượng, với những nhóm nhạc không chỉ có ngoại hình bắt mắt, phong cách thời trang dẫn đầu xu hướng mà còn sở hữu tài năng âm nhạc thực thụ như Bigbang, BTS, BlackPink... Lượng người xem các video âm nhạc K-pop đã tăng trưởng mạnh mẽ, từ 800 triệu lượt vào năm 2010, lên đến 2,3 tỷ lượt vào năm 2011 và cán mốc 5 tỷ lượt vào năm 2012. Mức độ phổ biến của K-pop có sự khác biệt giữa các châu lục, ví dụ nhóm BTS được xem nhiều nhất ở Mỹ với 30,6% và châu Âu 27,9%, trong khi nhóm BlackPink lại được ưa chuộng nhất ở châu Á với 19% lượt xem.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXcuo3zUyfLMUJw0Wdy9vQNWan9Gk8k_2Nf647-RRJudAvRN7CBBWcoOCE4eVjNvOvNPT68QaXZUl8ufKrjN6PSzUCdy9EC2WKNucuwRkgT2l6jflC6OlCbqXy4IH5eUFVSX9IMKIA?key=q5E2X9i11G3Tdrsrrqr4IZ4phttps://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXe_Wl6yH4-XOOn5TGrWRaqOtBYcXJV_G5yELRiIwbIgiWoltdnmU2Rmcs761X1akzG5ywuIRsXoO6BLcthMLCdzXDuupWk4lkBxzOxOWVabuInZqmjuEwbNcym18_rXkmdh3D8d?key=q5E2X9i11G3Tdrsrrqr4IZ4p

Các bộ phim Hàn Quốc thu hút và những nhóm nhạc K-pop nổi tiếng như Bigbang, BTS, BlackPink.

Sự lan tỏa của K-dramas và K-pop đã biến Hàn Quốc thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đặc biệt là đối với du khách châu Á, mặc dù trước đây quốc gia này không phải là một địa điểm du lịch phổ biến. Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2004, lượng khách du lịch quốc tế đến Hàn Quốc đã tăng đáng kể, từ 2,8 triệu lên 3,7 triệu lượt. Các du khách đa số khi đến Hàn Quốc là để tham quan các phim trường nổi tiếng. Khi trở về, hành lý của họ thường chứa đầy các sản phẩm ẩm thực và tiêu dùng Hàn Quốc, trong đó kim chi là một mặt hàng không thể thiếu.

Văn hoá tạo sức mạnh mềm cho Hàn Quốc

Có thể thấy, Hàn Quốc đã đặt văn hóa làm trung tâm trong chiến lược phát triển quyền lực mềm, nhằm xây dựng hình ảnh tích cực và tạo sức hút cho các thương hiệu quốc gia trên thị trường toàn cầu. Sự lan tỏa văn hóa được thúc đẩy bởi sự gia tăng tương tác ngang hàng giữa những người trao đổi văn hóa. Sự tham gia của internet và số hóa trong quá trình này đã mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận tri thức và cơ hội giao lưu văn hóa của Hàn Quốc, từ đó củng cố quyền lực mềm của quốc gia. Các nghệ sĩ K-pop và K-dramas đóng vai trò như những đại sứ văn hóa, tạo ra hình ảnh một đất nước cởi mở, hiện đại, năng động và sáng tạo. Sức hút từ họ đã trở thành động lực thúc đẩy người hâm mộ trên khắp thế giới tìm đến Hàn Quốc, khám phá văn hóa, truyền thống, công nghệ và lối sống của quốc gia này.

Sức mạnh của văn hóa đại chúng đóng vai trò then chốt trong việc thu hút nguồn lực từ bên ngoài, thúc đẩy đầu tư nước ngoài và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. Những kinh nghiệm quý báu của Hàn Quốc trong quá trình hiện đại hóa và dân chủ hóa đã thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ngược lại, khi các đoàn cố vấn Hàn Quốc đến các quốc gia đang phát triển, họ có cơ hội tiếp xúc và trao đổi với những người có tầm ảnh hưởng, những người có quan điểm nổi bật, các doanh nhân và những người sẵn sàng lắng nghe. Thậm chí, các chuyên gia cố vấn Hàn Quốc còn có thể đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế toàn diện và phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Hàn Quốc.

Sức ảnh hưởng của làn sóng Hallyu đã lan tỏa mạnh mẽ, khiến tiếng Hàn xuất hiện phổ biến tại các thành phố lớn ở Trung Á. Các trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Hàn Quốc đã được thành lập tại nhiều thành phố lớn ở Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan..., tạo điều kiện cho người dân địa phương tiếp xúc và tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc. Nhiều sự kiện văn hóa đa dạng như triển lãm, hòa nhạc, trình diễn kịch... được tổ chức thường xuyên nhằm giới thiệu văn hóa truyền thống Hàn Quốc đến công chúng. Với mức đầu tư lên đến 11,9 triệu USD, trường Đại học Quốc tế Uzbek-Hàn Quốc ở Fergana đã được xây dựng vào năm 2019, cung cấp các chương trình đào tạo từ các ngành kỹ thuật đến các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Có thể thấy, chính nhờ có chính sách hợp lý trong việc quảng bá văn hoá của đất nước, mà Hàn Quốc đã chứng minh rằng văn hóa không chỉ là một phần của bản sắc dân tộc, mà còn là một công cụ quyền lực, giúp nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Đây là một bài học quý giá cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, trong việc xây dựng được "sức mạnh mềm" cho riêng mình, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa.

Nguyễn Trọng Hải

...