
PGS.TS.BS Lê Đình Roanh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát hiện sớm Ung thư, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
PGS.TS.BS Lê Đình Roanh sinh năm 1941, là người con quê hương Nam Định giàu truyền thống hiếu học, lịch sử của cả nước. Ông nguyên là Phó Chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu bệnh, trường Đại học Y Hà Nội - một vị “anh hùng áo blouse trắng” với niềm đam mê cứu vớt sự sống và xoa dịu nỗi đau cho những bệnh nhân ung thư bất hạnh.
Năm 1965, tốt nghiệp đại học với kết quả khá xuất sắc, Lê Đình Roanh được giữ ở lại trường công tác tại Bộ môn Giải phẫu bệnh, trực tiếp tham gia đào tạo bác sĩ cho chiến trường. Từ năm 1975, ông được cử ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh tại ĐH Karlov, Praha, Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc) và đến năm 1979 bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ. Sau đó, những năm 1984 – 1985, ông đi thực tập khoa học tại Cộng hòa Pháp. Trở về nước, TS. Lê Đình Roanh tiếp tục công tác giảng dạy chuyên môn và năm 1986 tốt nghiệp BSCK II về ngành giải phẫu bệnh.
Ông đã tham gia giảng dạy môn Giải phẫu bệnh bằng tiếng Pháp tại trường ĐH Y Dược Phnompenh vào năm 1983 và 1986 và được Bộ y tế Campuchia đánh giá cao về đóng góp này. Năm 1991, TS. Lê Đình Roanh được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư. Năm 1989 ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu bệnh ĐH Y Hà Nội. Từ 1991 đến nay ông đã cùng với GS. Vi Huyền Trác, GS. Nguyễn Văn Mẫn và PGS. Nguyễn Văn Hưng tiến hành kiểm đinh độc lực thần kinh của vacxin Sabin do Việt nam sản xuất trên khỉ, giúp vacxin này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đạt chuẩn an toàn, sau đó vacxin này đưa vào sử dụng thanh toán hoàn toàn bệnh bại liệt ở Việt Nam và được sử dụng ở một vài nước khác. Đến tháng 6/2004, khi bước vào tuổi 63, PGS.TS Lê Đình Roanh quyết định viết đơn xin nghỉ hưu để cùng với PGS.TS Ngô Thu Thoa sáng lập Trung tâm nghiên cứu và phát hiện sớm ung thư (CREDCA) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Trong nghiên cứu, PGS.TS Lê Đình Roanh luôn hướng tới trình độ chuyên môn cao để thực hành nghề tốt nhất có thể. Ông thường tự tìm hiểu thêm các tài liệu ngoại ngữ chuyên ngành, trò chuyện cùng các thầy đi trước có kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân mình về mọi mặt. Bằng những nỗ lực không ngừng, đến nay, PGS.TS Lê Đình Roanh đã để lại dấu ấn mạnh mẽ với việc là tác giả hoặc đồng tác giả của trên 160 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí y học uy tín trong nước và quốc tế; chủ trì nhiều đề tài khoa học cấp Bộ được đánh giá xuất sắc. Những công trình khoa học của ông đều có ý nghĩa thực tiễn cao, hiệu quả trong việc phát hiện sớm và chẩn đoán ung thư, tiêu biểu như: Nghiên cứu áp dụng kỹ thuật hóa mô miễn dịch trong chẩn đoán bệnh ung thư; Nghiên cứu một số sản phẩm gen và dấu ấn hóa mô miễn dịch của ung thư vú và cơ quan sinh dục nữ; Phát hiện sớm ung thư vú, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung và một số bệnh lành tính khác bằng xét nghiệm tế bào học với kĩ thuật Papanicolaou ở một số phường của quận Hoàn Kiếm và một số xã của huyện Đông Anh, Hà Nội; Nghiên cứu ứng dụng một số dấu ấn miễn dịch trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp và ung thư phổi; Hợp tác quốc tế trong Nghiên cứu Đa trung tâm nhằm thu thập mẫu mô thừa sau phẫu thuật để nghiên cứu bộ gen, bộ protein và các dấu ấn sinh học…

PGS.TS.BS. Lê Đình Roanh là người thầy đáng kính, mẫu mực của nhiều học trò đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ, BSCK 1, BSCK II...
Hoạt động nghiên cứu khoa học với ông luôn được song hành, đi đôi với công tác giáo dục, đào tạo. Từ năm 1965 đến nay, PGS.TS Lê Đình Roanh đã giảng dạy bộ môn Giải phẫu bệnh cho nhiều thế hệ sinh viên. Ông đã đào tạo 35 NCS, 21 ThS, và nhiều luận văn BSCK I, CK II và hiện nay vẫn đang hướng dẫn 1 NCS. Ông đã là chủ biên và tham gia biên soạn hàng chục cuốn sách chuyên ngành phục vụ cho đào tạo ĐH và sau ĐH và biên soạn nhiều cuốn sách về Những điều cần biết về bệnh ung thư nhằm phổ biến kiến thức phổ cập cho độc giả. Nhờ mang trong mình tâm huyết của người thầy thuốc, thầy giáo, PGS.TS Lê Đình Roanh đã giảng dạy hết mình cho các sinh viên. Ông thường xuyên khuyên nhủ và nhắc nhở học trò rằng: Nghề y là một nghề rất khó bởi nó liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, vì thế phải trau dồi tài năng và y đức, học tập ở mọi nơi, mọi lúc và phải luôn gắn với thực tiễn của người bệnh, đúc rút các kinh nghiệm từ cả thành công và thất bại.
Với vai trò là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát hiện sớm Ung thư, PGS.TS Lê Đình Roanh cùng tập thể cán bộ Trung tâm đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Tiến hành các công trình nghiên cứu về ung thư, đặc biệt là các nghiên cứu về tế bào học, mô bệnh học, hoá mô miễn dịch và siêu cấu trúc, triển khai các kỹ thuật hiện đại để thực hiện các nghiên cứu, từ đó có những ứng dụng cụ thể trong giảng dạy và phục vụ bệnh nhân; Thực hiện các dịch vụ chẩn đoán hình thái học các ung thư (thực hiện các xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học, hoá mô miễn dịch, những trường hợp khó chẩn đoán được hội chẩn với các Trung tâm bệnh học nổi tiếng của Hoa Kỳ. Nhờ uy tín và tình bạn bè tốt, ông đã được các đồng nghiệp Mỹ nổi tiếng như cố Giáo Sư Christopher Fletcher ở trường Đại học Havard đã giúp hội chẩn trên 2.500 trường hợp khó và các bác sỹ Elaine Jaffe và bác sỹ Miettinen Markku, chủ nhiệm các khoa giải phẫu bệnh của Viện sức khỏe/ Viện ung thư Quốc Gia. Nhờ đó các bệnh nhân nhận được những chẩn đoán rất chính xác với các kỹ thuật hiện đại nhất và được điều trị hiệu quả; Thực hiện mục tiêu chẩn đoán sớm ung thư: Tổ chức tuyên truyền giáo dục tự phát hiện sớm bệnh ung thư, đặc biệt là giáo dục tự khám vú, đào tạo kỹ năng khám và phát hiện ung thư vú cho nữ hộ sinh; tổ chức khám sàng lọc bệnh cổ tử cung bằng tế bào học; Hợp tác với các tổ chức khoa học và cá nhân trong và ngoài nước, xây dựng các dự án nhằm khai thác nguồn kinh phí trong và ngoài nước để triển khai việc nghiên cứu, và phát hiện sớm ung thư, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm và chuyên gia, tham quan khảo sát, hội thảo khoa học... Dưới sự lãnh đạo của PGS.TS Lê Đình Roanh và PGS.TS Ngô Thu Thoa, Trung tâm đã tiến hành nghiên cứu về ung thư, đặc biệt là các lĩnh vực tế bào học, mô bệnh học, hóa mô miễn dịch. Trung bình mỗi năm, Trung tâm xét nghiệm hơn 10.000 ca tế bào học và từ 8.000–10.000 ca sinh thiết nhận từ nhiều bệnh viện khác nhau như: BVĐK Hồng Phát, Hưng Việt, Hà Thành, Hiếm muộn… và hội chẩn các trường hợp khó. Ngoài ra, Trung tâm đã thực hiện 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 3 đề tài cấp Liên hiệp các Hội KH & KT Việt Nam, 1 đề tài hợp tác quốc tế. Trung tâm cũng là nơi góp phần đào tạo nghiên cứu sinh và thạc sĩ.

Nhà giáo Ưu tú, PGS.TS.BS. Lê Đình Roanh được tôn vinh là Trí thức tiêu biểu của Tổng hội Y học Việt Nam
Ghi nhận những đóng góp, cống hiến lớn lao với ngành y tế của ông, PGS.TS Lê Đình Roanh đã vinh dự được lãnh đạo Bộ Y tế, Tổng hội y dược học Việt Nam trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen ý nghĩa.