Cách mạng Việt Nam, từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 đến trước Đại hội đổi mới (1986), hơn bốn mươi năm (1945 - 1986), chúng ta có chính quyền độc lập, song cũng phải mất 30 năm trong số đó, mới thống nhất được đất nước, mới được sống trong hòa bình thực sự. Nhưng, ngay sau đó, đất nước lại gặp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch; bị bao vây cấm vận, đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội. Nhân dân rơi vào cảnh đói khổ, thiếu thốn, li tán, tha hương,.v.v.. Khát vọng và sự nghiệp trong thời kỳ này là cần xây dựng cuộc sống ấm no, chính trị ổn định, xã hội yên bình.
Từ năm 1986 đến những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, từ một nước khủng hoảng, trì trệ, lưu thông phân phối ách tắc, rối ren, hàng hóa, vật phẩm tiêu dùng khan hiếm, đời sống các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn, chúng ta đã thực hiện được khát vọng đưa Việt Nam thành một nước năng động, phát triển, chuyển đổi thành công sang mô hình và cơ chế quản lý kinh tế mới, có mức tăng trưởng kinh tế cao. Từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
1. Bước chuyển căn bản trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay
Một là, từ mô hình kinh tế hiện vật với sự tuyệt đối hóa sở hữu xã hội (nhà nước và tập thể) và với sự phát triển vượt trước của quan hệ sản xuất đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất sang thực hiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong sự thống nhất biện chứng với tính đa dạng các hình thức sở hữu, phân phối, lấy phân phối theo lao động làm đặc trưng chủ yếu, thúc đẩy sản xuất phát triển. Đây là bước chuyển căn bản mang ý nghĩa sâu xa xuất phát từ nhận thức đúng đắn và tôn trọng quy luật khách quan về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất; dựa vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất mà từng bước thiết lập quan hệ sản xuất tương ứng. Nhờ đó, đã mở đường giải phóng sức sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng xã hội. Nhân tố quan trọng bậc nhất được thúc đẩy là lợi ích, trong đó lợi ích của người lao động được coi trọng và là động lực trực tiếp để thực hiện, phát triển lợi ích tập thể và lợi ích xã hội. Bước chuyển này có ý nghĩa cách mạng, đã đặt đúng vị trí và tầm quan trọng của cái tất yếu kinh tế trong sự phát triển quá độ lên CNXH theo con đường phát triển “rút ngắn”, loại hình quá độ “gián tiếp” mà quy luật của lịch sử đã đặt ra.
Hai là, từ quản lý nền kinh tế dựa trên mô hình kế hoạch hóa tập trung tuyệt đối với cơ chế bao cấp, bình quân, cào bằng sang mô hình quản lý mới thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự điều tiết ở tầm vĩ mô, thông qua quản lý, kiểm soát bằng pháp luật của Nhà nước. Nền kinh tế vận hành trong cơ chế thị trường đã dẫn đến sự tác động, thâm nhập lẫn nhau giữa các thành phần kinh tế, tạo thành sự đan xen các hình thức sở hữu, các phương thức quản lý và phân phối lợi ích phù hợp với quan hệ sản xuất, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất ở thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Trong cơ chế thị trường, các chủ thể sản xuất kinh doanh, vừa là chủ thể tiêu dùng sản phẩm hàng hóa được đặt vào những cơ hội như nhau để phát triển, được thể hiện ở tài năng, được thử thách về trình độ, năng lực, phẩm chất và sự sáng tạo trong hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh đòi hỏi chấp nhận cạnh tranh. Cơ chế thị trường có mặt trái của nó là cạnh tranh, dẫn đến sự chênh lệch thu nhập, bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo. Vấn đề đặt ra là phải có chính sách đúng đắn để hạn chế tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường, hướng tới mục tiêu công bằng xã hội, theo định hướng XHCN.
Đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng (2021), Đảng đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta tính đường dài với một lộ trình cụ thể. Tầm nhìn này chỉ ra định hướng đồng thời cũng vạch ra một mốc rất quan trọng để phấn đấu. Nhằm tới đích năm 2045, đất nước ta phát huy được khát vọng phát triển, thể hiện trách nhiệm của Đảng, của toàn dân. Tất cả tham gia một cách tích cực nhất, đóng góp trí tuệ, sức lực và tài năng của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, để đạt cho bằng được mục đích tốt đẹp mà Đảng đã đề ra là đến năm 2045, thời khắc Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành một nước có trình độ phát triển cao, nhân dân được hạnh phúc.
Để đạt được mục tiêu đó, trên cơ sở kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về các động lực của CNXH và bổ sung quan điểm về những nhân tố tạo thành động lực của các kỳ Đại hội Đảng trước đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hoá, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”[1]. Như vậy, với quan điểm nêu trên, động lực của đất nước, của xây dựng CNXH ở Việt Nam được xác định trên nhiều nội dung mới.
2. Phát huy các động lực của đất nước, của chủ nghĩa xã hội vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế
- Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển kinh tế đất nước.
Yêu nước là truyền thống quý báu, là hệ giá trị nổi bật của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy là mẫu số chung, là nguồn lực nội sinh của cộng đồng dân tộc. Lòng yêu nước không chỉ là tư tưởng, tình cảm mà đã trở thành triết lý, là chủ nghĩa yêu nước, là ý chí, khí phách, quyết tâm và hành động của mỗi con người Việt Nam. Trong chiến tranh, yêu nước được thể hiện qua tinh thần đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, tinh thần quật khởi, ý chí quật cường bất khuất, chống lại sự xâm lược, đô hộ, đồng hóa của ngoại bang để bảo vệ độc lập dân tộc và biên cương của Tổ quốc. Ngày nay, yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thử thách, hợp tác trong lao động, sản xuất; sáng tạo, hăng say để xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng thành công CNXH.
Để phát huy cao độ lòng yêu nước phải có tinh thần đoàn kết, chỉ có đoàn kết sâu, rộng chúng ta mới tập hợp được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong xây dựng và kiến thiết đất nước. Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng chỉ rõ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[2]. Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải lấy liên minh công nhân - nông dân - trí thức làm nền tảng và do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Tại nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở lý luận khoa học, thực tiễn vững chắc, với “tất cả sự khiêm tốn của người cộng sản”, có thể khẳng định rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[3]. Thật vậy, những thành tựu của đất nước những năm qua là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của dân tộc là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91% - mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 - 2020[4] và cũng ở mức thấp nhất trong 35 năm Đổi mới (1986 - 2020), nhưng vẫn được xem là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu. Trong bảng xếp hạng Chỉ số sức mạnh tại châu Á do Viện Lowy (Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại độc lập của Ô-xtray-li-a, thuộc danh sách 30 trung tâm hàng đầu thế giới) công bố ngày 19/1/2020, Việt Nam tăng một bậc từ 13 lên 12. Trong đó, về ảnh hưởng ngoại giao, chúng ta tăng 3 bậc, vượt lên đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Về kinh tế, Việt Nam vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN với GDP hơn 340 tỷ USD. Hãng định giá thương mại Brand Finance của Anh nhận định, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó, năm 2020, Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới[5]. Tạp chí The Economist (Anh) tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. PWC - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (có trụ sở tại Anh), dự báo Việt Nam sẽ nằm trong số 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới sau năm 2030.
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là năm Việt Nam khẳng định vị thế mới khi nước ta sẽ đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng. Trước khó khăn, thách thức của kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần khai thác tối đa nội lực, huy động và thu hút làn sóng đầu tư, tận dụng mọi cơ hội tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu để tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của đất nước trên tầm cao mới.
Như vậy, “từ một nước nhược tiểu, nghèo đói, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng rộng mở, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được tăng cường. Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và thiết chế hợp tác kinh tế đa phương, có vai trò, tiếng nói quan trọng trong khu vực và trên thế giới”[6].
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hoá, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.
Xuất phát thực tiễn đất nước - cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước hiện có, “với một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín lãnh đạo như Đảng ta, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ”[7] cùng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, chúng ta sẽ tạo nên sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, hoàn thành mục tiêu tổng quát (nước đang phát triển, có công nhiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao) cũng như các chỉ tiêu (về kinh tế; về xã hội; về môi trường) phát triển đất nước, thông qua thực hiện 3 chiến lược đột phá, trong đó “tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam…”[8] được xác định là nội dung của đột phá thứ hai trong 3 chiến lược đột phá 10 năm phát triển 2021 - 2020.
Đảng Cộng sản Việt Nam hướng vào nguồn lực nội sinh, sức mạnh dân tộc là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự tôn và tự hào dân tộc, nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tâm hồn… những giá trị cốt lõi của văn hóa, con người Việt Nam. Đây là sức mạnh vĩ đại, nguồn năng lượng to lớn, sống động thúc đẩy sự phát triển của quốc gia - dân tộc trên con đường xây dựng CNXH. Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Với tư cách là động lực của sự phát triển, văn hoá khơi dậy sức sống, sức sáng tạo vươn tới các giá trị nhân văn, tiến bộ của con người. Mục tiêu của CNXH là nhằm giải phóng và phát triển toàn diện con người. Vì vậy, bản chất của văn hoá thống nhất với mục tiêu phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta hướng tới. “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hoá thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hoá nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”[9].
Với những giá trị truyền thống tốt đẹp, con người Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng sáng tạo những thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ tiên tiến, tri thức hiện đại trên thế giới để đổi mới sáng tạo vào quá trình phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Những năm gần đây, các phong trào thi đua đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, với nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo không khí thi đua sôi nổi, được các cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Một số phong trảo tiêu biểu như: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần đưa Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 về đích trước gần 2 năm. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức phát động phong trào thi đua với nhiều tên gọi, cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn, bám sát vào nhiệm vụ trọng tâm, như: Tổ chức dồn điền, đổi thửa, phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống giao thông nông thôn, đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao thu nhập người dân... Xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm. Tính đến tháng 10 năm 2020, cả nước có 5.358 xã (60,3%) đạt chuẩn nông thôn mới và 162 đơn vị cấp huyện (24,4%) của 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua phong trào, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn được đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện; tư duy, nhận thức của cán bộ và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới ngày càng chuyển biến rõ nét, người dân ý thức được xây dựng nông thôn mới là xây dựng đời sống mới cho chính mình, mình là chủ thể, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự giác cao trong tổ chức thực hiện.
Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, đóng góp tích cực trong nỗ lực giảm nghèo, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều)[10]. Theo công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tổng số hộ nghèo cả nước là 609.049 hộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,23%...[11]
Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” đã được các cấp, các ngành triển khai tích cực; từng ban, bộ, ngành, tỉnh, thành phố đều đã ban hành nghị quyết chuyên đề, kế hoạch tổ chức thực hiện, cụ thể hóa các nội dung của phong trào nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu và bảo hộ sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu tình hình mới… Trong điều kiện rất khó khăn do dịch Covid-19 và khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới từ năm 2016 đến nay liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Theo Tổng cục Thuế, đến thời điểm ngày 19/10/2020, toàn quốc có 799.500 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 41.967 doanh nghiệp (5,54%) so với thời điểm ngày 31/12/2019[12]. Như vậy, phát huy các giá trị truyền thống dân tộc như tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là những động lực quan trọng góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế.
Trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) có những tác động to lớn đối với đời sống xã hội ở tất cả các quốc gia. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) tạo ra đột phá về công nghệ trong quá trình sản xuất và tiêu dùng đã giúp tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo ra lượng của cải vật chất khổng lồ, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Ngày nay, công nghệ thông tin tạo thời cơ, thuận lợi cho quá trình hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế diễn ra ra ngày càng sâu rộng, tạo cơ sở cho nền sản xuất toàn cầu, phục vụ cho nhân loại; tác động mạnh mẽ và sâu sắc đối với mọi lĩnh vực của cuộc sống, tạo động lực cho sự phát triển và tiến bộ xã hội. Song, chúng ta ý thức rằng, khoa học và công nghệ tự nó không trở thành động lực phát triển xã hội. Nó chỉ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội khi được định hướng, quản lý nhằm đem lại lợi ích chung cho quần chúng nhân dân, vì mục tiêu phát triển, công bằng và tiến bộ xã hội. Nếu đi ngược mục tiêu đó, nó sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội, thúc đẩy sự phân hoá xã hội và cản trở sự phát triển bền vững của xã hội, thậm chí trở thành nhân tố cản trở sự tiến bộ xã hội. Do vậy, cùng với việc tiếp thu những thành tựu của khoa học công nghệ, thì việc đổi mới năng lực sáng tạo của con người là yếu tố căn bản cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước ta theo định hướng XHCN.
Trên cơ sở tư duy đổi mới của Đại hội lần thứ VI (1986), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được thông qua tại Đại hội lần thứ VII của Đảng (1991) đề ra chủ trương đầy đủ hơn nữa về con người. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển kinh tế. Tại Đại hội VIII của Đảng (1996), con người được nhìn nhận như là nguồn lực của phát triển; nguồn lực con người trở thành động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững. Đến Đại hội XIII của Đảng (2021) xác định: “lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”[13].
Đến nay, rất tự hào khẳng định rằng đất nước chúng ta đang có được những điều kiện để thực hiện mục tiêu đó. Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2045, chúng ta phải là “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, nghĩa là bình quân đầu người đạt 15 nghìn USD trở lên. Như vậy, khát vọng và niềm tin của chúng ta hiện nay là xây dựng, phát triển quốc gia thịnh vượng, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sánh vai ngang hàng với các cường quốc trên thế giới. Và, “Với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”[14].
Tinh thần yêu nước, ý chí tựu cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng, niềm tin phát triển là những yếu tố tinh thần, là động lực quan trọng, có vai trò tạo nên sức mạnh to lớn cho mỗi quốc gia - dân tộc. Cùng với chủ trương, đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước, chúng ta quyết tâm và tin tưởng, chúng ta sẽ tạo nên đột phá, bứt phá vươn lên và cất cánh của quốc gia - dân tộc Việt Nam, hoàn thành mục tiêu trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, mục tiêu tầm nhìn tới 2030 (nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao) và năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước về đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc - sẽ không chỉ là khát vọng mà còn là thực tế, là thành quả chúng ta đạt được nhờ phát huy tốt các nguồn lực và động lực quan trọng của đất nước, trước hết là vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, góp phần quan trọng, ý nghĩa trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở nước ta hiện nay./.
Phan Tăng Tuấn
Học viện Chính trị Khu vực I
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.34.
[2]. ĐCSVN (2006): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, HN, tr.116.
[3]. ĐCSVN (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG Sự thật, HN, tr.34.
[4]. Tốc độ tăng GDP các năm từ năm 2011 đến năm 2020 lần lượt là: 6,24%; 5,25%; 5,42%; 5,98%; 6,68%; 6,21%; 6,81%; 7,08%; 7,02%; 2,91%
[5]. Bùi Thanh Sơn: “Công tác đối ngoại nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng và những định hướng đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới”, Tạp chí Cộng sản số 959 (2/2021), tr.60-61.
[6]. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Chung sức đồng lòng vì một Việt Nam cường thịnh”, dẫn theo: https://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Tong-Bi-thu-Chu-tich-nuoc-Nguyen-Phu-Trong-Chung-suc-dong-long-vi-mot-Viet-Nam-cuong-thinh-i549573/
[7]. ĐCSVN (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. CTQG Sự thật, HN, tr.35.
[8]. ĐCSVN (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. CTQG Sự thật, HN, tr.35.
[9]. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”,
Dẫn theo: https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam
[10]. Thiduakhenthuongvn.org.vn/tien-toi-dai-hoi-thi-dua-yeu-nuoc-toan-quoc-lan-thu-x/doan-ket-sang-tao-thi-dua-xay-dung-va-bao-ve
[11]. https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/xa-hoi/ty-le-ho-ngheo-ca-nuoc-giam-con-2-23-.html.
[12]. Thiduakhenthuongvn.org.vn/tien-toi-dai-hoi-thi-dua-yeu-nuoc-toan-quoc-lan-thu-x/doan-ket-sang-tao-thi-dua-xay-dung-va-bao-ve.
[13]. ĐCSVN (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. CTQG Sự thật, HN, tr.81.
[14]. Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 979 (12-2021), tr. 14