04/05/2025 lúc 02:51 (GMT+7)
Breaking News

Sự tham gia chính trị của người dân trong bối cảnh chuyển đổi số

Hiện nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ảnh hưởng lớn đến sự tham gia chính trị của người dân. Bài viết phân tích tác động, đánh giá các cơ hội và thách thức đặt ra từ quá trình chuyển đổi số, từ đó đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy sự tham gia chính trị của người dân ở Việt Nam.

Ảnh minh họa - TL

1. Mở đầu

Tham gia chính trị là hoạt động có lịch sử lâu đời. Con người tham gia chính trị thông qua các hình thức sơ khai như việc đưa ra quyết định lựa chọn người đứng đầu bộ tộc, bộ lạc để đại diện cho ý chí của mình. Theo tiến trình phát triển của xã hội, sự tham gia chính trị của người dân cũng dần cải tiến với những phương thức khác nhau gắn liền với đặc trưng của từng thời kỳ cũng như đặc điểm của từng quốc gia dân tộc. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã ứng dụng và tích hợp công nghệ trình độ cao vào các hoạt động đời sống xã hội. Sự phát triển này đã có những tác động sâu sắc, đa chiều đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường nói chung cũng như sự tham gia chính trị của người dân nói riêng. Nó tạo ra một môi trường rộng lớn và nhiều công cụ để người dân chủ động tích cực hơn trong việc tham gia chính trị của mình.

2. Nội dung

2.1. Về sự tham gia chính trị của người dân

Tham gia chính trị là một khái niệm cơ bản trong khoa học chính trị. Tuy vậy, với những cách tiếp cận khác nhau, có những định nghĩa khác nhau về vấn đề này. Theo Carole Jean Uhlaner: “Sự tham gia chính trị đề cập đến các hoạt động tự nguyện do quần chúng thực hiện nhằm tác động đến chính sách công, một cách trực tiếp hoặc bằng cách ảnh hưởng đến việc lựa chọn những người hoạch định chính sách”(1). Ngoài ra, các hoạt động truyền thống trong tham gia chính trị là biểu quyết, tìm kiếm thông tin, thảo luận và ủng hộ, tham dự các cuộc họp, đóng góp về tài chính, giao tiếp với các đại diện thì hình thức tham gia chính trị được mở rộng thêm các hình thức đăng ký chính thức để tham gia một đảng chính trị, thu thập và đăng ký cử tri, viết bài phát biểu và phát biểu, làm việc trong các chiến dịch vận động bầu cử và chạy đua vào các chức vụ của các đảng phái(2).

Hội đồng châu Âu định nghĩa: “Tham gia chính trị là bất kỳ hoạt động nào định hình, ảnh hưởng hoặc liên quan đến lĩnh vực chính trị”(3). Đây là định nghĩa được đánh giá là dễ hiểu và được sử dụng phổ biến hiện nay. Từ những phân tích trên, có thể khẳng định, sự tham gia chính trị của người dân là quá trình mà người dân thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong các hoạt động chính trị thông qua việc trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát các quyết sách của nhà nước và xã hội.

2.2 Các yếu tố tác động đến sự tham gia chính trị của người dân

Môi trường tham gia chính trị của người dân

Môi trường của một hệ thống là tập hợp các yếu tố bao quanh hệ thống, tác động lên hệ thống, xác định xu hướng tồn tại và trạng thái của hệ thống ấy. Vì thế có thể hiểu môi trường chính trị là tập hợp các yếu tố bao quanh hệ thống chính trị, tác động và xác định xu hướng tồn tại và trạng thái của hệ thống chính trị. Môi trường chính trị có thể tác động lên người dân thông qua nhận thức, làm biến đổi tư duy, hành vi và thúc đẩy các hoạt động chính trị của người dân. Đồng thời, sự tham gia chính trị của người dân cũng tác động ngược lại, có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự tiến bộ của môi trường chính trị. Môi trường chính trị bao gồm môi trường chính trị trong nước và môi trường chính trị quốc tế, cả hai môi trường này trực tiếp ảnh hưởng đến sự tham gia chính trị của người dân.

Theo đó, sự tham gia chính trị của người dân có thể thực hiện được hay không phải xem vị thế của công dân đó trong tương quan với hệ thống chính trị của quốc gia, các yếu tố cấu thành hệ thống chính trị và sự tương quan giữa các yếu tố đó tạo điều kiện để người dân có thể tham gia chính trị. Môi trường chính trị của mỗi quốc gia là những gì diễn ra xoay quanh hệ thống chính trị của quốc gia bao gồm ba bộ phận hợp thành là chính đảng, nhà nước và các tổ chức xã hội, là nền tảng tham gia chính trị của người dân thông qua những khía cạnh sau:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia đồng thời vừa trao quyền và giới hạn quyền lực của người dân, trong đó bao gồm các quyền chính trị, sự tham gia chính trị của người dân cũng sẽ được quy định cụ thể và phải thuộc phạm vi những gì nhà nước không cấm.

Thứ hai, theo tháp nhu cầu Maslow, chỉ khi an toàn và đủ đầy về mặt vật chất, người dân mới chú trọng đến các yếu tố về tri thức, tinh thần, con người mới quan tâm và phát triển sự tham gia chính trị. Vì thế nguồn lực kinh tế và an ninh quốc phòng cũng là những yếu tố quan trọng bởi kinh tế là nền tảng cơ sở hạ tầng của xã hội còn an ninh quốc phòng tạo ra môi trường chính trị ổn định, an toàn để người dân phát triển năng lực nhận thức, thúc đẩy kinh tế, chỉ khi đó người dân mới có cơ hội tham gia chính trị một cách dân chủ và tích cực.

Thứ ba, những yếu tố như tập quán, truyền thống, văn hoá chính trị,… ảnh hưởng đến thói quen tham gia chính trị của người dân. Nếu ở một cộng đồng có văn hoá tham gia chính trị chủ động tích cực thì con người sẽ tự hình thành thói quen tham gia chính trị tương tự. Tuy nhiên, đây là những yếu tố đòi hỏi xây dựng một cách lâu dài và khó có thể cụ thể hóa.

Thứ tư, sự tham gia chính trị của người dân sẽ phát triển song hành cùng sự phát triển nền dân chủ của mỗi quốc gia, được coi là thước đo sự phát triển của quốc gia đó. Khi người dân tham gia chính trị tích cực, chủ động, hiệu quả cũng là khi mức độ dân chủ của quốc gia được nâng cao và ngược lại.

Bên cạnh đó, trong thế giới toàn cầu hoá, việc tương tác qua lại, giao thoa giữa các quốc gia là một đặc trưng, thông qua đó các chính phủ có thể học tập, trao đổi, gia nhập vào các tổ chức quốc tế, tạo ra mối quan hệ giao thoa của các môi trường chính trị. Trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, mỗi quốc gia sẽ phải điều chỉnh pháp luật quốc gia cho phù hợp với môi trường chính trị quốc tế, sự tham gia chính trị của người dân cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng chung của sự tác động này, gồm:

Quyền tham gia chính trị của người dân các quốc gia có sự tương đồng. Sự giao thoa pháp luật quốc tế có thể ảnh hưởng một cách mạnh mẽ trong rất nhiều khía cạnh dẫn đến sự biến đổi của hệ thống chính trị trong một quốc gia. Các quốc gia có thể phải thay đổi thể chế pháp luật sao cho phù hợp với luật chơi chung, quyền chính trị và sự tham gia chính trị của người dân cũng sẽ có nét tương đồng.

Sự giao lưu của các quan hệ văn hóa, sắc tộc, tôn giáo khiến cho sự tham gia chính trị của người dân ngày càng cởi mở hơn, đồng thời có thể học tập hoặc rút kinh nghiệm sự tham gia chính trị của người dân ở các quốc gia.

Ý thức về quyền tự do, dân chủ của người dân ngày càng được nâng cao. Thông qua hội nhập quốc tế, sự giao lưu giữa các nền dân chủ tạo nên những tác động làm thay đổi nhận thức của công dân về quyền và khả năng tham gia chính trị của chính mình. Nhận thức về tham gia chính trị dẫn đến hành động, từ đó thúc đẩy người dân phát triển năng lực tham gia chính trị.

Động lực thúc đẩy hành vi tham gia chính trị của người dân

Người dân tham gia chính trị có thể vì rất nhiều mục đích và bởi những động cơ, mục tiêu cụ thể. Một số lý do cơ bản mà người dân thực hiện các hoạt động này như:

Người dân tham gia chính trị do sự tác động, mời gọi của các tổ chức chính trị: Trong thực tế, đa số người dân thường không tự ý thức việc sẽ tham gia vào chính trị. Họ phải được thúc đẩy để tham gia, thường là bởi những người hoặc tổ chức liên hệ với họ và yêu cầu họ tham gia. Các đảng phái chính trị, tổ chức chính trị thường tuyên truyền kêu gọi, vận động người dân tham gia vào tổ chức của họ nhằm đạt những mục tiêu chính trị mà tổ chức đó đặt ra.

Người dân tham gia chính trị do kế thừa khuôn mẫu thói quen: Sự tham gia chính trị của người dân có thể bắt đầu từ việc kế thừa, trong đó người dân bắt chước nhau, bắt chước các thế hệ đi trước và hình thành thói quen tham gia vào chính trị thông qua việc lặp lại những cách thức đã tồn tại trước đó. Hành vi của cha mẹ là vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi người, nếu cha mẹ tham gia biểu tình thường xuyên thì con cái cũng có xu hướng tham gia biểu tình. Hoặc nếu thanh thiếu niên có cha mẹ quan tâm đến các vấn đề chính trị và xã hội thì họ cũng có mức độ quan tâm cao hơn đối với các vấn đề này(4). Đối với nhiều người, quá trình phát triển cá nhân là quá trình xây dựng niềm tin, hình thành thái độ sống và thúc đẩy hành động chính trị của họ.

Người dân tham gia chính trị do các trải nghiệm cuộc sống: Trải nghiệm chính trị đến từ gia đình, trường học, nhóm, tổ chức cộng đồng và phương tiện thông tin đại chúng là một nhân tố thúc đẩy mọi người trở thành những người tham gia chính trị. Nếu sinh ra ở một gia đình không quan tâm chính trị thì người dân cũng sẽ không quan tâm đến chính trị. Nhưng nếu cha mẹ là những chính trị gia thì rất có khả năng con cái của họ cũng sẽ hoạt động chính trị tích cực vào một thời điểm nào đó trong đời(5).

Người dân tham gia chính trị do các yếu tố như thái độ chính trị, niềm tin chính trị, bản lĩnh chính trị: Thái độ của người dân về chính phủ và chính trị có thể ảnh hưởng đến quyết định tham gia của họ. Những người có bản lĩnh chính trị, quan tâm đến chính trị, có tinh thần nghĩa vụ công dân thì tham gia nhiều hơn. “Hiệu quả chính trị là niềm tin rằng cá nhân bạn có thể tạo ra sự khác biệt trong các công việc của chính phủ”(6). Các nghiên cứu ở Mỹ đã chỉ ra sự quan tâm của người Mỹ đối với chính trị đã giảm trong khoảng hai thập kỷ bắt đầu từ những năm 1980. Đến năm 2000, chỉ khoảng một phần tư dân số bày tỏ quan tâm đến chiến dịch tranh cử tổng thống. Có khoảng 40% công dân cảm thấy bỏ phiếu là một nghĩa vụ công dân quan trọng(7).

Người dân tham gia chính trị do nhu cầu và nguyện vọng cá nhân: Khi người dân có kỳ vọng rằng việc tham gia chính trị sẽ là một phần thưởng, họ sẽ có động lực hơn. Kỳ vọng này khiến mọi người tích cực và chủ động hơn trong hành động tham gia chính trị. Một bộ phận người dân tham gia chính trị được thúc đẩy bởi niềm tin rằng họ sẽ được kết nối với những nhà lãnh đạo quyền lực và nhận được những lợi ích vật chất, chẳng hạn như cơ hội để phát triển sự nghiệp hoặc nhận được sự giúp đỡ cá nhân, hoặc nắm lấy cơ hội gặp gỡ mọi người và giao lưu trong khi làm việc cùng nhau, hoặc họ cảm thấy vui khi làm điều gì đó có ý nghĩa cho cộng đồng. Các trường trung học và cao đẳng trên thế giới đã thiết lập các chương trình phục vụ cộng đồng để kích thích sự tham gia suốt đời của học sinh, sinh viên, kích thích sự thích thú và động lực để tham gia chính trị(8).

2.3 Hình thức tham gia chính trị của người dân trên thế giới

Sự phát triển của nhân loại gắn liền với sự phát triển của nền dân chủ và một trong những biểu hiện không thể thiếu đó chính là sự phát triển đa dạng của các hình thức tham gia chính trị. Về vấn đề này, Van Deth xác định những hình thức tham gia cụ thể sau đây: Thứ nhất, các hoạt động nằm trong phạm vi của nhà nước (ví dụ: bỏ phiếu, tham gia các hoạt động tình nguyện của các đảng chính trị, tiếp xúc, liên hệ với các chính trị gia); Thứ hai, các hành vi nằm ngoài phạm vi này nhưng vẫn nhằm mục tiêu chính trị hoặc một mục đích chung (ví dụ ký tên vào các kiến nghị, tham gia biểu tình); Thứ ba, các hoạt động nằm ngoài phạm vi của nhà nước và không nhằm vào các chủ thể chính trị, các vấn đề tập thể, không đặt trong bối cảnh chính trị nhưng vẫn được thúc đẩy bởi các ý định chính trị(9).

Bên cạnh đó, cũng có thể chia thành hình thức tham gia chính trị khác như: Tham gia chính trị theo thông lệ (Conventional Participation) thường bao gồm các hình thức tham gia chính trị được quy định trong luật như: bầu cử, tham gia các hoạt động tình nguyện, tham gia các tổ chức xã hội... Tham gia không theo thông lệ (Unconventional Participation) bao gồm các hoạt động không được thể chế hóa nhưng hợp pháp có thể kể đến như diễu hành, tổ chức các cuộc biểu tình và biểu tình, ký tên thỉnh nguyện, tẩy chay... Tham gia bất hợp pháp (Illegal Participation) gồm các hoạt động ảnh hưởng đến chính trị nhưng vi phạm pháp luật(10).

2.4. Chuyển đổi số và tác động đối với sự tham gia chính trị của người dân

Các quan điểm, khái niệm về “chuyển đổi số” trên thế giới định nghĩa tương đối đa dạng dưới nhiều giác độ từ vĩ mô đến vi mô, từ lĩnh vực quản lý công đến doanh nghiệp, cá nhân. Mỗi góc nhìn, tư duy khác nhau về “chuyển đổi số” tuy có những sự khác biệt nhất định về cách hiểu song cũng là nền tảng hình thành nên những đặc điểm chung nhất. Theo đó, chuyển đổi số là quá trình áp dụng công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh doanh và tổ chức, nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình hoạt động, nâng cao hiệu quả công việc và tạo ra giá trị mới. Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là số hóa dữ liệu hay quy trình, mà còn là sự thay đổi toàn diện về tư duy, văn hóa và cách tiếp cận trong tổ chức hoặc xã hội.

Những tác động của chuyển đổi số đến sự tham gia chính trị của người dân

Thứ nhất, thay đổi môi trường tham gia chính tr

Với các chính phủ, chuyển đổi số tạo ra những bước chuyển quan trọng trong hoạt động quản lý, điều hành. Các chính phủ ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường sự minh bạch, giảm bớt quy mô nhân sự, tạo nên một mô hình chính phủ có hiệu suất hoạt động cao. Đối với lĩnh vực kinh tế, chuyển đổi số tạo ra một môi trường sáng tạo, năng động, cởi mở, góp phần tạo ra các giá trị mới, tăng năng suất lao động, phát triển xã hội với tốc độ vượt bậc. Với xã hội, chuyển đổi số giúp người dân có cơ hội bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, thúc đẩy bình đẳng, tạo nên một môi trường dân chủ hơn, thuận lợi hơn để tham gia vào chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà môi trường chính trị chuyển đổi số tạo ra, vẫn còn tồn tại và phát sinh rất nhiều vấn đề liên quan như an ninh quốc gia, an toàn thông tin, loại trừ xã hội,… Đối với môi trường chính trị quốc tế, trong bối cảnh chuyển đổi số, sự tương tác, giao thoa văn hoá, kinh tế, chính trị, mối quan hệ giữa các quốc gia ngày càng được củng cố và phát triển. Khi sự tương tác của các quốc gia và sự tương tác của công dân các nước trên nền tảng mạng xã hội trở nên phổ biến thì ảnh hưởng của môi trường chính trị quốc tế đến sự tham gia chính trị của người dân sẽ ngày càng cao.

Thứ hai, thay đổi hình thức tham gia chính trị

Với sự phát triển của công nghệ số, hoạt động tham gia chính trị của người dân không còn vận hành theo các phương thức truyền thống nữa mà thay vào đó là các hình thức mới như: Bầu cử, biểu quyết, góp ý, phản biện chính sách; kiến nghị chính sách, tố cáo hay theo dõi, giám sát hoạt động của nhà nước … đều được thực hiện trực tuyến. Các quyết định chính sách được đưa ra dựa trên các phản ánh của nhân dân thông qua phân tích từ các ứng dụng số; các cuộc trưng cầu dân ý để nhân dân thể hiện ý chí của mình đối với các vấn đề thường nhật được thể hiện trên không gian mạng, các trang điện tử của chính phủ. Các hoạt động hành chính của chính phủ trên không gian mạng, các trang điện tử giúp nhân dân tiếp cận vượt phạm vi không gian, thời gian, không cần thực hiện trực tiếp mà thông qua các thiết bị thông minh để truy cập vào cổng dịch vụ hành chính điện tử; các cuộc biểu tình không chính thống thể hiện ý chí của nhân dân thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, các hình thức tham gia chính trị truyền thống không được sử dụng tích cực như trước, thay vào đó là các hình thức tham gia dân chủ mới được phát triển mạnh mẽ, có sức nặng lớn thông qua các hoạt động mang tính trực tiếp hơn. Khuyến khích việc sử dụng các hình thức tham gia mới để thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan đại diện và công dân, bù đắp một số điểm yếu trước đây. Các phương thức này cũng nhận được sự tham gia nhiều hơn của người dân trong việc ra quyết định của cộng đồng dẫn đến việc công chúng chấp nhận nhiều hơn các chính sách của chính phủ.

Thứ ba, thay đổi hành vi tham gia chính trị

Trong bối cảnh chuyển đổi số, mạng xã hội, internet và các công nghệ hiện đại đã thúc đẩy sự xuất hiện của các hình thức tham gia chính trị mới diễn ra trực tuyến trong “môi trường kỹ thuật số”, ứng dụng “công nghệ kỹ thuật số”. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi tham gia chính trị trực tuyến được thực hiện, có thể tổng hợp thành những thay đổi chính sau:

Tìm kiếm thông tin: Thông qua nhiều kênh thông tin bằng cách sử dụng internet mà người dân có thể tiếp cận thông tin dễ dàng, nhanh chóng và trực tiếp. Các nguồn tin tức, các thông tin về chính phủ, thế giới, tranh luận về chính trị hay các kế hoạch về chính sách công… dễ dàng tiếp cận.

Thảo luận về chính trị: Có những kênh giao tiếp mà ở đó mọi người có thể giao tiếp, thảo luận, hỏi đáp, xin ý kiến tư vấn hay đối thoại trực tiếp với những chính trị gia, các nhà lãnh đạo. Không chỉ vậy, mọi người còn có thể giao tiếp trao đổi bàn luận một cách thuận tiện chỉ với một cái chạm tay.

Thành lập, tham gia các chiến dịch chính trị: Có thể tạo ra nhiều nền tảng để chia sẻ, phân phối nội dung chính trị xã hội. Có thể thành lập các chiến dịch chính trị, tuyên truyền hay tuyển dụng các thành viên cho các tổ chức chính trị mới.

Bên cạnh việc tác động đến sự thay đổi của hành vi tham gia chính trị của người dân, chuyển đổi số cũng góp phần vào việc giám sát dân chủ đối với các tổ chức công và tăng cường trách nhiệm giải trình của họ.

2.5. Hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Hiến pháp năm 2013 quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo của Nhà nước và xã hội, do đó, chủ trương, đường lối của Đảng đóng vai trò quyết định đối với quá trình thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự tham gia chính trị của người dân. Trong bối cảnh chuyển đổi số, Đảng phải đổi mới tư duy và nhận thức, nghiên cứu ban hành chủ trương, đường lối thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện đất nước. Trên cơ sở đó, Nhà nước thể chế hóa thành các quy định của pháp luật để có một nền tảng cơ sở cho sự tham gia chính trị của người dân, cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện những quy định về quyền tham gia chính trị của người dân. Ban hành các chính sách, quy định cụ thể về quyền tham gia chính trị trên nền tảng số; quy định rõ trách nhiệm các cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến người dân qua môi trường số; bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền tham gia chính trị hợp pháp trên không gian mạng.

Thứ hai, Chính phủ đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ và nền tảng số phục vụ cho tương tác chính trị theo hướng bảo đảm tính mở, dễ sử dụng và an toàn thông tin để người dân ở mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là người cao tuổi, người dân nông thôn, người khuyết tật… có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng, quản lý quyền và nghĩa vụ của các công ty công nghệ trong chế tạo, sử dụng công nghệ, khai thác, bảo mật dữ liệu. Cần có những phân loại cụ thể các cấp độ tầng lớp bảo mật trong nền tảng số, đặc biệt là các nền tảng trọng yếu của nhà nước và toàn dân trong tham gia chính trị, chỉ có việc phân loại một cách rõ ràng thì mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của những xâm phạm mới có thể giảm thiểu.

Thứ tư, thúc đẩy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình về sự tham gia chính trị trong kỷ nguyên số. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về quyền được thông tin của người dân trên các nền tảng điện tử.

Thứ năm, tăng cường cơ chế phản hồi, giám sát và đánh giá sự tham gia: Thiết lập cơ chế giám sát, phản hồi hai chiều giữa người dân và cơ quan nhà nước trên nền tảng số; bảo đảm mọi ý kiến của công dân được ghi nhận, xử lý và phản hồi đúng thời hạn. Xây dựng hệ thống đo lường mức độ tham gia chính trị của người dân trên môi trường số (E-participation Index) để làm cơ sở điều chỉnh chính sách và nâng cao hiệu quả quản trị số.

3. Kết luận

Chuyển đổi số đang tạo ra những biến đổi sâu sắc trong xã hội, làm thay đổi phương thức người dân tham gia vào đời sống chính trị. Môi trường số mở rộng không gian dân chủ, đa dạng hóa hình thức tham gia và nâng cao tính chủ động của công dân trong việc tiếp cận, phản ánh và tác động đến quá trình hoạch định chính sách. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra những yêu cầu mới về thể chế, hạ tầng công nghệ, năng lực số của người dân và bảo đảm quyền công dân trong môi trường mạng. Để phát huy hiệu quả sự tham gia chính trị của người dân trong bối cảnh chuyển đổi số, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế dân chủ XHCN theo hướng minh bạch, công khai và lấy người dân làm trung tâm; phát triển chính phủ số đồng bộ với nâng cao chất lượng dịch vụ công; thúc đẩy giáo dục chính trị - pháp luật và phổ cập kỹ năng số cho người dân; đồng thời xây dựng văn hóa chính trị hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thời đại số. Những hàm ý chính sách nêu trên cần được triển khai đồng bộ, bài bản và thích ứng với thực tiễn từng vùng miền, từng nhóm đối tượng, từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển xã hội số, công dân số và nền dân chủ XHCN Việt Nam trong thời đại mới.

ThS NGUYỄN THU PHƯƠNG
PGS, TS PHẠM VIỆT THẮNG
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

_________________

([1]), (9) James D. Wright, International Encyclopedia of the Social and Behavioral Sciences (Second Edition), University of Central Florida, United States, 2015.

(2), (4) Liza Bergström, “Political participation - A qualitative study of citizens in Hong Kong”, Institutionen för samhällsvetenskap, Sweden, 2006.

(3) Ondřej Bárta and Anna Lavizzari, Insights – meaningful youth political participation in europe, Council of Europe and European Union, 2021.

(5) Richard M. Merelman, “Making Something of Ourselves”, California Press, United States, 1984.

(6) Sidney Verba and Norman H. Nie, Participation in America: Political Democracy and Social Equality, The University of Chicago Press, United States, 1972.

(7) Pew Research Center for the People and the Press, Pew Weekly News Interest Index Poll, Oct, 2010, Poll Database, http://people-press.org

(8) Aaron Martin, Young People and Politics: Political Engagement in the Anglo-American Democracies by Aaron Martin, Routledge, United Kingdom, 2015.

(10) Bùi Việt Hương (2021), Công tác dân vận góp phần thúc đẩy sự tham gia chính trị của người dân, http://bienphongvietnam.gov.vn, ngày 16-8-2021.

...