17/07/2025 lúc 19:48 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy sức mạnh tư tưởng của Đảng trong việc bảo vệ văn hóa dân tộc trước làn sóng xét lại ở kỷ nguyên số

TÓM TẮT

Văn hóa là nền tảng tinh thần định hình bản sắc, hun đúc bản lĩnh, nuôi dưỡng niềm tin trong mỗi con người và cả một dân tộc. Trong kỷ nguyên số, việc giữ gìn, phát huy văn hóa Việt Nam là yêu cầu sống còn để bảo vệ nền tảng tư tưởng, chống lại các biểu hiện tinh vi của chủ nghĩa xét lại. Chủ nghĩa xét lại đang ra sức bóp méo lịch sử, làm xói mòn truyền thống, lệch chuẩn giá trị thông qua môi trường số. Bài viết đặt văn hóa vào trung tâm bảo vệ tư tưởng – chính trị, khẳng định vai trò dẫn dắt của Đảng trong việc xây dựng bản lĩnh văn hóa, củng cố tư tưởng vững vàng để giữ cho ngọn lửa bản sắc bền bỉ, luôn cháy trong tâm thức người Việt.

Từ khoá: Văn hoá, chủ nghĩa xét lại, kỷ nguyên số, bản sắc dân tộc, nền tảng tư tưởng.

Ảnh minh họa: TL

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, văn hóa dân tộc luôn là nguồn lực nội sinh quý báu, xây đắp nên bản lĩnh, trí tuệ, hồn cốt của con người Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” - một chân lý vẫn còn nguyên giá trị trong kỷ nguyên vươn mình hội nhập và chuyển đổi số. Trong thời đại kỷ nguyên số, với sự phát triển của công nghệ, văn hóa Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa xét lại đang đặt ra nguy cơ, phá vỡ những giá trị nền tảng tư tưởng, bản sắc từ bên trong của dân tộc. Trước tình hình đó, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa không chỉ là trách nhiệm mà còn là sứ mệnh của cả dân tộc. Đây chính là bức tường thành vững chắc để dân tộc Việt Nam không bị hòa tan trong dòng chảy của hội nhập mà càng đi xa càng tỏa sáng bản sắc riêng vốn có của mình.

I. MỘT SỐ CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VĂN HOÁ VÀ CHỦ NGHĨA XÉT LẠI

1. Khái niệm và bản chất về văn hoá

Khái niệm văn hoá được tiếp cận đa dạng dưới nhiều góc nhìn, nhưng tựu trung lại, đều thống nhất ở bản chất là “Văn hoá là phương thức tổ chức đời sống của con người trong xã hội”. Xét dưới góc độ khoa học xã hội và nhân văn, văn hoá là một phạm trù có tính lịch sử, tổng hợp và phức tạp. Văn hoá phản ánh trình độ phát triển của một cộng đồng người trong quá trình sản xuất vật chất, sáng tạo tinh thần trong lịch sử; đồng thời, định hướng cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc và tác động ngược lại quá trình tư duy, hành vi, tổ chức đời sống xã hội.

Trong tuyên bố Mexico năm 1982, UNESCO mở rộng phạm vi tiếp cận khi khẳng định “Văn hoá là tổng thể những đặc trưng tinh thần, vật chất, trí tuệ và cảm xúc đặc trưng cho một xã hội hoặc một nhóm xã hội. Văn hoá không chỉ bao gồm nghệ thuật và văn hoá mà còn cả lối sống, các quyền cơ bản của con người, hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng”. Vì thế, văn hoá vừa mang tính bản sắc dân tộc, vừa có khả năng lan tỏa, ảnh hưởng, dẫn dắt sự phát triển của nhân loại.

Tuy nhiên, văn hóa không chỉ dừng lại ở vai trò phản ánh mà còn là một quyền lực mềm, một “kết cấu vô hình” nhưng lại có năng lực chi phối hữu hình đến tư tưởng, niềm tin, hành động của con người. Dưới góc nhìn triết học Mác – Lênin, văn hoá là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh điều kiện kinh tế - xã hội, mang dấu ấn rõ nét của giai cấp thống trị trong từng thời kỳ xã hội. Văn hoá gắn liền với điều kiện tồn tại vật chất của con người, phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Điều đó cho thấy văn hóa vừa là sản phẩm của lịch sử, vừa là công cụ cải tạo xã hội. C.Mác đã khẳng định “Con người tạo ra hoàn cảnh, nhưng chính hoàn cảnh cũng tạo ra con người”. Văn hoá suy cho cùng chính là “tập quán được thể chế hoá” là kết cấu vô hình nhưng có sức chi phối hữu hình lên tư tưởng, niềm tin, hành động của con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng… Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Theo Người, văn hoá là sản phẩm của hoạt động thực tiễn, kết quả của sự tương tác giữa con người với môi trường, phản ánh quá trình lịch sử và nhu cầu tồn tại.

Từ những tiếp cận nêu trên, có thể khẳng định rằng văn hoá không phải là toàn bộ những gì con người tạo ra, mà là kết tinh mang giá trị, được xã hội công nhận, duy trì và phát triển. Văn hoá không đứng yên, mà vận động cùng tiến trình xã hội, vừa chịu ảnh hưởng từ lịch sử, vừa đóng vai trò chủ động trong cải biến xã hội thông qua việc kiến tạo các mô thức hành vi, quy phạm và hệ thống biểu tượng.

2. Vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế, chính trị và xã hội

Văn hóa vừa là biểu hiện của đời sống tinh thần vừa là hệ giá trị tư tưởng mô thức hành vi được kiến tạo và tái tạo qua lịch sử, từ đó hình thành bản lĩnh dân tộc, định hướng cho sự phát triển bền vững, tự chủ. Trong mối quan hệ với kinh tế, chính trị và xã hội, văn hóa không đóng vai trò phụ trợ, mà vận hành như một cấu trúc hạ tầng tinh thần, tham gia trực tiếp vào việc tổ chức mô hình tăng trưởng, cấu trúc quyền lực và duy trì ổn định xã hội.

Thứ nhất, trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa là yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực, đạo đức sản xuất và tư duy đổi mới.

Một nền kinh tế muốn phát triển nhanh và bền vững không thể chỉ dựa vào tài nguyên hay công nghệ, mà cần bắt đầu từ con người – trung tâm của văn hóa. Văn hóa định hình đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động, tinh thần sáng tạo và trách nhiệm xã hội – những yếu tố cốt lõi tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao. Các quốc gia như Nhật Bản với tinh thần “kaizen” – cải tiến liên tục đã xây dựng một xã hội trọng hiệu quả và trách nhiệm, hay Hàn Quốc đã kế thừa, hiện đại hóa các giá trị Nho giáo truyền thống giúp Hàn Quốc xây dựng một “đạo đức phát triển” bền vững trong xã hội công nghiệp.

Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam từ sớm đã khẳng định: “Muốn phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trước hết phải phát triển văn hóa”. Đây là chỉ đạo thực tiễn nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế luôn gắn liền với giữ gìn đạo đức xã hội, hạn chế mặt trái của thị trường, bảo vệ bản sắc dân tộc. Việc tăng trưởng kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa, để văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy quốc gia phát triển giàu mạnh hơn. Trong thời đại chuyển đổi số, văn hóa số, tinh thần khởi nghiệp và văn hóa đổi mới sáng tạo đang trở thành nguồn lực mềm quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ hai, đối với chính trị, văn hóa giữ vai trò then chốt trong việc chính danh hóa quyền lực, củng cố tính chính đáng của thể chế, đồng thời làm mềm hóa mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân.

Văn hóa chính trị là nền tảng tinh thần cốt lõi giúp xây dựng một Nhà nước kiến tạo, liêm chính và phát triển bền vững. Văn hóa chính trị bao hàm cả các giá trị trung thực, đối thoại, cơ chế tự điều chỉnh, nâng cao phẩm chất người cán bộ và củng cố lòng tin của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài cách mạng vô sản... mà muốn làm cách mạng thì phải có Đảng, và Đảng phải có văn hóa”. Văn hóa, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chính là sức mạnh tinh thần của cách mạng, phương tiện truyền tải lý tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin và yếu tố giữ vững bản chất tiên phong của Đảng. Hơn thế, văn hóa còn là cầu nối giúp gắn liền, xây dựng niềm tin, rút ngắn khoảng cách giữa Nhà nước và Nhân dân. Một nền quản trị thấm đẫm văn hóa đối thoại, tôn trọng và trách nhiệm sẽ khiến quyền lực trở nên gần gũi. “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” - quan điểm của Người không chỉ là một nguyên lý chính trị mà nó còn là biểu hiện sâu sắc của một nền văn hóa đặt nhân dân vào trung tâm, thể hiện tinh thần xây dựng nền văn hóa vì dân, lấy người dân đặt vào trung tâm của sự phát triển.

Thứ ba, trong lĩnh vực xã hội, văn hóa là cơ chế tự điều chỉnh, giúp duy trì ổn định, đoàn kết, ngăn ngừa xung đột.

Văn hóa định hình lối sống, các chuẩn mực hành vi và sự tương tác xã hội trong mỗi cộng đồng. Một xã hội văn minh vừa được đo lường qua mức thu nhập vừa còn thể hiện qua thái độ sống nhân ái, tinh thần đoàn kết, sự tôn trọng pháp luật. Những giá trị này không thể được áp đặt từ bên ngoài mà phải được nuôi dưỡng từ nền tảng văn hóa cộng đồng, qua giáo dục, truyền thống, các mô hình ứng xử đã được xác lập qua nhiều thế hệ. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đã thể hiện được mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa và sự phát triển xã hội, trong đó văn hóa là công cụ để duy trì trật tự xã hội, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống. Vì thế, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trở nên càng quan trọng hơn bao giờ hết để giữ gìn bản sắc, bảo vệ sự ổn định xã hội.

Tóm lại, văn hóa với tư cách là một hệ giá trị nền tảng, không chỉ ảnh hưởng mà còn định hướng sự phát triển toàn diện của một quốc gia. Văn hóa tạo nên động lực nội sinh, củng cố tính chính đáng của thể chế nuôi dưỡng sự ổn định, gắn kết. Để đạt được sự phát triển bền vững, việc coi trọng và phát huy giá trị văn hóa là yêu cầu không thể thiếu, giúp xây dựng một quốc gia mạnh mẽ, đoàn kết, thịnh vượng.

3. Bản chất của Chủ nghĩa xét lại

Chủ nghĩa Marx, sau hàng thập kỷ đấu tranh các học thuyết đối lập có hệ thống từ Proudhon, Bakunin hay Duhring, nay phải đấu tranh với một trào lưu mới từ chính bên trong chủ nghĩa Marx - chủ nghĩa xét lại với sự khởi đầu của Bernstein, một nhà “Marxist chính thống” người Đức. Tuy nhiên, theo Lenin đây thực chất là hành động “rút ruột” nội dung cách mạng của chủ nghĩa Marx, làm suy yếu lập trường giai cấp vô sản. Sự phủ nhận tính tất yếu của cách mạng và niềm tin vào khả năng tự điều chỉnh chủ nghĩa tư bản mà Lênin phê phán kịch liệt rằng “chủ nghĩa xét lại là biểu hiện của tư tưởng tư sản và tiểu tư sản thâm nhập vào hàng ngũ công nhân”.

Theo Lênin, chủ nghĩa xét lại đi ngược lại bản chất chủ nghĩa Marx ở ba điểm chính: (1) Từ bỏ phép biện chứng duy vật, thay thế bằng chủ nghĩa duy tâm tầm thường, làm mất tính cách mạng của lý luận; (2) Phủ nhận sự phân hóa giai cấp trong chủ nghĩa tư bản và tin rằng tư bản có thể tự cải cách, làm phai nhòa tính tất yếu của cách mạng vô sản; và (3) Chủ trương hợp tác với giai cấp cầm quyền tư sản, thay vì tập trung vào đấu tranh cách mạng.

Tuy nhiên, tác động nguy hiểm nhất của chủ nghĩa xét lại hiện đại không còn chỉ diễn ra trong lĩnh vực lý luận chính trị, mà thể hiện sâu sắc trong lĩnh vực văn hóa. Chủ nghĩa xét lại trong văn hóa không xuất hiện bằng các tuyên ngôn học thuật trực diện, mà ngấm ngầm qua những hình thức “mềm hóa” giá trị, cổ vũ chủ nghĩa tiêu dùng, cá nhân cực đoan, tự do tuyệt đối phi trách nhiệm... Những biểu hiện này, khi không được nhận diện kịp thời, sẽ làm xói mòn lòng tin vào lý tưởng cách mạng. Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội, chủ nghĩa xét lại văn hóa càng có điều kiện lan rộng với hình thức khó kiểm soát và dễ tiếp nhận. Những giá trị mới đang từng bước thay thế các giá trị truyền thống, dẫn tới nguy cơ mất phương hướng văn hóa, từ đó tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch thực hiện diễn biến hòa bình.

Vì vậy, việc nhận thức rõ bản chất, cảnh giác với các biểu hiện tinh vi của chủ nghĩa xét lại trong lĩnh vực văn hóa không chỉ là vấn đề lý luận, mà là yêu cầu thực tiễn cấp thiết trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, bản lĩnh văn hóa quốc gia trong kỷ nguyên số.

II. TÁC ĐỘNG CỦA CHỦ NGHĨA XÉT LẠI ĐỐI VỚI NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG, VĂN HÓA TOÀN CẦU VÀ VIỆT NAM

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, chủ nghĩa xét lại không chỉ còn là sự biến đổi về mặt lý luận chính trị mà đã trở thành một công cụ mềm để tái cấu trúc nhận thức xã hội. Với sự phát triển của môi trường số, các giá trị văn hóa, lịch sử, tư tưởng truyền thống đang dần bị thử thách bởi làn sóng thông tin đa chiều, đôi khi sai lệch hoặc xuyên tạc. Từ việc phủ nhận di sản tư tưởng Mác – Lênin đến việc khuyến khích lối sống phi truyền thống, chủ nghĩa xét lại hiện đại len lỏi vào đời sống thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, âm nhạc, điện ảnh và mạng xã hội – đặc biệt ảnh hưởng sâu sắc đến giới trẻ.

Điều này được chứng minh rõ nét ở trường hợp Iran năm 2009 với Phong trào Xanh bùng phát. Đó không chỉ là một biến cố chính trị đòi minh bạch bầu cử mà còn là một cuộc nổi dậy văn hóa. Giới trẻ Iran sử dụng mạng xã hội, âm nhạc, điện ảnh và biểu tượng thời trang để phản kháng trật tự truyền thống. Ẩn sâu dưới sự phản kháng tự do của giới trẻ là hệ quả của quá trình dài chịu ảnh hưởng bởi các giá trị phương Tây thông qua truyền thông số, dẫn đến sự xét lại ngầm trong niềm tin về văn hóa về bản sắc dân tộc. Đây không chỉ dừng lại ở cuộc biểu tình về minh bạch bầu cử mà còn là quá trình lệch hướng văn hóa đang bị chuyển hóa mạnh mẽ bởi công nghệ thông tin.

Việt Nam cũng đối diện với những thách thức ngày càng phức tạp cả về an ninh quốc gia lẫn bảo vệ nền tảng tư tưởng, văn hóa dân tộc. Những làn sóng xét lại lịch sử, các quan điểm chính trị sai lệch, cùng các yếu tố văn hóa ngoại lai đang len lỏi vào đời sống xã hội, gây ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức, hành vi và bản lĩnh văn hóa của người dân – đặc biệt là thanh thiếu niên.

Sự kiện Trung Quốc hạ giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm 2014 là một minh chứng rõ nét. Vào tháng 5/2014, ban đầu nhiều người xuống đường nhằm phản đối hành động đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc, nhưng một bộ phận công nhân và kẻ xấu đã lợi dụng tình hình để kích động, gây ra bạo loạn, đập phá, cướp bóc tài sản của các doanh nghiệp nước ngoài. Hành vi quá khích này khiến hàng trăm doanh nghiệp FDI thiệt hại nặng, Việt Nam mất uy tín nghiêm trọng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Hơn 20.000 công nhân mất việc, gần 500 người bị truy tố và Nhà nước phải bồi thường hơn 2.500 tỷ đồng. Trên thực tế, một số cuộc biểu tình xuất phát từ lòng yêu nước đã bị các thế lực cơ hội lợi dụng, biến tướng thành hành vi cực đoan. Điều đó cho thấy khi thiếu nền tảng tư tưởng vững vàng, lòng yêu nước có thể dễ dàng bị thao túng và dẫn sai hướng.

Trong hoàn cảnh mới, chủ nghĩa xét lại hiện đại trở thành một mắt xích trong chuỗi chuyển hóa chính trị toàn cầu. Bắt nguồn từ việc phủ nhận lý luận Mác – Lênin, nó dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ các Đảng cầm quyền rồi tạo điều kiện cho diễn biến hòa bình, cách mạng màu và cuối cùng là dẫn đến sự sụp đổ của cả thể chế. Chủ nghĩa xét lại mặc dù hình thức thay đổi theo bối cảnh công nghệ số và toàn cầu hóa nhưng bản chất vẫn không thay đổi, trở thành công cụ mềm khó nhận diện hơn nhưng vẫn có hệ quả rõ ràng: làm tan rã lý tưởng, phân rã nội bộ, mở đường cho can thiệp ngoại lực. Việc nhận thức đúng bản chất, giữ vững nền tảng tư tưởng, văn hóa là điều kiện thiết yếu để bảo vệ lý tưởng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc trong thế kỷ XXI.

III. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG SỰ NGHIỆP BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TỘC

Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra vào ngày 24/11/2021, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Văn hóa nói lên bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Phát biểu ấy của Cố Tổng bí thư đã không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược mà còn khẳng định vai trò của nền văn hóa trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Xuyên suốt quá trình lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao vị trí của văn hoá, hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước.

Ngay từ những ngày đầu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề cao tư tưởng dân chủ, nhân văn, xác định nhiệm vụ cải biến xã hội toàn diện, đặt nền tảng cho việc hình thành, phát triển một nền văn hóa cách mạng, tiến bộ. Trên cơ sở đó, Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó xác định rõ văn hóa là một trong ba lĩnh vực then chốt cần được đổi mới sâu sắc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI diễn ra vào tháng 12/1986 đã nhấn mạnh: “Văn hóa là một mặt trận” và xây dựng văn hóa là “Sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Từ đây, nhiệm vụ phát triển một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được đặt ra, song hành cùng quá trình dân chủ hóa đời sống tinh thần và khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong nhân dân. Các chính sách đổi mới được triển khai như khuyến khích tự do sáng tác, gỡ bỏ rào cản tư tưởng cứng nhắc, mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa quốc tế, xã hội hóa các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, phát triển các loại hình truyền thông, xuất bản, điện ảnh, sân khấu, v.v… đã tạo nên một luồng sinh khí mới cho đời sống tinh thần nhân dân Việt Nam. Đại hội VI đã đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cách mạng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo ra bước đột phá lớn và toàn diện, mở ra thời kỳ đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực nói chung và lĩnh vực văn hóa nói riêng.

Tiếp nối tinh thần đổi mới ấy, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (16/7/1998) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết xác định năm giá trị cốt lõi, tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam là “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”. Trên cơ sở đó, mười nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, trong đó nhấn mạnh xây dựng con người Việt Nam với phẩm chất phù hợp thời đại; tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát triển văn học – nghệ thuật; bảo tồn di sản và văn hóa dân tộc thiểu số; gắn văn hóa với giáo dục, khoa học – công nghệ; quản lý thông tin đại chúng; có chính sách văn hóa với tôn giáo; mở rộng hợp tác quốc tế và hoàn thiện thể chế văn hóa, qua đó biến văn hóa thành động lực nội sinh cho phát triển bền vững. Quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” một lần nữa được khẳng định rõ ràng trong văn kiện nghị quyết này.

Bước vào kỷ nguyên mới, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2021 tiếp tục nhấn mạnh vai trò của văn hóa, xem phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc là nền tảng quan trọng để thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa và xây dựng xã hội văn minh. Văn hóa không chỉ là chất keo gắn kết giữa phát triển mọi lĩnh vực của đất nước, mà còn là đột phá chiến lược để hội nhập quốc tế một cách bền vững.

Tinh thần đó được cụ thể hoá mạnh mẽ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tại đây, quan điểm xuyên suốt của Đảng là văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã khẳng định một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Hội nghị đề ra loạt nhiệm vụ trọng tâm cho sự nghiệp phát triển văn hoá như: (1) Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; (2) Phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của tất cả người dân Việt Nam; (3) Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; (4) Kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại; (5) Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới; (6) Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng, bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền…

Tất cả những chủ trương nhất quán đã và đang kiến tạo nên bản lĩnh văn hóa quốc gia – một nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng mà vẫn giữ được căn cốt dân tộc trong dòng chảy toàn cầu hóa.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP BẢO VỆ NỀN VĂN HOÁ DÂN TỘC TRƯỚC CHỦ NGHĨA XÉT LẠI TRONG BỐI CẢNH KỶ NGUYÊN SỐ

Trong thời đại số và toàn cầu hóa, các ranh giới văn hóa truyền thống đang bị phai mờ bởi ảnh hưởng từ những dòng tư tưởng ngoại lai, trong đó có chủ nghĩa xét lại – vốn đang lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc lịch sử, hạ thấp giá trị dân tộc, gieo rắc hoài nghi về nền tảng tư tưởng của Đảng. Việc bảo vệ văn hóa dân tộc không chỉ là một yêu cầu đạo đức, mà còn là một nhiệm vụ chính trị cấp thiết để giữ vững chủ quyền tư tưởng và sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ nhất, củng cố nền tảng tư tưởng, lý luận văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số.

Một nền tảng tư tưởng vững chắc không chỉ giúp định hướng sự phát triển của đất nước, mà còn bảo vệ bản sắc dân tộc trước những thách thức của thời đại. Ở Việt Nam, hệ thống lý luận, tư tưởng đã được hình thành, củng cố qua từng giai đoạn lịch sử, từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội, việc giữ vững, phát triển nền tảng tư tưởng là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết.

Giáo dục chính là “nội dung lõi”, nơi hình thành giá trị, bản lĩnh, tư duy độc lập cho công dân. Tuy nhiên, nội dung giáo dục khô khan, xa rời thực tiễn sẽ khó tiếp cận thế hệ trẻ – đối tượng dễ tổn thương nhất trước trào lưu xét lại, từ đó khó có sức ảnh hưởng lâu dài đến xã hội. Vì vậy, đổi mới giáo dục lịch sử – văn hóa phải đi đôi với số hóa bài giảng, phát triển học liệu đa phương tiện, ứng dụng công nghệ và phổ cập nền tảng học tập tương tác mang bản sắc Việt. Ngoài ra, việc đổi mới cách tiếp cận, giúp người học hiểu tư tưởng một cách chủ động, biết phản biện, vận dụng vào đời sống.

Song song, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận không chỉ “vững vàng” mà còn “sáng tạo”. Đây phải là những người có năng lực thích ứng với môi trường truyền thông mới, biết sử dụng công cụ số để chuyển tải thông điệp tư tưởng một cách mềm mại nhưng hiệu quả.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.

Chủ nghĩa xét lại tồn tại ở bình diện tư tưởng, len lỏi trong đời sống văn hóa, từ phim ảnh, âm nhạc, cho đến thời trang và mạng xã hội. Do đó, phải thiết lập một thể chế đủ mạnh để vừa khuyến khích sáng tạo, vừa ngăn ngừa những biểu hiện tha hóa, lai căng. Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014 nhấn mạnh: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”. Để thực hiện hoá điều này, cần, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải hoàn thiện thể chế văn hóa một cách đồng bộ, hiện đại, đảm bảo giữ vững bản sắc trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý phải đủ mạnh để kiểm soát các nền tảng số xuyên biên giới như Facebook, Youtube… nơi mà nhiều sản phẩm phản văn hoá, thậm chí xuyên tạc lịch sử dân tộc đang phát triển mạnh mẽ. Sự quản lý cần đi kèm với các công cụ giám sát chủ động, không để bị động chạy theo xử lý vi phạm. Đồng thời, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với cơ chế, quản lý nội dung, nhằm khơi dậy sức sáng tạo dân tộc và đưa sản phẩm văn hóa Việt đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Việc văn hóa ngoại nhập lấn át trong khi văn hóa Việt vắng bóng đã cho thấy nguy cơ thụt lùi ngay trên chính sân nhà, từ đó đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nghệ sĩ sáng tạo các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc. Ví dụ, sản phẩm âm nhạc “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy đã góp phần làm sống lại tinh thần Quan họ Bắc Ninh trong hình thức biểu đạt hiện đại, nhận được sự ghi nhận từ chính quyền và công chúng trẻ.

Song, phải tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng văn hóa trên không gian mạng - bám sát theo chỉ đạo tại Kết luận số 01-KL/TW và Nghị quyết số 35-NQ/TW. Trước sự lan rộng mạnh mẽ của chủ nghĩa xét lại và các dòng thông tin độc hại, xuyên tạc giá trị văn hóa, việc củng cố lực lượng tuyên giáo, báo chí, truyền thông chính thống trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đồng thời, cần phát triển đội ngũ “người ảnh hưởng” mang giá trị tích cực như nhà giáo, văn nghệ sĩ, trí thức... làm nòng cốt đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, bản lĩnh văn hóa Việt Nam.

Thứ ba, Phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng “hệ miễn dịch văn hóa” quốc gia.

Việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các trụ cột giáo dục, công nghệ, truyền thông và các tổ chức chính trị – xã hội không thể là những nỗ lực rời rạc mà cần được cấu trúc thành một hệ sinh thái văn hóa số đồng bộ, lấy tư tưởng của Đảng làm trung tâm dẫn dắt. Đây cũng là tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết số 35-NQ/TW năm 2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao dân trí và phát triển con người toàn diện, qua đó góp phần bảo vệ nền văn hóa dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để tái hiện các di sản văn hóa, lịch sử giúp học sinh có cái nhìn sinh động, trực quan về quá khứ. Đây là cách làm hiệu quả để đối phó với tình trạng thờ ơ, thiếu hiểu biết về lịch sử trong một bộ phận giới trẻ hiện nay, đồng thời lan toả hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế một cách dễ dàng hơn.

Song song đó, truyền thông cần đảm nhiệm vai trò “lá chắn tư tưởng mềm”. Các chiến dịch truyền thông số hiện đại cần được liên thông với nội dung giáo dục, ứng dụng công nghệ để hình thành các chuỗi sản phẩm truyền thông giáo dục tích hợp – vừa hấp dẫn, vừa định hướng tư tưởng. Chính tại giao điểm giữa truyền thông, công nghệ và giáo dục, mới có thể thiết kế được những “trải nghiệm văn hóa” mang tính lan tỏa mang tính sâu sắc về giá trị văn hóa dân tộc.

Các tổ chức chính trị – xã hội phải đóng vai trò chuyển hóa những giá trị đó thành hành động xã hội cụ thể. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc… cần là lực lượng tổ chức các diễn đàn phản biện văn hóa, phong trào lan tỏa lịch sử trên mạng xã hội, đồng thời phát hiện và đấu tranh kịp thời với các biểu hiện suy thoái, xuyên tạc. Họ là “lực lượng hành động hóa” trong chiến lược bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong bảo vệ an ninh tư tưởng, chủ quyền văn hóa quốc gia.

Bảo vệ nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh kỷ nguyên số là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết. Các giải pháp trên không chỉ giúp củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng mà còn bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh thế giới nhiều biến động. Vì thế, cần sự kết hợp chặt chẽ mọi lĩnh vực để xây dựng một “hệ miễn dịch văn hóa” quốc gia, từ đó bảo vệ nền văn hóa dân tộc trước những thách thức của chủ nghĩa xét lại, củng cố được bản lĩnh quốc gia và bảo vệ vững chắc văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên số.

V. KẾT LUẬN

Trong bối cảnh kỷ nguyên số hiện nay, bảo vệ nền văn hóa dân tộc không chỉ là một nhiệm vụ cấp thiết, mà còn là biểu hiện của bản lĩnh quốc gia trước làn sóng toàn cầu hóa hiện đại. Yêu cầu này được đặt ra một cách cấp bách, gắn liền với việc phát huy sức mạnh tư tưởng của Đảng như một “kim chỉ nam” dẫn dắt hành trình gìn giữ, khẳng định giá trị truyền thống Việt Nam. Bài viết đã khái quát những vấn đề lý luận và thực tiễn xoay quanh sự xâm lấn văn hóa trên không gian mạng, đồng thời nhấn mạnh vai trò trung tâm của tư tưởng của Đảng trong việc giữ vững nền tảng tinh thần của dân tộc. Trong dòng chảy mạnh mẽ của thông tin và những trào lưu tư tưởng mới liên tục được ra đời, bản lĩnh văn hóa cần được định hình không chỉ bằng lý trí, mà còn bằng niềm tin, sự tỉnh táo và khát vọng phát triển. Chỉ khi có một nền tảng tư tưởng vững chắc và có hướng đi đúng đắn, dân tộc ta mới có thể vững bước trên hành trình hội nhập, không hòa tan, đủ sức đề kháng trước mọi biểu hiện lệch lạc và tầm vóc để phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình.

Phan Đức Quang - Nguyễn Thị Mai Sương - Phan Đăng Minh

Sinh viên Học viện Tòa án

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

2. V. I. Lê-nin (2005), Lê-nin toàn tập, Tập 17, NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa VIII ngày 16/07/1998 của Ban chấp Hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập I, NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

6. Báo Công an Nhân dân (2009), “Vì sao cách mạng màu tại Iran thất bại”, tại địa chỉ: https://cand.com.vn/Ho-so-mat/Vi-sao-cuoc-cach-mang-mau-tai-Iran-that-bai-i296174.

7. Pierre Bourdieu (1986), “The forms of capital. Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education”, NXB. Greenwood, New York.

8. Marx, K., & Engels, F (1978) “The German Ideology”, NXB. International Publishers, New York.

9. Kwan S. Kim (2011), “The Korean Miracle (1962-1980) Revisited: Myths and Realities in Strategy and Development”, tại địa chỉ: https://kellogg.nd.edu/documents/1400.

10. Nguyễn Phú Trọng (2021), “Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc”, tại địa chỉ: https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc.html.

11. Phan Thị Bích Trâm (2024), “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa ở Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc, 13(3).

12. Nguyễn Thu Nghĩa, Đinh Thị Cẩm Nhung (2024), “Hệ thống chính trị cơ sở với việc bảo tồn di sản văn hoá và phát triển kinh tế - xã hội”, tại địa chỉ:

https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/970302/he-thong-chinh-tri-co-so-voi-viec-bao-ton-di-san-van-hoa--va-phat-trien-kinh-te---xa-hoi.aspx.

13. UNESCO (1982), “Mexico City Declaration on Cultural Policies. World Conference on Cultural Policies”, tại địa chỉ: https://unesdoc.unesco.org/.

14. Vnexpress (2014), “Nhiều kẻ kích động công nhân trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc”, tại địa chỉ: https://vnexpress.net/nhieu-ke-kich-dong-cong-nhan-trong-cuoc-bieu-tinh-phan-doi-trung-quoc-2990053.html.

...