
Ảnh minh họa - Trương Văn Vị
1. Giới thiệu chung
Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng đã dẫn đến mưa lớn và ngập lụt tại nhiều đô thị Việt Nam. Nguyên nhân gây ngập không chỉ do yếu tố tự nhiên như nước biển dâng, khí hậu cực đoan mà còn do yếu tố con người như quy hoạch chưa hợp lý, hệ thống thoát nước kém, và ý thức người dân chưa cao (1).
Nhiều giải pháp chống ngập đã được triển khai, từ kỹ thuật như cải tạo cống rãnh, áp dụng vật liệu mới và công nghệ thông minh, đến nâng cao ý thức cộng đồng (2,3). Một số mô hình như "cửa thu nước chống nghẹt" (4) và "nắp cống tự gạt rác" (5) đã được thử nghiệm nhưng còn hạn chế. Trong khi đó, tình trạng rác bịt miệng cống vẫn chưa có giải pháp triệt để (6,7).
Một số địa phương đã có mô hình lưu trữ rác tại nguồn để hạn chế xả rác bừa bãi gây tắc miệng cống thoát nước, song các mô hình này còn mang tính cục bộ, phong trào (8–10). Ở các nước phát triển, quản lý rác được tổ chức bài bản, góp phần bảo vệ hệ thống thoát nước đô thị hiệu quả hơn (11,12).
Bài viết phân tích mối liên hệ giữa quản lý rác thải sinh hoạt và hoạt động cống thu nước ở đô thị, từ đó đề xuất các giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm giảm thiểu ngập lụt khi mưa lớn xảy ra. Giải pháp toàn diện cần sự phối hợp giữa công nghệ, quản lý và ý thức cộng đồng.
2. Bất cập trong quản lý rác thải đô thị và hệ lụy đến hệ thống thoát nước
Khảo sát thực tế cho thấy nguyên nhân khiến miệng cống thu nước bị rác thải che kín phần lớn bắt nguồn từ bất cập trong quy trình thu gom và quản lý rác thải sinh hoạt. Dù tại các đô thị lớn đã triển khai nhiều phương thức thu gom như xe ba gác, xe cuốn ép và xe nâng thùng rác, nhưng khâu tập kết và đóng gói rác chờ thu gom vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc rác bị bỏ tràn lan, không đúng thời điểm và địa điểm quy định khiến tình trạng rác trôi nổi vào miệng cống khi mưa lớn xảy ra ngày càng phổ biến.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 (13) và Nghị định 45/2022/NĐ-CP (14) đã đề ra nhiều quy định nhằm nâng cao hiệu quả thu gom rác, như thu phí theo khối lượng đã phân loại và cấm xả rác nơi công cộng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai còn thiếu đồng bộ do nhiều nguyên nhân như nguồn lực quản lý hạn chế, ý thức cộng đồng chưa cao và hệ thống kỹ thuật chưa đáp ứng. Việc phân loại rác vẫn chưa được thực hiện rộng rãi, còn mang tính phong trào và chưa bền vững.
Tình trạng tập kết rác thải bừa bãi trên vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân mà còn gây thiệt hại cho ngành du lịch. Trong khi đó, việc triển khai các thùng rác công cộng có nắp đậy hoặc có khóa bảo vệ chỉ mang tính cục bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế (15,16).
Tại đô thị, mặc dù có quy định cấm tập kết rác nơi công cộng, nhưng việc tập kết trong bao bì hoặc các thùng rác nhỏ vẫn phổ biến (17). Nhiều thùng không đủ sức chứa, rác bị tràn ra ngoài, tạo điều kiện cho nước mưa cuốn rác vào cống, gây tắc nghẽn nghiêm trọng. Điều này cho thấy cần có giải pháp quản lý và kỹ thuật đồng bộ hơn để kiểm soát hiệu quả rác thải sinh hoạt và bảo vệ hệ thống thoát nước đô thị.
3. Đề xuất mô hình lưu trữ rác thải tại nguồn nhằm hạn chế tắc nghẽn miệng cống thu nước
Bên cạnh Luật Bảo vệ môi trường 2020 (13) và Nghị định 45/2022/NĐ-CP (14), TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 12/2019/QĐ-UBND nhằm cụ thể hóa quản lý chất thải rắn sinh hoạt (18). Quy định yêu cầu rác sau phân loại phải được lưu trong túi buộc kín hoặc thùng có nắp đậy, đảm bảo chống thấm, ngăn mùi và có dấu hiệu nhận biết. Tuy nhiên, bao bì hiện nay chưa phù hợp với điều kiện thực tế do dễ bị động vật cắn rách và nước mưa cuốn trôi rác về miệng cống, gây tắc nghẽn.
Để khắc phục, tác giả đề xuất mỗi hộ dân bắt buộc trang bị hai thùng rác có nắp đậy kín, tương ứng với rác đã phân loại. Thùng cần được thiết kế phù hợp với thể tích rác phát sinh hằng ngày và đặt trong khuôn viên nhà. Nếu không khả thi, có thể bố trí gọn gàng trước cửa để thuận tiện thu gom mà không ảnh hưởng đến mỹ quan và giao thông. Thùng rác nên có mẫu mã đặc trưng để tránh thất lạc và sử dụng sai mục đích. Kinh phí có thể do người dân, địa phương hoặc cả hai cùng đóng góp. Đề xuất này cần được đưa vào trong luật, nghị định hoặc quyết định.
Đề xuất sơ đồ bố trí thùng rác trong không gian đô thị.
Giải pháp này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý rác, giảm tình trạng tắc cống mà còn cải thiện cảnh quan đô thị, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển du lịch. Việc triển khai cần được thực hiện đồng bộ, bắt buộc thay vì chỉ dừng ở khuyến nghị hay mô hình thí điểm.
4. Kết luận
Nghiên cứu này tổng hợp hiện trạng ngập lụt tại các đô thị Việt Nam, tập trung vào vai trò của miệng cống thu nước, mắt xích quan trọng trong hệ thống thoát nước. Dù đã có đề xuất cải tiến miệng cống để ngăn rác, hiện tượng tắc nghẽn do rác trôi dạt khi mưa vẫn chưa được xử lý triệt để. Trong khi các nước phát triển kiểm soát vấn đề này từ khâu quản lý lưu trữ rác trước thu gom, thì tại Việt Nam, vấn đề này chưa được xem là trọng tâm. Hiện nay, rác sau phân loại được lưu trong túi hoặc thùng kín, nhưng việc đặt túi rác trực tiếp trên vỉa hè vẫn phổ biến, gây mất vệ sinh, mất mỹ quan và dễ làm tắc miệng cống khi mưa. Một số địa phương đã khuyến khích dùng thùng rác có nắp đậy, nhưng mới ở quy mô nhỏ, tự phát, thiếu đồng bộ.
Tác giả đề xuất mỗi hộ dân bắt buộc trang bị hai thùng rác có nắp đậy kín phù hợp với lượng rác thải hằng ngày. Thùng cần đặt đúng nơi quy định để thuận tiện cho thu gom và không ảnh hưởng đến giao thông hay mỹ quan. Giải pháp này không tốn nhiều chi phí và có thể triển khai linh hoạt. Việc sử dụng thùng rác kín sẽ giúp ngăn rác trôi vào cống, cải thiện hiệu quả thoát nước, đồng thời nâng cao vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và hỗ trợ phát triển du lịch bền vững.
TS. Trần Đình Cương
Khoa Xây dựng, Học viện Hàng không Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
1. Giải quyết tình trạng đô thị “Cứ mưa lớn là ngập úng” [Internet]. [cited 17 Tháng Năm 2024]. Available at: https://tapchinuoc.vn/giai-quyet-tinh-trang-do-thi-cu-mua-lon-la-ngap-ung-175240511141424582.htm
2. Giải pháp hạn chế tình trạng ngập lụt tại TP.HCM và tình hình biến đổi khí hậu trong tương lai [Internet]. [cited 7 Tháng Mười-Một 2023]. Available at: http://qhkt.hochiminhcity.gov.vn/do-thi-xanh/giai-phap-han-che-tinh-trang-ngap-lut-tai-tphcm-va-tinh-hinh-bien-doi-khi-hau-trong-tuong-lai-1031.html
3. Đào XH. Nguyên nhân và các giải pháp chống ngập úng ở TP Hồ Chí Minh. 1. 2009;(24):3–3.
4. Hiệu quả từ giải pháp “Cửa thu – thoát nước ống cống ngăn nghẹt rác và mùi hôi” [Internet]. 2023 [cited 7 Tháng Mười-Một 2023]. Available at: https://khoahocphothong.vn/hieu-qua-tu-giai-phap-cua-thu-thoat-nuoc-ong-cong-ngan-nghet-rac-va-mui-hoi-249519.html
5. Học sinh sáng chế nắp cống có khả năng tự động gạt rác [Internet]. [cited 20 Tháng Năm 2024]. Available at: https://vietnamnet.vn/hoc-sinh-sang-che-nap-cong-co-kha-nang-tu-dong-gat-rac-512630.html
6. Rác che miệng cống thoát nước gây ngập tại TP Hồ Chí Minh [Internet]. 2018 [cited 20 Tháng Năm 2024]. Available at: https://baotintuc.vn/anh/rac-che-mieng-cong-thoat-nuoc-gay-ngap-tai-tp-ho-chi-minh-20180704163224046.htm
7. Lý do hẻm Chu Văn An, Bình Thạnh ngập cả mét: do thấp nên rác xung quanh dồn về lấp cống [Internet]. 2024 [cited 15 Tháng Tư 2025]. Available at: https://tuoitre.vn/ly-do-hem-chu-van-an-binh-thanh-ngap-ca-met-do-thap-nen-rac-xung-quanh-don-ve-lap-cong-20240523172905066.htm
8. TP.HCM: Tặng thùng rác để phân loại rác tại hộ gia đình | Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh [Internet]. [cited 21 Tháng Năm 2024]. Available at: https://plo.vn/tphcm-tang-thung-rac-de-phan-loai-rac-tai-ho-gia-dinh-post658436.html
9. Bảo vệ môi trường từ thùng rác gia đình [Internet]. [cited 21 Tháng Năm 2024]. Available at: https://baobinhphuoc.com.vn/news/327/143334/bao-ve-moi-truong-tu-thung-rac-gia-dinh
10. Không để ngập vì “bức tử” miệng cống thoát nước [Internet]. [cited 20 Tháng Năm 2024]. Available at: https://nld.com.vn/thoi-su/khong-de-ngap-vi-buc-tu-mieng-cong-thoat-nuoc-20230625211145806.htm
11. Kinh nghiệm quản lý và xử lý chất thải rắn ở một số nước trên thế giới – Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai [Internet]. 2021 [cited 29 Tháng Năm 2024]. Available at: https://laocai.tnu.edu.vn/kinh-nghiem-quan-ly-va-xu-ly-chat-thai-ran-o-mot-so-nuoc-tren-the-gioi/
12. La collecte des déchets ménagers [Internet]. [cited 29 Tháng Năm 2024]. Available at: https://www.paris.fr/pages/la-collecte-44
13. Phân loại rác tại nguồn [Internet]. [cited 20 Tháng Năm 2024]. Available at: https://special.nhandan.vn/phan-loai-rac-tai-nguon/index.html
14. Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường [Internet]. [cited 21 Tháng Năm 2024]. Available at: http://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=206083
15. “Tuyệt không thấy thùng rác trên vỉa hè Hà Nội là do...dân ăn cắp” [Internet]. 2017 [cited 21 Tháng Năm 2024]. Available at: https://vtcnews.vn/tuyet-khong-thay-thung-rac-tren-via-he-ha-noi-la-dodan-an-cap-ar317244.html
16. Đừng để rác thải nhựa ảnh hưởng tới du lịch [Internet]. 2023 [cited 21 Tháng Năm 2024]. Available at: https://vneconomy.vn/dung-de-rac-thai-nhua-anh-huong-toi-du-lich.htm
17. Khi vỉa hè không dành cho người đi bộ [Internet]. 2023 [cited 19 Tháng Sáu 2024]. Available at: https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhieu-via-he-tro-thanh-bai-rac-boc-mui-hoi-thoi-o-tphcm-20230220233840475.htm
18. Quyết định 12/2019/QĐ-UBND quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt thành phố Hồ Chí Minh [Internet]. 2022 [cited 21 Tháng Năm 2024]. Available at: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Quyet-dinh-12-2019-QD-UBND-quy-dinh-quan-ly-chat-thai-ran-sinh-hoat-thanh-pho-Ho-Chi-Minh-415129.aspx