26/04/2025 lúc 16:28 (GMT+7)
Breaking News

Vai trò kết nối của truyền thông quốc tế trong hỗ trợ Thái Lan và Myanmar

Truyền thông quốc tế đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc lan tỏa thông tin, huy động nguồn lực và thúc đẩy tinh thần đoàn kết khu vực khi Thái Lan và Myanmar đối mặt với thảm họa động đất. Không chỉ phản ánh kịp thời tình hình, truyền thông còn góp phần kết nối cộng đồng ASEAN và quốc tế trong nỗ lực hỗ trợ và phục hồi sau thiên tai.
Vai trò kết nối của truyền thông quốc tế trong hỗ trợ Thái Lan và Myanmar

Truyền thông quốc tế đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc lan tỏa thông tin, huy động nguồn lực và thúc đẩy tinh thần đoàn kết khu vực khi Thái Lan và Myanmar đối mặt với thảm họa động đất. Không chỉ phản ánh kịp thời tình hình, truyền thông còn góp phần kết nối cộng đồng ASEAN và quốc tế trong nỗ lực hỗ trợ và phục hồi sau thiên tai.

Công tác truyền thông nhanh chóng

Ngay sau khi trận động đất mạnh xảy ra tại Thái Lan và Myanmar, loạt hình ảnh và video ghi lại cảnh tượng đổ nát, rung chuyển từ nhiều khu vực chịu ảnh hưởng đã nhanh chóng xuất hiện trên các trang tin tức và nền tảng mạng xã hội, thu hút sự chú ý và chia sẻ rộng rãi từ cộng đồng người Việt. Không chỉ cập nhật diễn biến liên tục, truyền thông Việt Nam còn là cầu nối lan tỏa thông tin, giúp công chúng hiểu rõ mức độ thiệt hại và bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với người dân hai quốc gia bạn. Trên mạng xã hội, hàng loạt bình luận tiếc thương, lời cầu nguyện và chia sẻ xúc động xuất hiện dưới những bài đăng về thảm họa, cho thấy tinh thần đoàn kết khu vực, vượt qua ranh giới địa lý.

Ở cấp độ chính thức, ngay trong ngày 28, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã nhanh chóng bày tỏ sự quan tâm và chia sẻ sâu sắc với Thái Lan và Myanmar thông qua các điện thăm hỏi gửi tới nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, quốc hội và ngành ngoại giao của hai quốc gia. Những thông điệp được chuyển đi không chỉ thể hiện tình cảm chân thành và tinh thần tương thân tương ái, mà còn khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam trong việc luôn sát cánh cùng các nước láng giềng ASEAN vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra.

Song song với hoạt động ngoại giao, cộng đồng mạng Việt Nam đã thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc thông qua việc chia sẻ thông tin, kêu gọi sự ủng hộ và đồng hành cùng người dân Thái Lan, Myanmar. Nhiều bài viết trên mạng xa hội đã nhận được hàng nghìn lượt tương tác, bình luận và chia sẻ, trong đó không ít người bày tỏ mong muốn được đóng góp vật chất, tài chính để giúp hai quốc gia vượt qua khó khăn. Một số tổ chức, nhóm thiện nguyện tại Việt Nam cũng đã nhanh chóng phát động các chiến dịch gây quỹ cộng đồng, với mục tiêu hỗ trợ khẩn cấp cho các nạn nhân của trận động đất.Sự phối hợp kịp thời giữa ngoại giao chính thức và tiếng nói của người dân thông qua truyền thông cho thấy vai trò kết nối mạnh mẽ của truyền thông quốc tế trong việc lan tỏa tinh thần đoàn kết ASEAN, cũng như khẳng định Việt Nam luôn đồng hành cùng bạn bè khu vực trong hoạn nạn.

ASEAN thể hiện đoàn kết khu vực trong hỗ trợ Thái Lan và Myanmar sau thảm họa động đất

Ngày 30/3, Hội nghị khẩn cấp của ASEAN nhằm thảo luận các biện pháp khắc phục hậu quả động đất tại Thái Lan và Myanmar đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến, thu hút sự quan tâm của truyền thông khu vực và quốc tế. Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan và Myanmar đã cập nhật thông tin thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là tại Myanmar – nơi ghi nhận ít nhất 1.644 người thiệt mạng, cùng hàng loạt công trình hạ tầng, bệnh viện, văn phòng bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng. Thậm chí, trụ sở Bộ Ngoại giao Myanmar tại Nay Pyi Taw cũng bị ảnh hưởng, buộc cán bộ phải làm việc ngoài trời.

Chia sẻ mất mát với nhân dân hai nước, các quốc gia thành viên ASEAN đã thể hiện tinh thần đoàn kết và quyết tâm sát cánh cùng Thái Lan và Myanmar trong nỗ lực cứu trợ và phục hồi sau thảm họa. Một số nước thông báo đã hoặc sẽ cử các đoàn cứu hộ cùng viện trợ nhân đạo tới hiện trường. ASEAN cũng nhất trí phát huy vai trò của các cơ chế phản ứng khẩn cấp trong khu vực, đặc biệt là Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo (AHA Centre) và Tổng Thư ký ASEAN trong việc điều phối hỗ trợ quốc tế, huy động nguồn lực trong và ngoài khối. Chính phủ và nhân dân Việt Nam cảm thông sâu sắc, đồng thời đồng hành với hai quốc gia bạn. Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị các đợt viện trợ vật tư thiết yếu, đồng thời triển khai hơn 100 cán bộ, chiến sĩ từ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sang Myanmar hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn ngay trong ngày 30/3.

Sự kiện lần này không chỉ cho thấy sức mạnh của lòng nhân ái và tinh thần tương thân tương ái giữa các quốc gia ASEAN, mà còn khẳng định vai trò then chốt của truyền thông quốc tế trong việc kết nối con người, tạo ra tiếng nói chung và thúc đẩy hành động tập thể. Thông tin được lan truyền nhanh chóng, chính xác và rộng rãi không chỉ giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về tình hình, mà còn tạo động lực cho những nghĩa cử hỗ trợ thiết thực, từ quy mô nhà nước đến từng cá nhân.

Đối với Việt Nam, đây là dịp để nhìn nhận rõ hơn tầm quan trọng của việc xây dựng một chiến lược truyền thông quốc tế toàn diện, phối hợp nhịp nhàng giữa ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân. Trong tương lai, nếu có thể duy trì và phát huy hiệu quả những cầu nối truyền thông như vậy, Việt Nam không chỉ góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế mà còn thúc đẩy sự gắn kết bền chặt hơn trong cộng đồng ASEAN – nền tảng quan trọng để cùng nhau vượt qua những thách thức ngày càng phức tạp của khu vực và thế giới.

Trương Việt Thành

...