
Quy hoạch sẽ phát huy hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long mới - Ảnh: TL
Với vị trí trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long mới có cơ cấu kinh tế đa dạng – từ nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản đến du lịch sinh thái và thương mại dịch vụ – giúp địa phương dễ dàng định hình lại chiến lược tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững. Cùng với việc mở rộng không gian hành chính đi kèm với khả năng tích hợp hạ tầng, quy hoạch đô thị và khai thác tốt hơn các tiềm lực đất đai, nguồn nhân lực và quỹ đầu tư công được xem cơ hội để Vĩnh Long thu hút dòng vốn lớn, hình thành các vùng động lực mới và nâng tầm vị thế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đặc biệt sau sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long mới sở hữu không gian phát triển rộng lớn, với diện tích hơn 6.296 km², bờ biển dài 130 km và dân số trên 4,2 triệu người. Đây là điều kiện lý tưởng để tỉnh vươn lên trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và năng lượng tái tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến nay, tỉnh Vĩnh Long mới đã có nền nông nghiệp đa dạng, nổi bật với lúa gạo, cây ăn trái (bưởi, cam, xoài, dừa, sầu riêng), cây giống – hoa kiểng và thủy sản. Các địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung, cấp mã số vùng trồng, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, hướng đến chuỗi giá trị bền vững và xuất khẩu. Trong đó đặc biệt tỉnh Vĩnh Long nổi bật với tiềm năng và lợi thế của trái dừa, khi tỉnh Bến Tre là thủ phủ dừa cả nước với hơn 700 triệu trái/năm, có gần 27.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ. Trà Vinh tập trung vào nông nghiệp hàng hóa, trồng hơn 7,2 triệu cây dừa, có 393 sản phẩm OCOP. Vĩnh Long cũ đạt sản lượng trên 676.000 tấn lúa, hơn 1,5 triệu tấn cây lâu năm và gần 150.000 tấn thủy sản năm 2024.

Tỉnh Vĩnh Long luôn nỗ lực phát triển du lịch gắn với làng nghề và sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số - Ảnh: TL
Không chỉ vậy, Trà Vinh và Bến Tre đã có hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời, cùng các nhà máy hydro xanh quy mô lớn đang triển khai. Khu kinh tế Định An (39.000 ha) được quy hoạch là một trong những trung tâm kinh tế biển trọng điểm quốc gia.
Tỉnh sở hữu tuyến bờ biển dài, cửa biển Định An, các cảng biển lớn và hành lang ven biển kết nối TP.HCM – Đông ĐBSCL. Đây là lợi thế để phát triển khai thác – nuôi trồng – chế biến thủy sản; hệ thống cảng biển và dịch vụ logistics; du lịch sinh thái ven biển; năng lượng sạch, nhất là điện gió, điện mặt trời và hydro xanh.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo Vĩnh Long sau sáp nhập cần chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, liên kết vùng và chuyển đổi số. Phát triển nông nghiệp sinh thái gắn chế biến sâu; tập trung kinh tế biển và năng lượng tái tạo tại Trà Vinh; đẩy mạnh dịch vụ logistics, vận tải, du lịch sông nước tại Vĩnh Long – Bến Tre.

Trung tâm Hành chính tỉnh Vĩnh Long với vị trí trung tâm ĐBSCL là đầu mối giao thương, logistics. Ảnh: Nguyễn Vinh Hiển
Với không gian phát triển mới sau sáp nhập, tỉnh Vĩnh Long đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp, biển và năng lượng sạch của toàn vùng, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ĐBSCL./.