26/04/2025 lúc 16:15 (GMT+7)
Breaking News

60 cá nhân tiêu biểu đóng góp vào sự phát triển của TP HCM

Lễ tôn vinh cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố từ năm 1975 đến nay vừa được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức sáng 23/4.

Nguyên lãnh đạo, lãnh đạo TP.HCM và các cá nhân tiêu biểu tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: THUẬN VĂN

60 cá nhân tiêu biểu (31 người đã mất) chia theo các lĩnh vực gồm: chính trị, quản lý nhà nước có 13 cá nhân; hoạt động xã hội có 12 cá nhân; giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học công nghệ có 11 cá nhân; văn hóa, nghệ thuật và báo chí truyền thông có 10 cá nhân; kinh tế có 5 cá nhân; quốc phòng an ninh có 4 cá nhân; dân tộc, tôn giáo có 5 cá nhân. Số lượng này tăng 10 người so với kế hoạch trước đó.

Một số cá nhân tiêu biểu được tôn vinh ở lĩnh vực chính trị, quản lý nhà nước có ông Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Phạm Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM;

Ông Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM; ông Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và nguyên Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM...

Ở lĩnh vực hoạt động xã hội có bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước; bà Ngô Thị Huệ, nguyên Phó chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM; bà Trần Tố Nga, người đứng đơn khởi kiện để tìm công lý cho các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam (dioxin) trong chiến tranh Việt Nam...

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ có ông Trần Đông A, Anh hùng Lao động, giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân; bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Anh hùng Lao động, giáo sư, bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ; ông Trần Văn Giàu, nhà cách mạng, giáo sư sử học, Anh hùng Lao động, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ; GS.TS, nhà khoa học Đặng Lương Mô; nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Đình Tư...

Ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có NSND Kim Cương, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Lĩnh vực báo chí truyền thông có ông Trần Bạch Đằng, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ...

Ở lĩnh vực kinh tế có bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), Anh hùng Lao động, nguyên Giám đốc Công ty Kinh doanh lương thực TP HCM; TS Trần Du Lịch, nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, ủy viên Hội đồng Khoa học TP HCM...

Lĩnh vực quốc phòng - an ninh có ông Mai Chí Thọ, nguyên Bộ trưởng Công an, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang).

Ở lĩnh vực dân tộc, tôn giáo có Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh, Hiệp sĩ Đại thánh giá do tòa thánh Vatican phong tước; Trưởng lão Hòa thượng pháp chủ Thích Trí Quảng, Chủ tịch Hội đồng giám luật Hội đồng chứng minh Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam TP HCM.

Danh sách cụ thể:

STTHọ và tên
Chức danh, chức vụ
Đóng góp, dấu ấn tiêu biểu
1

Ông Nguyễn Văn Linh

Nguyên Tổng Bí thư, Nguyên Bí thư Trung ương cục miền Nam, Nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM

(Mất năm 1998)

Kiên trì tổng kết thực tiễn kinh tế xã hội, đặc biệt là kết quả của chủ trương "Xé rào, bung ra" trong sản xuất công nghiệp thành phố.

Ông đã thí điểm những đổi thay trong cơ chế quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước tại thành phố, tạo bước đột phá đầu tiên nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, giúp Đảng hoạch định đường lối, chính sách cho thời kỳ đổi mới.

2

Ông Phạm Hùng

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Nam bộ, Trưởng Bộ Công an

(Mất năm 1988)

Ủng hộ lãnh đạo TP HCM sáng tạo đổi mới kinh tế, không hình sự hóa quan hệ kinh tế; tạo điều kiện (đỡ đầu) cho thành phố xuất nhập khẩu trực tiếp, mua gạo trực tiếp với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

3

Ông Võ Văn Kiệt

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM
(Mất năm 2008)

Tiên phong "Xé rào bung ra" chỉ đạo thực hiện kế hoạch A, B, C khôi phục sản xuất công nghiệp, phục hồi nền kinh tế, trở thành tiền đề lý luận để xây dựng "đường lối Đổi mới" được quyết định tại Đại hội toàn quốc của Đảng năm 1986.

Chỉ đạo công ty lương thực chạy gạo cứu đói, xây dựng Thủy điện Trị An, xây dựng đường dây Truyền tải điện 500 KV Bắc - Nam 1500 km trong hai năm

4

Ông Phan Văn Khải

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBND TP HCM từ 1985 đến tháng 3/1989
Nguyên Thủ tướng Chính phủ

(Mất năm 2018)

Ông cùng tập thể lãnh đạo thực hiện tổ chức lại sản xuất, các đòn bẩy kinh tế được sử dụng về ba lợi ích, hàng hóa - tiền tệ, mua bán theo giá thị trường, mở ra một sức mạnh thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, nguồn hàng hóa của thành phố ngày càng dồi dào hơn.

Dấu ấn của ông là đóng góp xây dựng thành phố trên nhiều lĩnh vực, riêng về giao thông xây dựng mới tuyến đường Cộng Hòa, quận Tân Bình.

5

Ông Nguyễn Hữu Thọ
Nguyên Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Cộng hòa miền Nam Việt Nam chức vụ tương đương với Chủ tịch nước.

(Mất năm 1996)

Ông đã góp phần làm nên những thắng lợi quan trọng của quân và dân miền Nam, vận động hàng loạt các nhân sĩ, trí thức, các nhà tu hành có uy tín, các giới chức tiêu biểu ở Sài Gòn và nhiều thành thị ở miền Nam đã ra vùng giải phóng, lập ra Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam.

6

Ông Võ Trần Chí

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM

(Mất năm 2011)

Ông đã có những đóng góp quan trọng vào tiến trình thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, trong phát triển thành phố như: Quyết định về chủ trương nhập vàng bằng đường hàng không để ngăn chặn nạn tư thương độc chiếm và gây nhiễu thị trường, từ đó SJC ra đời.

Từ hệ thống Hợp tác xã mua bán thành phố kém hiệu quả, chuyển đổi thành SaiGon Co.op; thành lập Khu chế xuất Tân Thuận; mở hướng phát triển về phía Nam và phát triển Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng...

7

Ông Trần Văn Trà

Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân quản TP, Tư lệnh Quân giải phóng Miền nam và Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh

(Mất năm 1996)

Ông là vị tướng tài ba, thao lược, có vai trò quan trọng trong những ngày đầu giải phóng. Ông đã cầm bút trực tiếp viết bộ hồi ký về 30 năm chiến tranh giải phóng trên mảnh đất Thành đồng Tổ quốc mà đồng chí là nhân chứng

8

Ông Vũ Hắc Bồn

Nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ TP HCM

(Mất năm 2022)

Ông tham gia nhiều chương trình, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, các thành phố trên thế giới. Ông tổ chức tiếp đón trọng thị các đoàn khách nước ngoài, có lãnh tụ Cuba Fidel Castro, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand...

9

Ông Trương Tấn Sang

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM

Khi ở thành phố, ông đã đẩy mạnh các chính sách đổi mới kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng cơ chế thị trường, thu hút đầu tư trong và ngoài nước; đề ra các giải pháp đổi mới kinh tế, tạo nền tảng cho thành phố là trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Trên cương vị Chủ tịch nước, ông đã thúc đẩy quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế, đặc biệt là với Hoa Kỳ.

10

Ông Nguyễn Minh Triết

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước, Nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM

Ông có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thành phố như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước; nhiều dự án phát triển đô thị.

Ông đặc biệt quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân

11

Trung tướng Võ Viết Thanh

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP HCM

Trong 10 năm làm lãnh đạo thành phố, ông nhiều đóng góp xây dựng một số công trình tiêu biểu kiêm nhiệm làm Trưởng ban chỉ đạo đột phá xây dựng Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Võ Văn Kiệt và đường hầm Thủ Thiêm, mở rộng xây dựng đại lộ Điện Biên Phủ và xa lộ Hà Nội.

Ông cũng là Trưởng ban xóa đói giảm nghèo, mô hình đầu tiên của cả nước rất hiệu quả.

12

Ông Phạm Chánh Trực

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM

Ông đã tham mưu đề xuất về cơ chế, chính sách những mô hình mới cho sự phát triển kinh tế, phát triển đô thị trong đó có các định hướng chiến lược nhằm phát triển đô thị phía Nam Thành phố.

Ông đặc biệt quan tâm, gắn bó với giới thanh niên thành phố và dành nhiều tâm huyết cho lực lượng trẻ.

13

Bà Phạm Phương Thảo

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM

Bà đóng góp xây dựng Thành phố trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt quan tâm công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, tổ chức các phong trào thanh thiếu nhi thành phố như Kế hoạch nhỏ, Ánh sáng văn hóa, đóng góp nhiều công sức vào việc xây dựng hệ thống Nhà Thiếu nhi trên địa bàn thành phố.

Bà cũng đề ra nhiều hoạt động mang tính đổi mới, nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội, tổ chức Chương trình "Nói và làm", "Đối thoại cùng chính quyền Thành phố"...

14

Bà Trương Mỹ Hoa (Bảy Thư)

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước

Bà Trương Mỹ Hoa tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi. Sau đó, tham gia tiếp quản thành phố, tham gia công tác và lần lượt giữ nhiều chức vụ từ cơ sở, thành phố đến Trung ương.

Dù nghỉ hưu, bà tiếp tục tham gia công tác là Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ nhiệm CLB "Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu"...

15

Ông Nguyễn Khắc Êm

Tổ trưởng dân phố 29, phường Bến Nghé, Quận 1

Trong 48 năm tham gia hoạt động làm tổ trưởng dân phố đã tích cực trong công tác tuyên truyền vận động cộng đồng dân cư, tham gia các hoạt động tại địa phương; phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội triển khai thực hiện tốt các phong trào góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

16

Bà Ngô Thị Huệ

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM

(Mất năm 2022)

Bà tích cực tham gia các phong trào phụ nữ, là người có công vận động để lập ra Bệnh viện miễn phí An Bình (nay thuộc Sở Y tế).

Bà cùng một số cán bộ đã đề xuất thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố, vận động các bác sĩ nổi tiếng đi cùng để chăm lo cho các cụ già nghèo, neo đơn, các trẻ em nghèo bất hạnh của thành phố và trên cả nước.

17

Bà Đỗ Duy Liên

Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố

(Mất năm 2024)

Bà là nhà lãnh đạo nữ đầu tiên trong bộ máy chính quyền thành phố, nữ lãnh đạo bản lĩnh, năng động và xông xáo, nhất là trên lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Bà được nể phục bởi sự từng trải, sự hiểu biết, khả năng tập hợp, tấm lòng yêu thương con người và sự bình dị, chân phương.

18

Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp

AHLĐ, Nguyên ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Nguyên Chủ tịch UBND TP HCM

(Mất năm 2007)

Ông đã có công xây dựng Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Thành phố và gắn liền với hoạt động hỗ trợ bệnh nhân nghèo rộng rãi, liên tục, được nhân dân Thành phố tin yêu.

19

Tiến sĩ Võ Tá Hân

Chuyên gia tài chính - ngân hàng và quản trị doanh nghiệp, Người Việt Nam ở nước ngoài

Ông bắt đầu chương trình "Books4Vietnam" quyên góp sách từ nước ngoài chuyển về Việt Nam nhằm giúp lớp trẻ nâng cao kiến thức, góp phần xây dựng đất nước từ năm 1988.

Với tổng số 839 đầu sách, với 35.503 quyển, trị giá 2.870.985.40 USD (tương đương 96 tỷ đồng). Đây là số sách có giá trị rất cao cho việc nghiên cứu học tập của giảng viên, sinh viên cho 53 trường Đại học, Cao đẳng ở TP HCM và trên cả nước.

20

Luật sư Trương Thị Hòa

Bà không những luôn tham gia tranh tụng các vụ án lớn, trọng điểm của thành phố, đất nước mà còn có tấm lòng nhân hậu và con tim luôn hết lòng vì phụ nữ, trẻ em và người nghèo và dịch vụ tư vấn luật miễn phí tới những cá nhân yếu thế cần được giúp đỡ trong xã hội.

21

TS Trần Thành Long

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM

Ông đóng góp cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc của Thành phố trong vai trò là Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố kết nối giúp đỡ, hỗ trợ những người nghèo vượt qua bệnh tật, thoát nghèo.
22

Bà Trần Tố Nga

Người Việt Nam ở nước ngoài

Bà là Nhà giáo đi B năm 1965, người đứng đơn khởi kiện để tìm công lý cho các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam (dioxin) trong chiến tranh Việt Nam.
23

Ông Nguyễn Văn Thể

Trưởng ban Ban Công tác Mặt trận ấp, Tổ phó Tổ Nhân dân 1, ấp Đông Lân 1, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn

Trong những năm qua, Ông đã có thành tích xuất sắc trong tham gia hoạt động khu phố, tổ dân phố năm 1975 đến 2024.

Có 49 năm liên tục làm Tổ phó Tổ Nhân dân, năng nổ trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân làm các tuyến đường giao thông nông thôn như đóng góp kinh phí lắp đặt cống thoát nước và bê tông các tuyến hẻm, với tổng 25 tuyến, tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng...

24

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ

Nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP HCM

Ông đã đóng góp cùng Đảng, Nhà nước khắc phục hậu quả chiến tranh, kiên trì vận động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia vào các hoạt động của cả nước vận động đấu tranh yêu cầu Chính phủ Mỹ có trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

25

TS Lương Bạch Vân

Việt kiều Pháp; Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM

Sau 18 năm sống tại Pháp, năm 1978 bà về nước tham gia góp phần phát triển ngành công nghiệp TP HCM: xây dựng dây chuyền sản xuất "Vòng tránh thai cho phụ nữ", tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyên sâu ngành Nhựa.

Là Điều phối viên chương trình hợp tác "Polime và vật liệu Composite" với trường INSA Lyon (Pháp), bà tổ chức chuyển giao công nghệ sản xuất ca nô, ghe, xuồng, bồn chứa...tại TP Hồ Chí Minh và 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

26

Ông Dương Quang Trung

Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Viện sĩ, Tiến sĩ, Bác sĩ

(Mất năm 2013)

Ông là người có công trong việc xây dựng nên tảng ngành Y tế thành phố; hợp tác với Pháp sáng lập Viện Tim thành phố, mở ra điều kiện nâng cao trình độ điều trị bệnh tim mạch hiện đại của thành phố.

Ông có công tái lập các mối quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam để phát triển việc đào tạo chuyên gia y tế Việt Nam tại Pháp.

27

Ông Trần Đông A

Anh hùng Lao động, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân

Ông là điển hình trong những ca bệnh nhi hiểm nghèo hiếm gặp nhất ở Việt Nam và trở thành hiện tượng của y học Việt Nam: Ca mổ tách rời thành công hai cháu song sinh phức tạp Việt - Đức năm 1988 được ghi vào Kỷ lục Guinness năm 1991, được giới Y học quốc tế đánh giá chính xác siêu hạng.

Các ca ghép gan với người cho sống cho các các cháu nhỏ dưới 1 và 2 tuổi, thực hiện ca ghép lần đầu vào ngày 05 tháng 12 năm 2005 tạo được tiếng vang cả trong và ngoài nước.

28

Ông Nguyễn Chấn Hùng

Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động

Ông là cây đại thụ trong lĩnh vực điều trị ung thư, có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển chiến lược phòng, chống ung thư ở Việt Nam.

Ông đã trực tiếp điều hành và phát triển Bệnh viện Ung bướu TP HCM từ một cơ sở y tế quy mô nhỏ thành Bệnh viện chuyên sâu hàng đầu về ung bướu tại Việt Nam, nhiều công nghệ tiên tiến và phương pháp điều trị ung thư mới đã được áp dụng và đạt được hiệu quả cao.

29

Bà Phan Kim Phương

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyên Phó Giám đốc Viện Tim TP HCM

Bà là người đồng sáng lập Bệnh viện Tim Tâm Đức, có quá trình công tác nhiều năm tại các đơn vị tim mạch đầu ngành của thành phố.

Bà được xem là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch tại Việt Nam, là người tiên phong ứng dụng nhiều kỹ thuật phẫu thuật tim mới tiên tiến, góp phần nâng cao tỉ lệ thành công và rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân tim tại Việt Nam. Bà đã dẫn dắt chương trình Mổ tim từ thiện tạo nhiều hi vọng cho tương lai mới tươi sáng của trẻ mắc tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn.

30

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng

Anh hùng lao động, Giáo sư, Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ

Bà có nhiều đóng góp to lớn cho lĩnh vực phụ sản TP HCM và cả nước. Năm 2024, bà được trao giải Ramon Magsaysay - còn được gọi là Nobel Châu Á. Bà là nữ bác sĩ hết lòng vì người nghèo và nạn nhân chất độc màu da cam, người truyền ngọn lửa yêu thương.

Nổi tiếng với công trình Thụ tinh trong ống nghiệm, Cô đỡ thôn bản, Kỹ thuật nội soi trong phụ khoa, phát hiện sớm điều trị ung thư cổ tử cung, áp dụng phương pháp miễn dịch tế bào gốc (TBG) để chẩn đoán và theo dõi sự phát triển của thai nhi...

31

Ông Văn Tần

Anh hùng lao động, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình dân

(Mất năm 2023)

Ông là một trong những bàn tay vàng trong ngành ngoại khoa Việt Nam đã trực tiếp tham gia hơn 30.000 ca mổ khó, phức tạp.

Ông từng được vinh danh bác sĩ phẫu thuật động mạch giỏi nhất Việt Nam, phẫu thuật gan đứng thứ Nhì trong nước.

32

Ông Trần Văn Giàu

Nhà cách mạng, Giáo sư sử học, AHLĐ, Nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ

(Mất năm 2010)

Ông quyết định Cuộc Cách mạng tháng 8 tại Sài Gòn và quyết định nổ súng đánh Pháp ngày 23 tháng 9 năm 1945 đầu tiên trong cả nước trong kháng chiến chống Pháp.

Ông là Chủ tịch Hội Lịch sử Việt Nam, thầy của nhiều thế hệ nhà sử học từ Miền Bắc đến sau ngày giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc.

33

GS.TS Đặng Lương Mô

Nhà khoa học, cố vấn cao cấp

Ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được trích đăng hoặc trích dẫn trong các sách nghiên cứu xuất bản tại Mỹ, nhất là sách giáo khoa sử dụng tại các đại học của Mỹ.

Với những thành tựu đó, GS.TS Đặng Lương Mô đã làm rạng danh người Việt Nam trên lĩnh vực khoa học của thế giới. Ông đã được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học New York từ năm 1992.

Khi trở về nước GS. TS Đặng Lương Mô có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, như:
- Thiết lập Phòng Thí Nghiệm Mô Phỏng và Thiết Kế Vi Mạch (gọi tắt là Phòng Thí nghiệm FPGA) tại Đại học Bách Khoa, Đại học quốc gia TP HCM năm 2000.

34

Ông Nguyễn Đình Đầu

Nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý

(Mất năm 2024)

Ông có nhiều công trình nghiên cứu về lãnh thổ Việt Nam qua từng thời kỳ và được giới nghiên cứu đánh giá là một nhà khoa học nghiêm túc, tận tụy và có nhiều cống hiến quan trọng cho khoa học Việt Nam.

35

Ông Chu Phạm Ngọc Sơn

Giáo sư, Tiến sĩ

(Mất năm 2024)

Ông là một nhà khoa học và là giáo dục danh tiếng tại Việt Nam, là trí thức lớn được đào tạo ở các nước phương Tây, sau năm 1975 giảng dạy ở Đại học Tổng hợp TP HCM, đào tạo rất nhiều kỹ sư cho Việt Nam trong ngành vật lý và hóa học.

36

Ông Nguyễn Đình Tư

Nhà nghiên cứu lịch sử

Ông là nhà nghiên cứu lịch sử, được Viện kỷ lục Việt Nam ghi nhận kỷ lục là Nhà nghiên cứu có quá trình 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp nhiều nội dung giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chí của các vùng miền, tỉnh/thành phố Việt Nam. Hơn 80 năm cầm bút, hơn 60 tác phẩm, là tấm gương nghiên cứu, lao động suốt đời.
37

Ông Huỳnh Trí Bá (danh cầm Bảy Bá/ soạn giả Viễn Châu)

Nghệ sĩ nhân dân

(Mất năm 2016)

Ông là một danh cầm đàn tranh và soạn giả cải lương người Việt Nam. Ông là người đã khai sinh ra thể loại cải lương tân cổ giao duyên là việc ghép tân nhạc vào bản vọng cổ; Ông đã có công đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương danh tiếng một thời.

38

Ông Diệp Minh Châu

Họa sĩ, nhà điêu khắc, Nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM

(Mất năm 2002)

Ông là họa sĩ, điêu khắc gia Việt Nam. Ông đã sáng tạo hàng ngàn bức tranh và tượng, một số ở bảo tàng thế giới như Tiệp Khắc, Liên Xô, Ấn Độ. Đề tài về Bác Hồ ông có hơn 200 tác phẩm.

39

Bà Trương Phụng Hảo
(NSND Phùng Há)

Nghệ sĩ tiền phong lĩnh vực hát bội, cải lương

(Mất năm 2009)

Bà là một nữ nghệ sĩ cải lương người Việt gốc Hoa. Bà được xem là một trong những vị tổ của bộ môn nghệ thuật cải lương Việt Nam, cuộc đời bà gắn bó với bộ môn nghệ thuật này và để lại dấu ấn với nhiều vai diễn khác nhau.

Bà không chỉ là nghệ sĩ với giọng hát xuất sắc, diễn xuất tinh tế, mà bà còn có công đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhiều người đạt danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

40

Ông Trần Văn Khê

Giáo sư, Tiến sĩ Âm nhạc

(Mất năm 2015)

Ông là giáo sư, tiến sĩ âm nhạc nổi tiếng trên thế giới và trong nước với nhiều tác phẩm hiếm có, là người đầu tiên giới thiệu, giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam trên toàn thế giới, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ về nghệ thuật ca trù trình UNESCO, vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp góp phần đưa cồng chiêng được công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại.

41

NSND Kim Cương

Bà một nữ diễn viên kịch nói, diễn viên điện ảnh, soạn giả, biên kịch, trưởng đoàn kịch nói Kim Cương, nổi tiếng của Việt Nam từ trước 1975.

Trong hoạt động biểu diễn từ điện ảnh đến cải lương và nhất là trong kịch nói, bà trở thành một hiện tượng tiêu biểu nhất của sự thành công trong sự nghiệp hoạt động sáng tác, biểu diễn.

42

Ông Nguyễn Hồng Xuân
(Nhạc sĩ Xuân Hồng)

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

(Mất năm 1996)

Ông là một nhạc sĩ nhạc đỏ, tham gia cách mạng từ 1949; nổi tiếng với các sáng tác: Bài ca máy áo; Xuân chiến khu; Chiếc khăn tay; Tiếng chày trên sóc Bom Bo...

Ông viết nhạc phẩm Mùa xuân trên TP HCM vào năm 1978 được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (2005).

43

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

(Mất năm 2001)

Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của tân nhạc và nằm trong danh sách những nghệ sĩ âm nhạc Việt Nam có lượng đĩa bán chạy nhất.

Nhạc của ông được nhiều ca sĩ thể hiện gắn liền tên tuổi với hàng trăm ca khúc của ông. Trưa 30/4/1975, ông lên Đài phát thanh Sài Gòn hát bài "Nối vòng tay lớn" và phát biểu, kêu gọi người dân miền Nam ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.

44

TS Nguyễn Bá

Nguyên Giám đốc Bưu điện TP HCM, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam

Ông là tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực mạng lưới viễn thông, là người cán bộ bưu chính, viễn thông dám nghĩ, dám làm, lắp đặt tổng đài, nối mạng chuyển đổi từ tổng đài cũ sang tổng đài mới.

Ông đã đóng góp nhiều công sức tiên phong, đột phá tạo diện mạo mới cho bưu chính, viễn thông TP HCM và cả nước

45

Ông Trần Bạch Đằng

Nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ

(Mất năm 2007)

Ông là nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn có nhiều công lao xây dựng nền văn hóa mới, sau giải phóng vừa công tác ở Trung ương, vừa giúp Bí thư Thành ủy Võ văn Kiệt trong chỉ đạo "Xé rào, bung ra", viết báo cổ vũ "đổi mới".

Ông chăm lo giáo dục thanh niên, sâu sát hỗ trợ hoạt động Thành Đoàn, báo Tuổi trẻ, báo Thanh niên, Nhà xuất bản Trẻ, Trường Đoàn,...

46

Ông Phạm Khắc
Anh hùng lao động, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TP HCM

(Mất năm 2007)

NSND Phạm Khắc là một nhà nhiếp ảnh đồng thời là một nhà quay phim nổi tiếng. Bộ phim Mê Kông ký sự của hãng phim TFS do ông chủ biên và tổng đạo diễn đã gây tiếng vang lớn ở trong nước và khu vực Đông Nam Á.

Ông là người sáng lập Cúp Truyền hình (đua xe đạp) TPHCM, sáng kiến tổ chức Giải đua xe đạp toàn quốc hằng năm rất có ý nghĩa.

47

Bà Nguyễn Thị Ráo
(Ba Thi)
Anh hùng lao động, nguyên Giám đốc Công ty Kinh doanh Lương thực TP HCM

(Mất năm 2002)

Bà là điển hình tiêu biểu về tư duy đột phá trên mặt trận phân phối lưu thông trước đổi mới tại Việt Nam.

Với tư duy đột phá và khả năng lãnh đạo xuất sắc, bà đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh lương thực trong bối cảnh khó khăn của thời kỳ bao cấp, khi mà nền kinh tế phải đối mặt với nhiều hạn chế và khó khăn.

48

Ông Tôn Thọ Khương
Anh hùng lao động, Trưởng Hoa tiêu Cảng Sài Gòn (1975-1991)

(Mất năm 2007)

Ông đã giới thiệu hơn 800 sáng kiến cải tiến và đổi mới giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng Sài Gòn - một trong những cảng biển quan trọng nhất trong hệ thống vận tải biển của cả nước.

Ông đã tích cực xây dựng các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế để thu hút đầu tư, không ngừng nâng cao vị thế của Cảng Sài Gòn trên bản đồ thương mại quốc tế.

49

Ông Trần Du Lịch

Tiến sĩ, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc Hội đơn vị TP HCM, Ủy viên Hội đồng Khoa học TP HCM

Ông có hơn 50 năm cống hiến cho công tác xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố. Sự nghiệp của ông được ghi dấu bằng những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và hệ thống thể chế của Thành phố, thể hiện rõ nét qua việc ông chủ trì và đồng chủ trì nhiều đề án, chương trình phát triển kinh tế, từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi các chính sách kinh tế kịp thời.

50

Bà Mai Kiều Liên

Anh hùng lao động, Tổng giám đốc Vinamilk

Bà là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc và gây ảnh hưởng sâu rộng nhất trong ngành công nghiệp sữa tại Việt Nam.

Bà cũng là người tiên phong trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất, nhờ đó Vinamilk đã trở thành một trong những nhà sản xuất sữa hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Bà đã được vinh danh trong danh sách "Top 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam" vào năm 2017.

51

Bà Nguyễn Thị Nghĩa
(Chín Ngân)

Anh hùng lao động, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op

Bà đã trực tiếp dẫn dắt và xây dựng hệ thống siêu thị thương mại hiện đại Coop Mart, không chỉ tại TP HCM mà còn mở rộng ra các tỉnh Miền Nam và Miền Bắc, tạo ra một mạng lưới phân phối rộng rãi trong cả nước góp phần thực hiện các chủ trương Bán hàng bình ổn thị trường", "Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...

52

Đại tá Lý Đại Bàng

Anh hùng Lực lượng vũ trang

(Mất năm 2010)

Trong suốt sự nghiệp của mình, đại tá Lý Đại Bàng đã trực tiếp tham gia phá hàng trăm vụ án hình sự, bắt giữ hàng trăm kẻ cướp và thành viên của nhiều băng nhóm tội phạm khét tiếng điển hình như vụ: Tiêu "mù", băng đảng Nguyễn tàn bạo, Hoàng Cần Thơ, băng Võ Tùng Hội... cũng như chỉ đạo nhiều chuyên án lớn liên quan đến ma túy.

53

Ông Mai Chí Thọ

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND Thành phố từ tháng 3/1979 đến tháng 6/1986. Bí thư Thành ủy từ tháng 10/1986 đến hết Đại hội Đảng lần thứ VI)

(Mất năm 2007)

Cùng đồng chí Võ văn Kiệt chỉ đạo "bung ra" thành lập Công ty Xuất nhập khẩu trực dụng" (Direcximco) nhập khẩu vật tư nguyên liệu, xăng dầu phục vụ sản xuất công nghiệp – tiểu công nghiệp thành phố, làm khác với chủ trương "độc quyền ngoại thương" của Nhà nước. Quyết tâm chỉ đạo cuộc vận động "Xóa đói giảm nghèo" trở thành mô hình được nhiều tỉnh thành cùng hưởng ứng.
54

Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Trung Kiên

Nguyên UVBCHTW, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Nguyên Tư lệnh Quân khu 7, Nguyên Tư lệnh TPHCM

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là một chiến sĩ biệt động mưu trí dũng cảm, một Dũng sĩ diệt Mỹ nguỵ điển hình.

Ông đã để lại dấu ấn mạnh mẽ và bền vững trên nhiều lĩnh vực, từ tư pháp cho đến các công trình ở Biển Đông và hải đảo, công việc cắm mốc biên giới với ba nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia, cùng việc xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới được ông chỉ đạo thực hiện đồng bộ và quyết liệt.

55Ông Nguyễn Văn Tàu
(Tư Cang), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Ông là cụm trưởng Cụm tình báo đầu tiên của miền Nam Việt Nam H63. Đây là một cụm tình báo tác nghiệp đặc biệt nhằm điều tra các thông tin mật mở mạch máu vận chuyển thông tin, tài liệu thông suốt.

Đặc biệt là thông tin của chính phủ Mỹ đối với tình hình Sài Gòn khi xảy ra sự kiện Mậu Thân từ đó giúp cho Quân đội ta đưa ra các quyết sách góp phần làm nên chiến thắng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân năm 1968.

56

Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình

Tổng giám mục tiên khởi của Tổng giáo phận Sài Gòn

(Mất năm 1995)

Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình là một trong những nhân vật tiêu biểu của Giáo hội Công giáo Việt Nam thế kỷ XX, luôn hướng về hòa bình và hòa hợp dân tộc.

Ông đã có những đóng góp to lớn cho Giáo hội và xã hội Việt Nam, đặc biệt là trong việc định hướng, kêu gọi tu sĩ, giáo dân hòa nhập và dấn thân xây dựng thành phố và đất nước. Sau năm 1975, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và chia rẽ, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc hòa hợp dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

57

Ông Nghị Đoàn

Nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa VI, Chủ tịch UBND Quận 5, Trưởng Ban Công tác người Hoa Thành phố, Chủ tich Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thành phố

(Mất năm 2020)

Ông là cán bộ lãnh đạo dân tộc Hoa gắn bó với công tác dân tộc, đã đóng góp cho sự phát triển của dân tộc, có sức ảnh hưởng rộng lớn trong đồng bào các dân tộc, luôn định hướng và giáo dục truyền thống cho thanh niên là người dân tộc trong việc việc giữ gìn bản sắc văn hóa, tiếng nói chữ viết.

Ông tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện, hỗ trợ người nghèo và các gia đình khó khăn trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

58

Ni sư trưởng Thích nữ Huỳnh Liên

Người sáng lập và trụ trì chùa Từ Nghiêm
- Thành lập và lãnh đạo Ni bộ Bắc tông tại miền Nam Việt Nam

(Mất năm 1987)

Ni Sư Huỳnh Liên đã âm thầm và công khai tham gia đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.

Từ năm 1975, bà là thành viên Đoàn Đại biểu miền Nam Hiệp Thương Thống Nhất Tổ Quốc Việt Nam, bà từng là một trong 5 sinh viên xuất sắc được nhận học bổng của Nhật Bản và có 3 bằng cử nhân: Phật học, Xã hội học và Y dược học. Những đóng góp của Bà không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước mà còn là biểu tượng của lòng từ bi và nhân ái trong Phật giáo Việt Nam.

59

Trưởng lão Hòa thượng pháp chủ Thích Trí Quảng

Chủ tịch Hội đồng giám luật Hội đồng chứng minh Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam TP HCM

Ông là một trong những vị lãnh đạo tôn giáo nổi bật của Việt Nam với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Phật giáo và đất nước, dành cả cuộc đời để hoằng pháp, giảng dạy và phổ biến Phật pháp đến với mọi người.

Ông đã viết hơn 50 tác phẩm nghiên cứu Phật học. Hòa thượng đã xây dựng và trùng tu chùa Huê Nghiêm, một trong những ngôi chùa lớn và đẹp nhất ở TP HCM.

60

Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh

Hiệp sĩ Đại thánh giá do tòa thánh Vatican phong tước

Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh là người đầu tiên tại châu Á được Tòa Thánh Vatican trao tước phẩm Hiệp sĩ Đại Thánh giá, một danh hiệu cao quý và uy tín trong Giáo hội Công giáo. Ông thường xuyên hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào các dân tộc...
VNHN