17/07/2025 lúc 18:34 (GMT+7)
Breaking News

GS.TSKH. Đào Khắc An và hành trình cống hiến cho khoa học công nghệ

GS.TSKH Đào Khắc An luôn được biết đến với hình ảnh một nhà khoa học cần mẫn, khiêm tốn, giản dị, say mê nghiên cứu và là một nhà giáo tâm huyết với tình yêu nghề đậm sâu. Ông đã có những kết quả đóng góp đáng tự hào cho sự phát triển của chuyên ngành “Vật lý và công nghệ chế tạo linh kiện bán dẫn; khoa học vật liệu, vật liệu bán dẫn nano; Vật lý điện tử, lý thuyết và thực nghiệm truyền năng lượng không dây bằng chùm tia vi ba công suất cao và các ứng dụng trong thực tế...

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đào Khắc An

GS.TSKH Đào Khắc An sinh năm 1945 tại thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội. Năm 1947 khi quân Pháp đánh xuống Hà Đông, gia đình chuyển về quê ngoại ở Tổng Định Trung, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc sinh sống. Trong hoàn cảnh gia định khó khăn, ngay từ nhỏ ông đã phải làm nhiều việc, vừa học vừa làm song trong những năm học ở trường phổ cấp I, II, III, ông luôn là học sinh giỏi, nhiều lần tham gia thi học sinh giỏi cấp Trường, Tỉnh và đã từng tham gia thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc năm 1965. Ông rất nhiệt tình trong công tác của Đoàn thanh niên và xã hội, năm 1964 khi đang học lớp 9 tại trường phổ thông, ông là một trong số rất ít những học sinh được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Năm 1965, ông được cử sang Hungary theo học tại Khoa Điện, chuyên ngành Điện tử - Kỹ thuật thu phát sóng Siêu cao tần tại ĐHKỹ thuật Budapest. Tháng 11/1971, ông là một trong ba học sinh Việt Nam tốt nghiệp loại giỏi. Trong giai đoạn này, nhà nước Việt Nam có chủ chương đầu tư phát triển công nghiệp Điện tử và đã được phía Hungary bán cho một dây truyền thiết bị công nghệ để chế tạo linh kiện Bán dẫn -Vi điện tử. Nhân sự kiện này, ông được gửi đi làm cộng tác viên tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển các linh kiện bán dẫn - Vi điện tử thuộc hãng TUNGSRSAM, Budapest để tiếp thu công nghệ về triển khai ở Việt Nam sau này. Tại Trung tâm Nghiên cứu ở Budapest ông đã tích cực nghiên cứu các công nghệ ở đó, đồng thời đã tích cực nghiên cứu, đề xuất ra phương pháp nghiên cứu phát triển công nghệ mới “Chế tạo linh kiện bán dẫn Transistor siêu cao tần bằng phương pháp khuếch tán đảo ngược”, các kết quả nghiên cứu này được các nhà KHCN Hungary quan tâm đánh giá cao. Từ năm 1973, ông về làm việc tại Viện Vật lý, ông đã cùng tập thể các nhà khoa học của Viện triển khai lắp đặt vận hành dây truyền công nghệ chế tạo linh kiện Bán dẫn -Vi điện tử mua từ Hungary về, và sau một thời gian ngắn ông cùng các cán bộ của Viện đã chế tạo thành công hàng vạn chip các loại Transisitor BC107-108, BF33-34, đi ốt bán dẫn Si 1A, 5A và pin mặt trời đơn tinh thể Si…Nhân sự kiện này, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đến thăm Viện Vật lý và đánh giá cao các kết quả đạt được.

Sau khi Nhà nước quyết định đầu tư lớn xây dựng nhà máy chế tạo linh kiện bán dẫn (Z181) cho Quân đội, GS. An cũng đã có các giao lưu hợp tác với bên đó, sau đó ông chuyển sang nghiên cứu vật lý công nghệ chế tạo một số loại linh kiện bán dẫn công suất cao và cảm biến (senor). Năm 1977, ông được cử làm Trưởng đoàn cán bộ KHCN Việt Nam đi thăm nghiên cứu tại Cộng Hòa Liên Bang (CHLB) Nam Tư. Giai đoạn đầu, Đoàn đi tham quan nghiên cứu tình hình ngành Điện tử tại một số trường Đại học, Hãng Điện tử lớn tại các Bang. Sau đó, ông chuyển đến làm việc nghiên cứu tại nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn ở thành phố NIS thuộc CH Serbia. Về nước, ông triển khai nghiên cứu chế tạo linh kiện phôtô detector, phôtô điốt Si. Năm 1982, ông chủ trì đề tài nhánh và đã nghiên cứu chế tạo thành công phôtô điốt Si đầu tiên ở Việt Nam. Với những nỗ lực không ngừng và một số công trình KH công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín về mô hình hiện tượng khuếch tán đồng thời có tính dị thường của các nguyên tử tạp chất vào bán dẫn Si, ông đã bảo vệ đặc cách luận án Phó Tiến sĩ Toán – Lý năm 1984. Năm 1985, ông được cử đi làm thực tập sinh cao cấp tại Viện Vi điện tử, Viện Vật Lý Trung Tâm (KFKI) thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Hungary. Được làm việc cùng với GS,VS Gyulai Jozsef, ông đã nghiên cứu một số vấn đề về vật lý và công nghệ cấy (implantation) các ion nguyên tử tạp chất vào vật liệu bán dẫn. Do có các kết quả nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực lý thuyết và thực nghiệm về pha nguyên tử tạp vào bán dẫn, từ năm 1987-1990, ông được mời làm cộng tác viện Khoa học tại Trung Tâm nghiên cứu phát triển linh kiện bán dẫn thuộc Liên hiệp Vi điện tử (Microelectronics Enterprise), Budapest Hungary. Nơi đây, ông đã có một số công trình công bố tiêu biểu: dựng mô hình bài toán lý thuyết khuếch tán tạp chất vào bán dẫn, giải số phương trình Parabol phi tuyến về khuếch tán dị thường, bài toán khuếch tán đồng thời các nguyên tử tạp chấtcó hệ số khuếch tán khác nhau; sự khuếch tán của nguyên tử Vàng (Au) đồng thời với nguyên tử tạp chất nhóm III với hiệu ứng đẩy (push effect)… Các kết quả này của ông được giới khoa học cùng lĩnh vực đánh giá cao, được NXB Transtech (Thụy Sỹ) liệt kê vào sách về hạng mục các công trình tiêu biểu chọn lọc 10 năm, đặc biệt sáng chế (số U29/1988 invention) về công nghệ mới của ông cũng được công nhận tại Liên hiệp Vi điện tử Budapest. Với những kết quả mới nổi bật, tháng 12/1990, ông đã bảo vệ đặc cách luận án Tiến sỹ khoa học (TSKH) tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Năm 1991, ông về làm việc tại Viện Vật lý, rồi Viện Khoa học Vật liệu, Viện HLKH&CN VN. Từ năm 1995, ông được chọn làm thành viên Ban biên tập (Editor) Tạp chí“Solid State Phenomena” thuộc NXB Transtech Publication (Thụy Sỹ), và nhiều năm sau chuyển là thành viên Ban Tư vấn Quốc tế của Tạp chí. Năm 2004, ông là thành viên trong Ban Tư vấn Hội nghị Quốc tế lớn về khuếch tán trong vật liệu (DIMAT2004) tại Paris Pháp; được mời đi đọc bài giảng ở một số trường ĐH (Humbol- Đức, Deft Hà Lan , ĐH Montana, ĐH Corolado (USA)…

Trong giai đoạn từ 1991- 2021, sau giai đoạn bảo vệ xong GS.TSKH. Đào Khắc An đã tập trung nghiên cứu một số lĩnh vực về Vật lý và công nghệ các linh kiện Sensor; nghiên cứu về công nghệ nano - vật liệu nano- chế tạo dây nano bán dẫn GaAs, GeO2…; nghiên cứu chế tạo dây nano bán dẫn để ứng dụng trong chế tạo pin mặt trời plasmonic thế hệ mới. Trên nền kiến thức về vật lý Điện tử và Truyền sóng Vi ba, ông đã giảng dạy Cao học nhiều năm ở Học viện Bưu chính Viễn Thông. Từ năm 2009 đến 2018, ông đã tham gia nghiên cứu trong chương trình KHCN Vũ trụ, đã triển khai nghiên cứu Lý thuyết về bài toán truyền chùm tia Vi ba công suất cao từ Quỹ đạo Địa tĩnh (GEO) về mặt đất cùng các ứng dụng trong dân sự, an ninh quốc phòng…Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam, ông và tập thể cán bộ của phòng đã chế tạo thành công hệ thiết bị thử nghiệm truyền chùm tia vi ba công suất cao ở tần số 2,45 GHz đưa vào sử dụng truyền thử nghiệm tại Viện Khoa học Vật liệu -Viện Hàn Lâm KH&CN VN.

Bên cạnh các nghiên cứu chuyên sâu về lý thuyết, GS.TSKH Đào Khắc An cũng luôn quan tâm đến chế tạo các sản phẩm đưa ra ứng dụng: đã chế tạo thử nghiệm thành công hàng vạn chip Transisitor kiểu BC107-108, BF33-34, điốt Si công suất cao… đầu tiên ở Việt Nam (1973-1976); tham gia chế tạo các bộ pin mặt trời đơn tinh thể Si đầu tiên ở Việt Nam (1975-1976); lần đầu tiên chế tạo thành công trên 7000 phôtô điốt Si đưa ra ứng dụng ở Cục Điện ảnh (1980-1982), đề tài này được Hội đồng KH nghiệm thu cấp NN công nhận là một tiến bộ KHCN Quốc gia. Từ năm 1991-2005, phòng nghiên cứu của GS. An đã nghiên cứu chế tạo thành công và đưa ra thị trường trên 2000 sản phẩm thương mại về các loại Nhiệt ẩm kế môi trường, trong đó đã cung cấp cho Cục Quân khí, Bộ Quốc phòng 1320 bộ nhiệt ẩm kế đưa vào sử dụng trong kho tàng; đã chế tạo thành công một số hệ thiết bị cảm biến như máy đo độ rọi ánh sáng, máy đo khí độc, hệ máy đo dịch chuyển nhỏ (10-2-10-5cm) đưa đi đo khảo sát,đo độ dịch chuyển trong lòng núi tại trạm Thủy điện Hòa Bình; chế tạo các máy xử lý không khí ô nhiễm dựa trên vật liệu TiO2.Và gần đây, lần đầu tiên ông đã có đóng góp lớn chế tạo thành công hệ thiết bị truyền công suất vi ba ở tần số 2,45 GHz và đã truyền thành công chùm tia vi ba công suất cao 100 W giữa hai điểm trên mặt đất. Kết quả này được Nhà KH Nhật Bản, Distigushed Profesor Naoki Shinohara, chuyên gia hàng đầu thế giới tại IEEE về lĩnh vực truyền công suất vi ba đánh giá cao kết quả đầu tiên nghiên cứu ở VN.

Một vài hình ảnh về các Chip linh kiện transistor,các linh kiện điôt Si 5A , phôtô Si, sensor …đã chế tạo tại phòng NCPT Sensor của GS.TSKH Đào Khắc An trong giai đoạn 1973-1983.

Là nhà khoa học có chuyên môn sâu - rộng, tâm huyết, GS.TSKH. Đào Khắc An còn là một nhà giáo luôn tận tụy, hết lòng giảng dạy cho nhiều thế hệ học viên. Ông đã được mời giảng dạy ĐH, sau ĐH, đào tạo Tiến sỹ trên 25 năm tại: Khoa Công nghệ là tiền thân của ĐHKHCN thuộc ĐHQG Hà Nội; Khoa Vật Lý- ĐH Tổng hợp; Trung tâm Quốc tế Đào tạo Khoa học Vật liệu (ITIMS)- ĐHBK Hà Nội; ĐH Khoa học Tự Nhiên Huế; dạy Cao học tại Học Viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông… Đào tạo hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên, học viên Cao học, NCS bảo vệ thành công luận án.

Từ năm 1971 đến nay (2025), ông cũng là tác giả chính và đồng tác giả của gần 200 bài báo KH được công bố in trên các Tạp chí KHCN uy tín trong và ngoài nước, đã tham gia nhiều Hội nghị KH quốc tế, có 02 sáng chế được công nhận ở trong và ngoài nước, là đồng tác giả 01 giải VIFOSTED. Từ năm 1973 - 2021, ông cũng đã tham gia và chủ trì khoảng trên 20 đề tài NCKH cấp Bộ, cấp Nhà nước trong các chương trình KHCN (KC-01, KC- 02, đề tài Nghị định thư, đề tài NCCB…). Ông còn là tác giả, và chủ biên 05 quyển sách chuyên khảo, sách giáo trình phục vụ giảng dạy ĐH và sau đại học với các tên sách: “Vật liệu và linh kiện bán dẫn quang điện tử trong thông tin quang; Bài toán và lời giải của Điện tử học (dịch); Công nghệ Vi và Nanô điện tử; Vấn đề an ninh năng lượng và một số giải pháp KHCN thu biến đổi truyền năng lượng mặt trời về mặt đất; Các phương pháp vật lý thực nghiệm hiện đại”…

05 cuốn sách chuyên khảo do GS.TSKH Đào Khắc An viết và là chủ biên đã xuất bản dùng trong nghiên cứu giảng dạy đại học sau đại học

Với những thành tích nổi bật trong công tác NCKH, ông được phong Học hàm Phó Giáo sư Vật lý năm 1996, Giáo sư Vật lý năm 2004, và là Nghiên cứu viên chính năm 1994, NCVCC năm 2002. Đồng thời, GS. An là nguyên Trưởng phòng NCPT sensor, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng ngành Điện tử Thiết bị Khoa học -Viện KHVN, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng KH kiêm Chủ tịch Hội đồng KH chuyên ngành Quang học và Thiết bị Điện tử Viện KH Vật liệu…Trải qua sau hơn 80 năm tuổi đời, và gần 60 năm liên tục làm việc, GS.TSKH Đào Khắc An đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, Ban ngành trao tặng nhiều danh hiệu, huy hiệu phần thưởng cùng nhiều Bằng khen để ghi nhận những đóng góp, cống hiến quan trọng của ông.

Về phía gia đình, GS. An luôn là người chồng người cha có trách nghiệm. Theo bước tiến của ông, hiện nay 3 con ông đều đã học tập nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án TS, có vai trò chức trách cao trong công việc, cuộc sống.

Ảnh phái đoàn các nhà KHCN ASEAN (mỗi nước 2 người) tại Văn phòng Thống đốc bang Ontario - Canada nhân chuyến thăm do Chính phủ Canada mời đi thăm nghiên cứu về công nghiệp Điện tử tại Canada. Phía Việt Nam có GS. Đào Khắc An (thứ 2, từ phải sang) và GS. Bạch Hưng Khang.

Qua bao thăng trầm khó khăn trong cuộc sống, nhưng ông luôn làm việc hết mình, là một trong số các nhà khoa học hàng đầu luôn tiên phong tiếp thu nghiên cứu phát triển nhiều vấn đề khoa học công nghệ mới góp phần triển khai phát triển KHVN ở Việt Nam.Ông đã luôn gắn bó yêu thương tâm huyết đào tạo truyển lửa và lòng ham mê cho nhiều thế hệ sinh viên - học viên và các nhà KHCN trẻ để họ vững bước trên con đường làm KHCN, Nhiều thế hệ học viên của ông đã thành đạt. Tuy nhiên,GS. Đào Khắc An vẫn luôn trăn trở suy nghĩ về hiện trạng KHCN của Việt Nam: Làm sao để các nhà KHCN Việt Nam có điều kiện làm việc thuận lợi hơn, có cơ chế thông thoáng để cho các nhà KHCN có thể làm việc đóng góp to lớn hơn nữa góp phần phát triển kinh tế, phục vụ An ninh Quốc phòng. KHCN trên thế giới hiện nay đang phát triển như vũ bão với các khái niệm và lĩnh vực rất mới (AI…khoa học Vũ trụ , các loại khí tài, sản phẩm công nghệ mới ...). Một đất nước không thể hùng mạnh khi không có một nền KHCN và nền tảng công nghiệp phát triển. Ở Việt Nam có rất nhiều các nhà khoa học tài năng, đã đang lao động hết mình nhưng các kết quả lại chưa có nhiều cơ hội đưa ra ứng dụng trong thực tế. GS. An cho rằng, trong giai đoạn tới nhà nước cần có các quyết sách phù hợp để thu hút các nhân tài trong và ngoài nước trong lĩnh vực KHCN đóng góp sức lực xây dựng đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh.

Tiến Đức