
Một góc đô thị thành phố Tân An Long An, trung tâm hành chính tỉnh mới sau sáp nhập với Tây Ninh, thúc đẩy bất động sản đô thị phát triển - Ảnh: TL
Trong nửa đầu năm 2025, tỉnh Tây Ninh đã đạt nhiều kết quả nổi bật, với GRDP tăng 8,6% so cùng kỳ. Thu ngân sách đạt 56% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Kết quả nổi bật đến tháng 7/2025, GRDP ước đạt 32.615 tỷ đồng, tăng 8,6%; Nông – lâm – thủy sản đạt +4,4%; Công nghiệp – xây dựng đạt+11,8%; Dịch vụ đạt +7,4%. Tổng đầu tư xã hội 22.077 tỷ đồng (+11,1%); thu ngân sách đạt 7.374 tỷ đồng, đạt 56% dự toán, tăng 15,6%.
Thu hút đầu tư trong nước là 6.337 tỷ đồng (+18%); đầu tư FDI là 415,9 triệu USD (tăng 1,48 lần), 11 dự án mới; thành lập 459 doanh nghiệp mới (+37,8%), vốn đăng ký gấp 20 lần cùng kỳ; 100% vốn đầu tư công đã phân bổ; đã triển khai các dự án lớn là khu phức hợp Mộc Bài Xuyên Á, quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát – Mộc Bài, KCN Hiệp Thạnh, và mở rộng Phước Đông – Bời Lời.

Việc sáp nhập tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh thành một đơn vị hành chính mới, dự kiến mang tên tỉnh Tây Ninh, không chỉ là một sự thay đổi về địa giới hành chính mà còn mở ra một chương mới đầy tiềm năng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng - Ảnh: TL
Cùng các ngành tăng tốc vượt trội, với Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,4%; Du lịch đạt 2.704 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm, đón 3,5 triệu lượt khách. Cũng như tỉnh hướng đến phát triển sản phẩm du lịch mới như phát triển phim 3D mapping về Di tích Trung ương Cục miền Nam.
Với đà tăng trưởng đồng đều trên nhiều lĩnh vực và loạt dự án chiến lược, Tây Ninh đang quyết liệt hướng đến mục tiêu 10% GRDP năm 2025, khẳng định vị thế vùng kinh tế động lực phía Nam. Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu định hướng tăng trưởng theo cơ cấu, công nghiệp – xây dựng đạt 46–47% GRDP; dịch vụ đạt 30–31%; nông – lâm – thủy sản đạt 18–19%. Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, thu hút FDI, đẩy nhanh giải ngân vốn công. Tập trung hoàn thành dự án trọng điểm, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sau khi sáp nhập, kinh tế tỉnh Tây Ninh được đánh giá là mở rộng – liên kết – bứt phá, cùng với cấu trúc nền kinh tế cân bằng và đa ngành. Tỉnh đang từng bước hướng đến mục tiêu trở thành vùng động lực kinh tế mới của phía Nam; từng bước hình thành “cực tăng trưởng” mới bên cạnh TP.HCM. Phát triển mạnh các lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo, logistics xuyên biên giới, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch sinh thái – văn hóa./.