18/07/2025 lúc 23:22 (GMT+7)
Breaking News

Cần Thơ – Trung tâm kiểu mẫu mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Cần Thơ chính thức bước vào một giai đoạn phát triển mới khi hợp nhất cùng hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, trở thành đô thị trung tâm mở rộng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là mô hình hợp nhất hành chính – kinh tế đầu tiên của cả nước ở cấp địa phương, mở ra tiền lệ cho chiến lược phát triển vùng theo hướng tích hợp và bền vững.

Về miền Tây Đô. Ảnh: TL

Tổng diện tích của thành phố Cần Thơ mới sau hợp nhất là hơn 7.200 km², với dân số xấp xỉ 3,9 triệu người (theo số liệu thống kê sơ bộ từ ba địa phương gộp lại). Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt khoảng 79 triệu đồng/năm, dự kiến tăng mạnh nhờ hưởng lợi từ quy hoạch vùng, cải thiện hạ tầng và dòng vốn đầu tư mới.

Cần Thơ với đô thị rộng mở. Ảnh: TL

Không gian đô thị mở rộng với tầm nhìn vùng

Với vị trí trung tâm ở hạ lưu sông Mê Kông, Cần Thơ giữ vai trò đầu mối giao thông thủy – bộ – hàng không của toàn khu vực. Sự hợp nhất với Hậu Giang và Sóc Trăng giúp thành phố mở rộng đáng kể không gian phát triển: kết nối từ cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng), đến sân bay Cần Thơ, và hệ thống logistic liên tỉnh theo trục Bắc – Nam và Đông – Tây.

Phối cảnh Cảng Trần Đề. Ảnh: TL

Theo các chuyên gia quy hoạch, đây là một bước tiến lớn trong thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó xác định Cần Thơ là trung tâm vùng về công nghiệp chế biến, logistics, đào tạo, y tế và đổi mới sáng tạo.

Chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp. Ảnh: TL

Chợ nổi Ngã Năm. Ảnh: TL

Khác với hình dung về sự “đô thị hóa ồn ào”, người Cần Thơ chọn cách phát triển thầm lặng nhưng hiệu quả: từ những tuyến đường được mở rộng, công viên chỉnh trang, khu dân cư mới theo tiêu chuẩn sinh thái – thông minh dần hình thành.

Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: TL

Tại lễ công bố nhân sự lãnh đạo mới sau hợp nhất (ngày 2/7/2025), Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh: "Cần Thơ không còn là một địa danh hành chính đơn lẻ, mà là trung tâm của một chỉnh thể thống nhất. Đây là thời điểm toàn hệ thống chính trị cần hành động quyết liệt, đồng bộ và có trách nhiệm".

Về với Cần Thơ là về với miền trái cây sum suê quanh năm. Ảnh: TL

Ông kêu gọi từng cán bộ, đảng viên phải thể hiện được phẩm chất, năng lực, bản lĩnh và sự tận tâm phục vụ nhân dân, lấy đạo đức công vụ và hiệu quả thực tế làm thước đo đánh giá quan trọng nhất.

Bảo tàng Khơ me. Ảnh: TL

Từ “Tây Đô” xưa đến đô thị kiểu mẫu sông nước

Không chỉ phát triển hạ tầng, Cần Thơ đang vươn mình trở thành một kiểu mẫu đô thị sông nước hiện đại – sinh thái – hài hòa. Với việc định hướng phát triển thành đô thị thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, Cần Thơ tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như: nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dịch vụ giáo dục – y tế chất lượng cao, và bảo tồn văn hóa bản địa.

Thiền viện Trúc lâm Phương Nam. Ảnh: Mogi

Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đe dọa vùng hạ lưu Mê Kông, mô hình phát triển bền vững tại Cần Thơ có ý nghĩa chiến lược cho cả nước. Đây cũng là lý do khiến Cần Thơ đang được kỳ vọng trở thành đô thị đại diện cho Việt Nam trong việc giới thiệu với thế giới mô hình phát triển "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng".

Bến Ninh Kiều. Ảnh: Mogi

Cần Thơ đang hướng đến là Trung tâm kiểu mẫu mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TL

Thành phố Cần Thơ đang vươn mình – không phải để hơn ai – mà để trở thành điểm tựa phát triển chung cho cả vùng. Với cơ cấu dân số trẻ, tài nguyên phong phú, bản sắc văn hóa đậm đà và tinh thần sống hài hòa, tử tế của người dân, Cần Thơ đang dần hiện thực hóa khát vọng trở thành thành phố đáng sống, đáng đầu tư, và đáng kỳ vọng nhất của miền Tây Nam Bộ.

Phạm Thủy