Trong bối cảnh đó, việc hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương với tên gọi mới thành phố Hải Phòng đang mở ra một hướng đi chiến lược, tạo bước ngoặt quan trọng trong tổ chức không gian phát triển vùng Duyên hải Bắc Bộ, góp phần kiến tạo một cực tăng trưởng mới của đất nước.

Trung tâm hành chính của TP Hải Phòng. Ảnh: Báo Hải Phòng
Mở rộng không gian, tích hợp tiềm năng
Sau khi hợp nhất, thành phố mới có diện tích tự nhiên hơn 3.194 km² và dân số 4,5 triệu người. Cấu trúc không gian mới kết hợp giữa hạt nhân công nghiệp - dịch vụ - cảng biển của Hải Phòng và nền tảng nông nghiệp - công nghiệp hỗ trợ - công nghệ chế biến của Hải Dương hứa hẹn tạo nên một cấu trúc kinh tế cân đối, đa dạng và có sức bật lớn. Hải Phòng sở hữu hệ thống cảng biển nước sâu Lạch Huyện, sân bay quốc tế Cát Bi (và tương lai là sân bay Tiên Lãng), cùng mạng lưới giao thông đồng bộ, tiếp giáp trực tiếp với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Trong khi đó, Hải Dương có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, các khu công nghiệp chuyên sâu và nguồn nhân lực dồi dào, có tay nghề.
Việc hợp nhất đang mở rộng đáng kể không gian phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện hình thành một đô thị đặc biệt, trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia.

Cầu Quang Thanh nối Hải Dương và Hải Phòng. Ảnh: TL
Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng về động lực mới, sự chênh lệch trình độ phát triển giữa hai địa phương cũng đặt ra không ít thách thức. Sau hợp nhất, yêu cầu đặt ra là phải khẩn trương rà soát và điều chỉnh quy hoạch tổng thể, bảo đảm tính đồng bộ giữa phát triển đô thị - công nghiệp với bảo vệ môi trường và phát triển nông thôn mới. Các chuyên gia khuyến nghị việc tích hợp quy hoạch phải được đặt trong tầm nhìn vùng Bắc Bộ, đồng thời xây dựng lộ trình phát triển theo từng giai đoạn, có tiêu chí cụ thể và cơ chế giám sát rõ ràng.

Ảnh: Báo Hải Phòng
Theo GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Đại học Quốc gia Hà Nội), để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế 12%/năm cho toàn thành phố mới (trên cơ sở chỉ tiêu trước hợp nhất: Hải Phòng đạt 13,5%, Hải Dương 9,5%), cần tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ logistics, kinh tế số và đổi mới sáng tạo.

Tổ hợp nhà máy Vinfast Hải Phòng. Ảnh: TL
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân có vai trò quyết định. Việc sáp nhập không chỉ là thay đổi hành chính mà là sự chuyển đổi tư duy phát triển, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ của các cấp, các ngành.

Di sản Thế giới: Quần đảo Cát Bà. Ảnh: TL
Tại buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương trước đó, lãnh đạo hai bên thống nhất cao về quan điểm: Hải Phòng và Hải Dương có mối liên kết bền chặt về địa lý, văn hóa và kinh tế - xã hội. Việc hợp nhất không chỉ là sự kết hợp lợi thế về hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, mà còn là sự giao thoa và phát huy bản sắc địa phương, tạo ra sức mạnh tổng hợp mang tính vùng.
Đặc biệt, định hướng phát triển các lĩnh vực liên kết như: hạ tầng giao thông, logistics, thương mại - công nghiệp, du lịch, nông nghiệp và chuyển đổi số sẽ là những trụ cột để Hải Phòng mới trở thành cực tăng trưởng toàn diện, có sức lan tỏa trong vùng và cả nước.

Trung tâm Thủy Nguyên. Ảnh: TL
Hướng tới đô thị đặc biệt thứ ba của Việt Nam
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương và quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền hai địa phương, quá trình hợp nhất đang được triển khai bài bản, thận trọng, lấy hiệu quả phát triển và lợi ích nhân dân làm trung tâm. Việc hình thành thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô lớn, cơ cấu kinh tế hiện đại, mạng lưới hạ tầng phát triển đồng bộ không chỉ tạo tiền đề để Hải Phòng trở thành đô thị đặc biệt thứ ba sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mà còn là cú hích để nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực ASEAN và trên trường quốc tế.

Di sản văn hóa Thế giới - Côn Sơn Kiếp Bạc
Việc hợp nhất Hải Phòng và Hải Dương là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược trong việc tổ chức lại không gian phát triển quốc gia, phát huy hiệu quả liên kết vùng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây không chỉ là câu chuyện của hai địa phương, mà là mô hình thí điểm đáng chú ý về tổ chức lại địa giới hành chính theo hướng tích hợp đa chiều, hiện đại và bền vững.

'Vương quốc Cà rốt', Cẩm Giàng. Ảnh: TL
Với quyết tâm cao độ, sự đồng thuận rộng rãi và cách tiếp cận phát triển toàn diện, thành phố Hải Phòng mới hứa hẹn trở thành hạt nhân năng động trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, xứng đáng là động lực phát triển mới của cả nước trong giai đoạn tới.